+
Aa
-
like
comment

Nhóm Quad “khai đao” với Trung Quốc

24/09/2021 19:07

Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại An ninh Bộ tứ (còn gọi là nhóm Quad) – gồm lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ – sẽ được tổ chức vào ngày 24/9 tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington, Mỹ. 

Lãnh đạo nhóm Quad dự kiến trao đổi và kỳ vọng thể chế hóa cách thức đối phó Trung Quốc, thúc đẩy “khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, và ứng phó dịch COVID-19.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã lần lượt lên đường sang Mỹ vào ngày 22 và 23/9. Dư luận cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh, lãnh đạo bốn nước sẽ trao đổi và kỳ vọng có thể thể chế hóa về cách thức đối phó với Trung Quốc, thúc đẩy một “khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ứng phó với đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, lãnh đạo các nước cũng dự kiến tổ chức các cuộc hội đàm song phương. Khi Mỹ, Australia và Anh đạt được thỏa thuận về thành lập liên minh quốc phòng AUKUS hồi tuần trước, các đồng minh của Mỹ và Australia đã rất không hài lòng. Do đó, cách các bên hợp tác theo cơ chế Quad đã nhận được sự quan tâm rộng rãi từ bên ngoài.

Nhóm Quad sẽ ra tuyên bố chung “nghiêm khắc hơn” với Trung Quốc

Hội nghị thượng đỉnh nhóm Quad lần này sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo bốn nước.

Kyodo News (Nhật Bản) ngày 22/9 dẫn các nguồn tin trong cuộc cho biết, dự kiến ​​lãnh đạo bốn nước sẽ bày tỏ sự phản đối “những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông và biển Hoa Đông.”

Dự thảo tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy bốn nước sẽ sử dụng “ngôn từ nghiêm khắc hơn” đối với Trung Quốc về các vấn đề hàng hải. Ngoài ra, tuyên bố chung cũng sẽ bao gồm các nội dung liên quan đến hợp tác về công nghệ tiên tiến.

Theo dự kiến, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như 5G, công nghệ sinh học… đồng thời thúc đẩy việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế liên quan để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Kyodo News cho rằng, hội nghị thượng đỉnh vẫn chưa chính thức được tổ chức và nội dung cuối cùng trong tuyên bố chung vẫn có thể bị thay đổi.

Khi Mỹ, Australia và Anh đạt được thỏa thuận về cơ chế AUKUS hôm 15/9, hai thành viên của Quad là Mỹ và Australia đang vướng vào tranh chấp ngoại giao với các đồng minh của họ, đặc biệt là Pháp.

Thượng đỉnh Quad: 4 ông lớn khai đao với Trung Quốc - Hành vi ở Biển Đông bị chỉ thẳng mặt? - Ảnh 1.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Quad được tổ chức hồi tháng 3/2021 theo hình thức trực tuyến. Phiên họp tại Mỹ ngày 24/9 sẽ là hội nghị cấp cao đầu tiên của nhóm này tổ chức theo hình thức trực tiếp

Hãng tin Bloomberg ngày 23/9 cho biết, hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ sắp tới và triển vọng của tất cả các bên trong hợp tác an ninh khu vực đều bị bị ảnh hưởng bởi điều này.

Khi trả lời phỏng vấn về việc liệu “Liên minh An ninh Ba bên” AUKUS có hạ thấp cơ chế “Đối thoại An ninh Bộ tứ” hay không, ngày 21/9, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết, AUKUS là một “liên minh an ninh” trong khi “Đối thoại An ninh Bộ tứ” là một “nhóm đa phương” bao gồm các quốc gia có cùng chí hướng, cùng tầm nhìn và các giá trị quan với nhau.

Ngoài ra, ông cũng từ chối đưa ra câu trả lời về việc Ấn Độ có tham gia AUKUS hay không sau khi nhận được lời mời từ liên minh này với lý do không trả lời “các câu hỏi giả định”.

Tờ India Express trước đó đưa tin, đối với Ấn Độ, việc Australia sẵn sàng đảm nhận vai trò “quân tiên phong” của Mỹ và các nước phương Tây trong khu vực là điều đáng hoan nghênh, bởi AUKUS là một biện pháp nhằm kiềm chế Trung Quốc. Là quốc gia duy nhất trong Bộ tứ có biên giới trên đất liền tiếp giáp Trung Quốc, AUKUS có thể giúp Ấn Độ giảm bớt lo ngại về an ninh hàng hải và có thêm thời gian để tăng cường năng lực hàng hải của mình.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Bloomberg News ngày 22/9, khi được hỏi về các vấn đề liên quan đến AUKUS, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, “Nhật Bản hy vọng được hợp tác với các nước liên quan” và nhấn mạnh rằng Pháp là một trong những quốc gia mà Nhật Bản hy vọng sẽ hợp tác.

