Nhìn từ tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ
Hôm 2/9, tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Vikrant của Hải quân Ấn Độ đã chính thức được đưa vào biên chế. Chiến hạm này được cho là sẽ củng cố vị thế của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương, cùng với đó là gây áp lực lên quốc gia láng giềng Trung Quốc.
Dù đã tăng trưởng rất nhanh trong suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn được nhiều người coi là một siêu cường non trẻ. Do họ vẫn đang phải vật lộn để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và phấn đấu trở thành một quốc gia có mức sống cao như các nước châu Âu.
Vấn đề là “chưa đủ lớn” thì Trung Quốc đã gặp phải đối thủ cạnh tranh – Ấn Độ mới đây cũng được xếp vào hàng ngũ cường quốc mới nổi trên thế giới. Theo đánh giá từ Bắc Kinh, New Deli sẽ sớm là đối thủ nặng ký nhất của họ tại châu Á, nên nếu loại bỏ được thì Trung Quốc sẽ tự do “vùng vẫy” trên trường quốc tế. Loại bỏ ở đây không có nghĩa là xóa sổ theo kiểu chiến tranh, mà là xóa bỏ vị thế của Ấn Độ, trong đó bao gồm các mục tiêu như kiềm hãm về mặt quân sự, tạo ra mối đe dọa an ninh thường trực, tấn công bằng kinh tế, đe dọa trừng phạt các nước nhỏ hơn có mối hợp tác với Ấn Độ, …
Một trong những hành động dễ thấy nhất mà Trung Quốc thực hiện chính là đánh vào an ninh của các quốc gia xung quanh Ấn Độ. Đối với Bhutan, Bắc Kinh đã gây sức ép bằng cách xây dựng đường sá làng mạc và các cơ sở an ninh ở những vùng đất tranh chấp giữa hai nước. Từ đó, khiến Ấn Độ phải triển khai quân đội can thiệp vào năm 2017 để ngăn chặn. Tiếp đó là Nepal, Trung Quốc tìm cách gây sức ép đe dọa chiếm thêm lãnh thổ để Ấn Độ phải loay hoay tìm cách bảo vệ quốc gia vùng đệm giữa mình và Trung Quốc. Sri Lanka và Bangladesh dù không bị đe dọa trực tiếp nhưng hai quốc gia láng giềng này của Ấn Độ thường xuyên bị lung lay vì túi tiền khổng lồ của Bắc Kinh. Cuối cùng là Pakistan, quốc gia đã trở thành anh em với Trung Quốc khi cùng có kẻ thù chung là Ấn Độ. Để đối phó với những điều trên, Ấn Độ đã mất rất nhiều thời gian công sức ngoại giao và các lực lượng quân sự.
Chưa hết, Trung Quốc còn triển khai vây hãm Ấn Độ về mặt quân sự, để từng bước tiến tới làm chủ hoàn toàn khu vực Ấn Độ Dương. Tính tới hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành xong bốn cảng biển gồm, Kyaukphyu tại Myanmar, Hambantota tại Sri Lanka, Gwadar tại Pakistan, và một căn cứ quân sự tại Djibouti. Các cảng biển này ngày thường sẽ có chức năng như một trạm trung chuyển giao thương hàng hóa, nhưng khi cần, nó sẽ là một khu hậu cần cho tàu chiến Trung Quốc neo đậu. Bốn cảng biển này tạo thành một chiếc thòng lọng, không chỉ kiểm soát được hải quân Ấn Độ mà gần như mọi hoạt động trên biển Ấn Độ Dương đều sẽ nằm trong phạm vi quản lý của hải quân Trung Quốc. Và hiển nhiên, những hành động khiêu khích của nước láng giềng đã buộc Ấn Độ phải hành động.
Thủ tướng Ấn Độ Modi cho rằng, tình hình an ninh hiện nay tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rất quan ngại do nơi đây đã bị phớt lờ quá lâu. Vì vậy, buộc họ phải tự nâng cao năng lực phòng thủ. Và việc phát triển được tàu sân bay là một bước tiến lớn đối với hải quân Ấn Độ. Nó sẽ giúp Ấn Độ cùng với các siêu cường châu Âu và châu Mỹ diễn tập một cách đồng bộ nâng cao năng lực tác chiến một cách hiệu quả khi có chiến sự diễn ra. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết là hơn 75% thành phần cấu tạo nên tàu sân bay Vikrant đều được mua ở trong nước. Khoảng 6 công ty lớn và hơn 100 doanh nghiệp nhỏ cung cấp thiết bị và máy móc cho tàu này. Điều này khiến giới quan sát tin rằng Ấn Độ sẽ còn đưa thêm nhiều tàu sân bay mới nữa vào hoạt động ở Ấn Độ Dương cũng như các vùng biển đông và biển Thái Bình Dương. So với Trung Quốc, hải quân Ấn Độ có lợi thế hơn rất nhiều nhờ vào vị trí địa lý gần gũi, việc đảm bảo hậu cần cho công tác chiến sự cũng thuận lợi hơn. Sự hiện diện của các tàu sân bay giúp Ấn Độ sẽ là một đối trọng lớn với Trung Quốc, giúp thúc đẩy việc thực thi sức mạnh và quản lý bảo vệ thương mại trong khu vực của New Dehli.
Song song với hành trình phát triển năng lực quân đội để làm tê liệt năng lực quân sự của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Thì để ngăn Trung Quốc được tự do vùng vẫy tại vùng biển này, Ấn Độ còn tìm cách kết thân với các nước láng giềng của Trung Quốc.
Trong đó, Ấn độ đã ký một thỏa thuận tương trợ quân sự với Nhật Bản, tạo cơ sở để hai bên hỗ trợ nhau về vũ khí khí tài trong những trường hợp cần thiết. Ngoài ra, Thủ tướng Modi cũng đích thân tới thăm Mông Cổ và cam kết hỗ trợ tín dụng giúp đất nước phát triển, đánh dấu lần đầu tiên một quan chức cấp cao của Ấn Độ tới thăm quốc gia này.
Với những hành động dứt khoát, có thể thấy rằng một cuộc chiến so găng sẽ còn kéo dài rất lâu. Và vô hình chung, Việt Nam lại một lần là quốc gia hưởng lợi nhờ vào sự cạnh tranh giữa các siêu cường. Các tổ hợp phòng không Akash, tên lửa hành trình Brahmos đã nhiều lần được Ấn Độ đem đến chào hàng với Việt Nam.
Huy Hoàng