Nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 Trung Quốc đang rút về phía đảo Hải Nam
Cùng lúc với thông tin giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam đang được kéo về Vũng Tàu sau khi hoàn thành khoan được một giếng dầu mới mà Cánh Cò đã đưa tin tối hôm qua. Tại khu vực khảo sát đan áo trái phép của tàu Hải Dương Địa Chất 8 Trung Quốc cũng có một diễn biến mới đáng chú ý.
Đó là sau khi đã kéo dài phạm vi khảo sát xuống phía nam 50 hải lý theo trục khảo sát Bắc – Nam rồi quay ngược lại phía bắc. Vào lúc 6h sáng nay ngày 24/10/2019, theo bản đồ vệ tinh AIS, dường như nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cũng đang rút đi về phía đảo Hải Nam sau hơn 3 tháng “cày xới”, “đan áo” trên một số vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Không loại trừ khả năng nhóm tàu này đi thẳng về cảng Hải Nam, kết thúc chiến dịch xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thực tế thế nào, chúng ta phải đợi thêm thời gian mới có thể biết rõ hơn.
Tàu hải cảnh 31302 của Trung Quốc cũng đã rời khỏi khu vực và nhập vào đoàn hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8, tuy nhiên tàu hải cảnh 5403 dường như vẫn đang bám theo chuyển động của giàn khoan Hakuryu-5 của Việt Nam.
Theo ảnh vệ tinh thì lúc 22h41′ ngày 23/10 tàu Hải Dương Địa Chất 8 đang được hộ tống bởi ít nhất 3 tàu hải cảnh: 37111, 33111 và 31302 và bám sát theo đó là tàu Khánh Hòa 01015 và tàu Đà Nẵng 09952 của Việt Nam. Tàu hải cảnh 46303 Trung Quốc đã trở về cảng ở đảo Hải Nam.
Liệu hai sự kiện này có liên quan đến nhau không? Cánh Cò nghĩ là có thể! Tuy nhiên, có thể nhóm tàu Trung Quốc chỉ rút về Hải Nam để củng cố rồi tiếp tục quay lại cản phá, xâm phạm. Cánh Cò xin nhắc lại là nhóm tàu Trung Quốc chưa chắc là rút thật đâu, có khi chơi trò mèo vờn chuột, Việt Nam cần phải luôn cảnh giác !
Như vậy là giàn khoan Hakuryu 5 của Việt Nam đóng tại thực địa dài hơn kế hoạch tới gần 3 tháng. Giàn khoan này ban đầu dự kiến trở về Vũng Tàu từ ngày 30/7, nhưng các hành động gây hấn hung hăng của Trung Quốc khiến Việt Nam quyết định cắm giàn khoan này tới ngày 15/9 và chỉ rời đi ngày 22/10.
Trên bản đồ AIS vệ tinh, tàu hỗ trợ hoạt động giàn khoan Crest Argus 5 đã rời khỏi khu vực từ ngày 20/10 và hiện giờ đang ở cảng Vũng Tàu. Còn tàu hỗ trợ hoạt động giàn khoan Sea Meadow 29 đã tắt tín hiệu AIS từ ngày 18/10 khi đang ở cảng Vũng Tàu.
Xin nhắc lại, nhiệm vụ của giàn khoan Hakuryu 5 là khoan thăm dò chứ chưa phải khai thác, việc nó trở về bờ không có nghĩa là Việt Nam đã xuống thang. Thực tế thì một cây cọc khổng lồ (Sao Vàng Đại Nguyệt) đã đóng chặt xuống đáy biển cách đó không xa, nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam và bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.
Cũng trong thời gian đó, lực lượng của ta đã thực hiện hàng loạt động thái răn đe tại khu vực Trường Sa, buộc Trung Quốc điều hàng loạt máy bay trinh sát, máy bay ném bom chiến lược và tiêm kích đa năng theo dõi.
Một điểm đáng Lưu ý: giọng điệu của Bắc Kinh về Biển Đông liên quan đến Việt Nam mấy ngày gần đây xem ra đã dịu hơn trước, chuyển từ “yêu cầu Việt Nam tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc” chuyển sang “hy vọng Việt Nam giải quyết khác biệt trên biển thông qua đối thoại và đàm phán”. Nhưng vẫn còn ngang ngược. Có thể liên quan đến Diễn đàn Hương Sơn chăng? Nhưng, vẫn cứ phải nhắc lại: Hãy cảnh giác và xem Bắc Kinh làm chứ đừng tin những lời họ nói!
Nguyễn Anh (Nguồn: Marine Traffic)