Nhóm lợi ích của cựu Giám đốc BV Bạch Mai đã câu kết, ăn chặn tiền của bệnh nhân thế nào?
Hành vi vi phạm của cựu Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và ‘nhóm lợi ích’ dẫn đến làm tăng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy cao hơn thực tế.
Hành vi của cựu Giám đốc BV Bạch Mai và đồng phạm gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố một loạt nhân sự của Bệnh viện Bạch Mai gồm: Nguyễn Quốc Anh (SN 1959, cựu Giám đốc), Nguyễn Ngọc Hiền (SN 1960, cựu Phó Giám đốc), Trịnh Thị Thuận (SN 1974, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán), Lý Thị Ngọc Thủy (SN 1968, Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán).
Cơ quan CSGGT cũng đề nghị truy tố: Phạm Đức Tuấn (SN 1979, cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS), Ngô Thu Huyền (SN 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS), Trần Lê Hoàng (SN 1978, nguyên thẩm định viên Công ty CP Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội- VFS) và Phạm Minh Dung (SN 1973, cựu TGĐ Công ty VFS).
Các bị can trên bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo kết luận điều tra xác định, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và Phạm Đức Tuấn, Giám đốc Công ty BMS ngay từ đầu khi gặp nhau tại Bệnh viện Bạch Mai để trao đổi về hệ thống Robot Rosa bao gồm từ phương án CBMS mua bán máy, đến khi thống nhất đặt robot theo hình thức liên doanh, liên kết đều đồng ý xác định giá trị robot là 39 tỷ đồng.
Căn cứ Tuấn đưa ra giá trị đầu tư robot 39 tỷ đồng là do Tuấn dự kiến giá mua, chi phí đào tạo, rủi ro, lợi nhuận… trong vòng đời máy và thời gian liên kết (hết 7 năm liên kết, robot là tài sản của bệnh viện).
Đồng thời, Quốc Anh và Tuấn thống nhất để công ty BMS giới thiệu đơn vị thẩm định giá, hợp thức hóa bằng chứng thư thẩm định ghi nhận giá Robot Rosa 39 tỷ đồng đưa vào đề án, hợp đồng liên doanh liên kết.
Kết luận cũng cho rằng, thực tế, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai không biết giá trị nhập khẩu của robot, không yêu cầu Tuấn và công ty BMS xuất trình hóa đơn, hồ sơ nhập khẩu… làm căn cứ xác định giá thực.
Khi cung cấp hồ sơ nhập khẩu gồm hợp đồng ngoại, tờ khai hải quan, Tuấn cũng chỉ đạo nhân viên Công ty xóa thông tin về giá thiết bị robot.
Sau khi thống nhất hình thức liên doanh, liên kết, Nguyễn Quốc Anh đã phân công cho Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó Giám đốc Bệnh viện và Phòng Tài chính kế toán dự thảo hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Còn Phạm Đức Tuấn, chỉ đạo Ngô Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Công ty trao đổi thủ tục với Trịnh Thị Thuận, Kế toán trưởng, Lý Thị Ngọc Thủy, Phó Trưởng phòng tài chính kế toán BV Bạch Mai và liên hệ, thông đồng với Trần Lê Hoàng, thẩm định viên, Phạm Minh Dung, Tổng giám đốc Công ty VFS hợp thức hóa chứng thư thẩm định giá Robot Rosa 39 tỷ đồng.
Quá trình triển khai các thủ tục đề xuất, phê duyệt đề án, hợp đồng liên doanh, liên kết tại BV Bạch Mai, Nguyễn Quốc Anh và các đồng phạm đã thực hiện không đúng quy định. Trần Lê Hoàng, Phạm Minh Dung cung cấp chứng thư xác định giá Robot Rosa 39 tỷ đồng trái quy định.
Những việc này, đã tạo điều kiện cho công ty BMS tham gia liên doanh, liên kết lắp đặt Robot Rosa với trị giá 39 tỷ đồng không đúng thực tế để thu tiền của người bệnh, trong đó, có phần chi phí khấu hao tài sản chênh lệch so với thực tế, cụ thể, Công ty BMS được hưởng sai quy định là hơn 16,5 triệu đồng/ca.
Kết luận cũng chỉ rõ, các đơn vị, cá nhân đã được hưởng lợi trong quá trình triển khai, trong đó, Nguyễn Quốc Anh được hưởng 100 triệu đồng và 10.000 USD; Nguyễn Ngọc Hiền được hưởng 150 triệu đồng; Trịnh Thị Thuận được hưởng 50 triệu đồng.
Hành vi vi phạm nêu trên của các bị can tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và VFS đã dẫn đến hậu quả thiệt hại là làm tăng chi phí khám chữa bệnh, người bệnh phải chi trả khấu hao máy cao hơn so với thực tế.
Cụ thể, với 637 ca đã phẫu thuật, có thu tiền đã gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng và gây bức xúc trong xã hội.
Kết luận nhấn mạnh, hành vi của các bị can có sự thỏa thuận, thông đồng, tiếp nhận ý chí của nhau, lợi dụng chủ trương, cơ chế xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế đã làm trái các quy định của pháp luật, làm tăng giá dịch vụ chữa bệnh không có căn cứ, gây thiệt hại về tài sản cho người bệnh nhưng lại làm lợi cho Công ty BMS và nhóm lợi ích của Bệnh viện Bạch Mai.
Cũng theo kết luận, bị can Nguyễn Quốc Anh giữ vai trò chính tại Bệnh viện Bạch Mai còn các bị cáo còn lại có vai trò giúp sức.
Đề nghị áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ với cựu Giám đốc Bệnh viện BV và đồng phạm
Kết luận điều tra chỉ rõ, quá trình điều tra, các bị can đã nhận thức được rõ hành vi vi phạm của bản thân, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án.
Đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp với gia đình nộp lại được toàn bộ số tiền hưởng lợi không chính đáng, tổng hợp là hơn 10,3 tỷ đồng và 10.000 USD (tổng quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm nộp khắc phục là hơn 10,5 tỷ đồng).
Cùng với đó, các bị can đều có nhân thân tốt, được đào tạo chính quy, bài bản, phạm tội lần đầu, quá trình công tác có những thành tích xuất sắc trên các cương vị, được ghi nhận bằng nhiều hình thức, mức độ khen thưởng.
Do đó, Cơ quan điều tra đề nghị các cơ quan tố tụng trong quá trình truy tố, xét xử áp dụng các tình tiết giảm hình sự khi lượng khung hình phạt với các bị can.
Riêng với cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh, cơ quan điều tra cho hay, ông Anh là sỹ quan xuất ngũ, thương binh hạng 2/4, Phó Giáo sư, tiến sĩ, có nhiều đóng góp cống hiến, thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, thầy thuốc nhân dân.
Bên cạnh đó, có nhiều năm là chiến sỹ thi đua toàn quốc, toàn ngành, nhiều huân, huy chương, Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ Y tế, các Bộ ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương…
Hoàng Đan