Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe qua đời
Đài truyền hình NHK đưa tin, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã qua đời sau khi bị bắn vào sáng nay 8/7.
Dẫn nguồn tin từ quan chức đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP), NHK đưa tin cựu Thủ tướng Abe đã chết trong lúc điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh Nara do vết thương quá nặng sau vụ ám sát. Ông hưởng thọ 67 tuổi.
Ông Shinzo Abe bị tấn công vào khoảng 11:30 giờ địa phương (09:30 theo giờ Việt Nam) tại thành phố Nara của Nhật Bản trong thời gian ông phát biểu giao lưu với cử tri trên đường phố. Ông Abe đã bị bắn hai phát đạn từ phía sau. Chính khách ngã xuống sau phát súng thứ hai. Cảnh sát thông báo ông Abe vẫn tỉnh táo ngay sau khi bị thương, nhưng sau đó, trong quá trình di chuyển, tình trạng của ông trở nên nguy kịch “với hiện tượng ngừng tim và phổi”.
Đối tượng Tetsuya Yamagami, 41 tuổi, bị bắt giữ tại chỗ. Người này không chống cự khi bị vây bắt. Sau đó, đối tượng này bị giam vì tội cố ý giết người. Báo chí Nhật Bản đưa tin rằng Yamagami từng có 3 năm phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ hàng hải của nước này, cho đến năm 2005.
Phát biểu trước khi Thủ tướng Abe qua đời, Thủ tướng Fumio Kishida đã lên án vụ xả súng bằng “những lời lẽ mạnh mẽ nhất”, trong khi người dân Nhật Bản và các nhà lãnh đạo thế giới bày tỏ sự sốc trước tình trạng bạo lực ở một quốc gia hiếm khi xảy ra bạo lực chính trị và súng đạn được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Shinzo Abe là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Dù từ chức vì lý do sức khỏe, ông vẫn là một người có ảnh hưởng sâu rộng trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP). Sự kiện sáng 8/7 là nhằm vận động cho LDP trước cuộc bầu cử vào Thượng viện Nhật Bản cuối tuần này.
Việc cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo bị ám sát khiến cả nước Nhật rung chuyển và người dân nhiều nước bàng hoàng khi ông là một lãnh đạo có ảnh hưởng trong nhiều năm, đồng thời bạo lực súng đạn là rất hiếm có ở Nhật Bản, nước có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt.
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo và Việt Nam
Dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Và có thể nói, dấu ấn đậm nét của Nhật Bản xuất hiện trong gần như mọi mặt trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam, với những con số ấn tượng. Nhật Bản là nước tài trợ vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) lớn nhất của Việt Nam, là nhà đầu tư có tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều thứ hai tại Việt Nam (lũy kế), là đối tác du lịch thứ ba của Việt Nam, và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
Trên trường quốc tế, Việt Nam và Nhật Bản cũng phối hợp chặt chẽ trong chương trình nghị sự ở Liên Hiệp Quốc, ASEAN, hợp tác sông Mekong… Về vấn đề an ninh, Nhật Bản cũng hỗ trợ Việt Nam tích cực và hiệu quả, như hỗ trợ lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam, mà gần nhất là việc xúc tiến dự án giao 6 tàu tuần tra cho Việt Nam. Với tinh thần nhân văn và chia sẻ, chủ trương linh hoạt và mở cửa, Thủ tướng Abe là người đưa ra chính sách tăng cường tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Nhờ chính sách dưới thời ông Abe, rất nhiều người Việt Nam đã có cơ hội làm việc tại Nhật Bản, nhiều gia đình đã thoát nghèo, nhiều địa phương cũng có thêm nguồn lực cho phát triển.
Việc ông Abe bị ám sát không chỉ là mất mát với người dân Nhật mà còn là đối với nhân dân Việt Nam và mối quan hệ Việt Nhật. Chân thành chia buồn với gia đình ông Shinzo Abe và đất nước Nhật Bản. Cám ơn vì những điều ông đã làm cho Việt Nam, tri ân ông vì đã nâng cấp mối quan hệ giữa hai đất nước.
TH