Nhóm chính khách hối thúc Anh chuyển hướng sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Báo cáo của nhóm chính khách Anh cho tổ chức Policy Exchange tiết lộ nhóm này hối thúc London chuyển hướng sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hậu Brexit để xây dựng đối trọng với sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Tờ Guardian ngày 22-11 dẫn báo cáo hối thúc chính phủ Anh dốc các nguồn lực quân sự, tài chính và ngoại giao vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Báo cáo thể hiện sự thay đổi lớn trong tư duy chính sách đối ngoại của Anh.
Anh và Liên minh châu Âu trước đó đã thống nhất việc London cần đóng một vai trò mới để giúp các nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chống lại Bắc Kinh, giao thương tự do trên các vùng biển mở…
Báo cáo mới giúp khắc họa rõ hơn về “một nước Anh toàn cầu sẽ trông như thế nào trong những năm 2020 và sau đó nữa”. Các đề xuất trong báo cáo cũng định hướng Anh thành một quốc gia thách thức Trung Quốc tại khu vực và phối hợp chặt chẽ với các đồng minh như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
“Các nước bằng hữu trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mong muốn sự tham gia nhiều hơn của Anh vào khu vực. Để toàn cầu hóa hoàn toàn nước Anh thì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trải dài từ Ấn Độ Dương đến tây Thái Bình Dương, Châu Đại Dương, phải là một ưu tiên”, báo cáo viết.
Theo báo cáo, London trước đây quá tập trung vào thương mại với Trung Quốc mà không nhìn thấy sự trỗi dậy của châu Á. Sự chuyển hướng mới sẽ đưa Anh trở lại vai trò “một trong những người trông coi nhận thức đa phương về trật tự khu vực”.
Đánh giá về sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực, báo cáo cho rằng Anh không muốn chiến tranh lạnh nhưng sẽ bảo vệ lợi ích của mình ở trong và ngoài nước.
“Anh nên bảo vệ sự hợp tác toàn cầu, sự cởi mở, tôn trọng luật pháp và chấp nhận các quy tắc ứng xử hòa hợp với Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và hơn nữa”, báo cáo viết.
Cụ thể, báo cáo cho rằng Anh nên xin tham gia các thỏa thuận thương mại tự do tại khu vực, tham gia đối thoại an ninh hiện có cùng Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và củng cố năng lực quân sự tại các căn cứ như đảo Diego Garcia (lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Ấn Độ Dương).
“Chính phủ Anh nên mở rộng việc triển khai các tài sản của Hải quân Hoàng gia, máy bay RAF và lục quân (bao gồm lực lượng đặc biệt)/ thủy quân lục chiến hoàng gia để đạt được sự hiện diện quân sự quanh năm, liên tục của Anh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (cả trong các nhiệm vụ hoạt động và huấn luyện)”, nhóm chính trị gia Anh đề xuất trong báo cáo.
Dù nhiều ý kiến cho rằng sự chuyển hướng của Anh có thể chậm trễ so với các nước khác, trong bối cảnh các nước Pháp, Đức đã công bố các chiến lược tại khu vực này, cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe viết trong lời đề của báo cáo rằng: “Trên mặt trận an ninh, sự hiện diện quân sự của Anh, đặc biệt là Hải quân Hoàng gia, sẽ được chào đón tại các vùng biển ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
TRẦN PHƯƠNG/TT