+
Aa
-
like
comment

Nhìn vào lỗi sai để sửa: vì sao lại xuyên tạc?

Bảo An - 23/08/2021 11:03

Tại phiên khai mạc phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, khi bàn về việc lấy ý kiến dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Cần đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục chuyện trong thi đua khen thưởng cũng chạy. Chạy danh hiệu, chạy bằng khen, giấy khen, chạy anh hùng… Thậm chí, có trường hợp vừa phong Anh hùng xong đã phải xử lý rồi”. Tuy nhiên, thông qua lăng kính của những kẻ “dân chủ giả hiệu”, phát biểu của Chủ tịch Quốc hội đã bị biến tướng, trở thành cái cớ để các đối tượng xấu tấn công chế độ.

Luận điệu xuyên tạc, hướng lái tiêu cực đang được rêu rao

Xuyên tạc mọi vấn đề, xuyên tạc mọi thông tin, xuyên tạc bất cứ thứ gì là việc mà các đối tượng núp bóng “dân chủ”, “nhân quyền” đang sử dụng để chống phá Việt Nam. Một hành động đẹp nhưng qua lăng kính, góc nhìn của các “nhà dân chủ” cũng thành xấu; những hành động chưa đẹp, chưa tích cực trong xã hội lại càng là cái cớ để các đối tượng này thổi phồng, quy chụp thành bản chất nhằm bôi lem, vấy bẩn đất nước. Liên quan đến việc Chủ tịch Quốc hội nêu ra thực trạng có việc “chạy danh hiệu, chạy bằng khen, chạy giấy khen, chạy anh hùng”, các đối tượng xấu đã ngay lập tức bắt sóng, xuyên tạc và quy chụp cho rằng Việt Nam là “cái xứ thích hư danh”.

Việc nêu ra những tồn tại, hạn chế, tiêu cực, sai trái, chưa tốt trong mọi mặt đời sống xã hội là để tìm ra giải pháp giải quyết, khắc phục, bịt kín những sơ hở, không để xảy ra những sai phạm. Vậy hà cớ gì các “nhà dân chủ” lại cố tình xuyên tạc, vu khống đất nước?

Nhìn vào lỗi sai để sửa

Các mối quan hệ trong xã hội luôn vận động một cách đa dạng, muôn hình vạn trạng. Xã hội nào cũng có những góc khuất, những vấn đề chưa tích cực đang tồn tại. Vấn đề đặt ra là xã hội đó có dám nhìn thẳng, nhìn thật vào những “góc tối” đó để thay đổi hay không. Ngay cả nước Mỹ, nơi được mệnh danh là xứ sở thiên đường mà các nhà “dân chủ tào lao” tại Việt Nam luôn coi là hình mẫu lý tưởng cũng không hoàn toàn màu hồng. Điều này đã được “Mẹ Nấm” Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thốt lên: “Nước Mỹ không vĩ đại như người ta nghĩ”. Tại Việt Nam, Bác Hồ cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Làm người khó ai tránh khỏi lỗi lầm, thiếu sót. Đảng ta là một tổ chức chính trị tiên phong của giai cấp công nhân, tập hợp những chiến sĩ trung kiên, thông minh, dũng cảm… Nhưng Đảng cũng từ trong xã hội mà ra, không phải ‘trên trời rơi xuống’ nên không tránh khỏi khuyết điểm, thiếu sót.”

Quay lại với phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Cần đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục chuyện trong thi đua khen thưởng cũng chạy. Chạy danh hiệu, chạy bằng khen, giấy khen, chạy anh hùng… Thậm chí, có trường hợp vừa phong Anh hùng xong đã phải xử lý rồi”, tôi cho rằng đây là phát biểu thẳng thắn, rõ ràng, chân thực. Vì thực tế, qua nhiều vụ án tham nhũng vừa qua, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều trường hợp thành tích nhiều nhưng lại thoái hoá, biến chất, nhúng chàm vô cùng nguy hiểm.

Nhìn thẳng vào các vấn đề tiêu cực để sửa chữa là điều tích cực. Đây là một biểu hiện sinh động của việc “phê bình” và “tự phê bình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy: “Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ ‘nể Cụ’ không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người”; “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”.

Thực tế, các đối tượng “dân chủ” rất lo ngại việc Việt Nam phát triển. Các đối tượng chỉ mong đất nước Việt Nam hỗn loạn, nghèo đói, lạc hậu để từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, dễ dàng tiến hành các hoạt động chống phá chế độ, chống phá đất nước. Vì vậy, khi chúng ta nhìn rõ các tồn tại, hạn chế để từ đó tiến bộ hơn thì các đối tượng “dân chủ” sẽ ráo riết tiến hành công kích.

Vì sao lại xuyên tạc?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra các khuyết điểm, tồn tại như trên là để kịp thời sửa đổi, ngăn chặn các hành vi tiêu cực phát sinh. Việc nêu ra tồn tại không có nghĩa là ở Việt Nam chỉ toàn tiêu cực, toàn sai trái. Vì vậy, việc các đối tượng chụp mũ cho rằng Việt Nam là “xứ thích hư danh”, hướng lái người dân theo suy nghĩ tiêu cực là điều không thể chấp nhận được, thể hiện rõ mưu mô chống phá đất nước.

Từ lâu nay, các đối tượng “dân chủ” vẫn tích cực sử dụng thủ đoạn dùng cái mác “phân tích”, “đánh giá”, “bình luận” ý kiến phát biểu của các lãnh đạo Việt Nam và thêm thắt các nhận định chủ quan, gán ghép thông tin sai trái nhằm tạo ra sự lầm tưởng cho người đọc, gây hoang mang dư luận, vấy bẩn hình ảnh đất nước. Cùng với việc phủ nhận, xuyên tạc những điều tích cực trong xã hội, các đối tượng xấu ra sức thổi phồng những tiêu cực, sai phạm, tồn tại, hạn chế trong nước nhằm tạo cớ chống phá đất nước. Mục đích mà những kẻ này hướng đến là phá vỡ khối đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo ra sự lung lay, sụp đổ từ chính bên trong đất nước, hiện thực hoá chiến lược “diễn biến hoà bình”, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam.

Mỗi người dân cần hết sức thận trọng, có sự chọn lọc, đánh giá thông tin để không bị các đối tượng “dân chủ” dắt mũi, trở thành người tiếp tay cho các hoạt động chống phá đất nước.

Bảo An

Bài mới
Đọc nhiều