Những cuộc đối thoại được quan tâm: Trung Quốc là tâm điểm!

Ngoài hội nghị thượng đỉnh “Đối thoại An ninh Bộ tứ”, các cuộc hội đàm song phương được tổ chức giữa lãnh đạo bốn nước cũng rất được quan tâm. Theo thông tin từ báo chí Ấn Độ, chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Narendra Modi sẽ kéo dài 5 ngày.

Tại một cuộc họp giao ban đặc biệt vào ngày 21/9, Ngoại trưởng Harsh Vardhan Shringla cho biết Thủ tướng Modi dự kiến ​​sẽ gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 24/9, tập trung thảo luận các vấn đề như tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh Ấn Độ – Mỹ. Sau đó, ông Modi sẽ lần lượt hội đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, đồng thời tới New York để tham dự phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Điều đáng chú ý là ông Modi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 21/9 trước chuyến công du Mỹ. Hai bên nhấn mạnh sẽ “triển khai hành động chung” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo tờ Hindustan Times, sau cuộc điện đàm, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết hai nước sẽ hợp tác trong khuôn khổ quan hệ EU – Ấn Độ, “thúc đẩy ổn định khu vực và pháp quyền, đồng thời loại trừ mọi hình thức bá quyền” và cam kết sẽ tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực kinh tế.

Cũng theo Hindustan Times, cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước diễn ra vài ngày sau khi AUKUS đặt được thỏa thuận. Một số nhà phân tích cho rằng “sự tương tác đột ngột” của Ấn Độ với Pháp lần này như một sự ủng hộ của Chính quyền ông Modi đối với Pháp về vấn đề AUKUS. Điều này có thể “phủ bóng” lên chuyến đi Mỹ của ông Modi.

Thượng đỉnh Quad: 4 ông lớn khai đao với Trung Quốc - Hành vi ở Biển Đông bị chỉ thẳng mặt? - Ảnh 2.
Hội nghị thượng đỉnh Quad diễn ra chỉ vài ngày sau khi hai thành viên của nhóm là Mỹ và Australia cùng Anh tuyên bố thành lập liên minh AUKUS – sáng kiến quốc phòng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được cho là nhằm vào Trung Quốc (Ảnh: EPA-EFE)

Nhật Bản – quốc gia thường xuyên đưa ra những nhận xét thách thức Trung Quốc gần đây – cũng là một trong những trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh Quad. Thủ tướng sắp từ chức Yoshihide Suga lên đường thăm Mỹ vào ngày 23 và trở về Tokyo vào ngày 26/9.

Báo Asahi Shimbun cho hay, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản trước khi từ chức là điều hiếm thấy trong lịch sử chính trị nước này. Kyodo News phân tích, dù sắp rời nhiệm sở nhưng ông Yoshihide Suga cho rằng cần tôn trọng lời mời của Mỹ, tăng cường quan hệ Nhật – Mỹ và hợp tác Mỹ – Nhật – Australia – Ấn Độ đều rất có lợi nên đã quyết định tham dự hội nghị thượng đỉnh “Đối thoại An ninh Bộ tứ”.

Ông Suga tuyên bố, ảnh hưởng quân sự đang gia tăng nhanh chóng và “những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng” của Trung Quốc có thể mang lại rủi ro cho Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản nên tăng cường liên minh với Mỹ để tăng cường khả năng răn đe và nỗ lực cải thiện sức mạnh quốc phòng của chính mình. Nhưng ông cũng nói thêm rằng, điều quan trọng vẫn là Nhật Bản và Trung Quốc duy trì đối thoại. Ngoài ra, Thủ tướng Suga cũng nhắc lại rằng Nhật Bản đang rất quan tâm đến tình hình ở Đài Loan.

Dư luận cho rằng việc tham gia sâu rộng vào Bộ tứ từ lâu đã nhận được sự đồng thuận trong giới chính trị Nhật Bản. Hiện tại, cuộc bầu cử Chủ tịch của đảng Dân chủ Tự do (LDP) vẫn chưa bắt đầu, nhưng một số người tham gia cuộc bầu cử có xu hướng tán đồng về việc làm sâu sắc hơn liên minh Nhật – Mỹ và thúc đẩy “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Điều này có nghĩa là bất kể ai sẽ được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản, người đó sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại hiện tại đối với Mỹ cũng như một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Hữu Hiển

Bài mới
Đọc nhiều