Nhìn từ cao tốc Vân Đồn – Móng Cái để thấy!

Những hình ảnh về tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sắp được đưa vào hoạt động vào ngày 1/9/2022 đang nhận được sự yêu thích rất lớn của dư luận. Một tuyến đường có rất nhiều điều đáng để mổ xẻ và phân tích!

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài 81km được khởi công vào 4/2019, hoàn thành trong thời gian 3 năm, tính cả 2 năm bị ảnh hưởng rất lớn của Covid-19. Đưa vào hoạt động chỉ chậm hơn đúng 1 tháng so với thời gian dự kiến.

Đây là tuyến cao tốc đường bộ có nhiều cầu nhất cả nước tính đến thời điểm hiện tại, với 32 cây cầu, trong đó có nhiều cây cầu vượt biển. Cây cầu lớn nhất trong số này là cầu Vân Tiên – được các chuyên gia đánh giá là có độ khó cao do điều kiện địa hình, địa chất khu vực phức tạp, dòng nước thủy triều chảy siết, chênh lệch 3-5m, dưới đáy là tầng đá, chiều sâu mức nước trên 17m (tương đương cầu Bãi Cháy). Điều thú vị là, chính tỉnh Quảng Ninh đã bỏ 3.658 tỉ đồng để thực hiện hơn 16km từ Vân Đồn đến Tiên Yên, trong đó có cây cầu “khó nhằn” này.

Với việc đưa tuyến đường Vân Đồn – Móng Cái vào hoạt động, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên có 3 tuyến cao tốc với tổng chiều dài gần 200km, được xây dựng bằng hình thức công – tư (PPP). Đặc biệt, tuyến Vân Đồn – Móng Cái đã thành tuyến cao tốc ven biển duy nhất kết nối trực tiếp, đồng bộ tới cả 3 khu kinh tế (KKT) gồm: KKT ven biển Quảng Yên, KKT Vân Đồn và KKT cửa khẩu Móng Cái. Ngoài việc tạo tiền đề cho sân bay quốc tế Vân Đồn thì tuyến đường còn kết nối cửa ngõ giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc; Tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, kết nối các khu kinh tế trọng điểm và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại các địa phương có tuyến cao tốc đi qua.

Theo quy hoạch đến năm 2020, Việt Nam có 22 tuyến cao tốc với tổng chiều dài hơn 5.870 km, nhưng hiện mới có 1.160 km, đạt xấp xỉ 20%. Trong khi đó, tới thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã chiếm 1/10 chiều dài cao tốc của cả nước. Soi chiếu vào hạ tầng giao thông của Quảng Ninh với những tuyến cao tốc được hình thành, thì có thể thấy rằng để đạt được những gì ngày hôm nay là một sự nỗ lực rất lớn của các lãnh đạo tỉnh. Mà một trong những điều đó phải kể đến là việc đi trước thời cuộc, mời chuyên gia nước ngoài về quy hoạch từng mét vuông, lấy tiền đề phát triển cơ sở hạ tầng.

Hơn nữa, đó là sự chủ động của lãnh đạo tỉnh, những chuyện “khó nhằn” nhất đều sẽ đích thân tỉnh chủ trì. Đơn cử như cây cầu Vân Tiên hay việc tạo sự đồng thuận trong lòng dân để giải tỏa lấy đất thực hiện dự án. Phải hiểu rằng, điều này vô cùng khó khăn bởi đây chính là một nguyên nhân rất lớn khiến rất nhiều dự án bị kéo dài tiến độ.

18 năm trước (tháng 12/2004), tuyến cao tốc đầu tiên của cả nước TP.HCM – Trung Lương được khởi công với hy vọng rút ngắn quãng đường về quê của người dân. Sau 5 năm thi công, tháng 2/2010, 40 km được thông xe đưa vào khai thác. Và phải đến 11 năm sau, nhiều tuyến cao tốc “sinh sau đẻ muộn” đã hoàn thành thì cuối cùng miền Tây mới có cao tốc thứ 2 được đưa vào sử dụng. Đây là ví dụ rất điển hình cho một phần thực trạng làm đường cao tốc của Việt Nam. Và có thể dựa vào đây để lý giải vì sao cho đến thời điểm hiện tại ĐBSCL mặc dù là vựa lúa lớn nhất nhưng vẫn là vùng trũng cả nước.

Thực ra, cho đến thời điểm hiện tại, câu chuyện cao tốc “ì ạch”, “trắng” cao tốc ở các vùng kinh tế động lực như Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, vùng có vị trí chính trị quan trọng như Tây Nguyên, Tây Bắc do cơ chế, nguồn vốn, địa hình hay do chính sách không còn là điều đáng bàn. Cái mà chúng ta nên nói ở đây là làm sao để giải quyết được điều đó. Làm sao để đạt được mục tiêu, đột phá về cao tốc với hàng loạt dự án trên trục cao tốc Bắc – Nam và dốc mọi nguồn lực để đầu tư cho cao tốc miền Đông như Chính phủ đã đưa ra vào tháng 1/2022.

Thực ra những năm gần đây, chính phủ đã và đã đang đầu tư nhiều hơn cho giao thông ở ĐBSCL, giai đoạn 2021-2025 đầu tư 86.000 tỷ đồng, cộng với 43.500 tỷ đồng giai đoạn 2011-2015 nữa thành 129.500 tỷ đồng. Đầu tháng 1/2023, Thủ tướng đã ra quyết sách, ĐBSCL phải hoàn thành 544km đường cao tốc trong vòng 3 năm. Trong tinh thần ấy rất nhiều cuộc thanh tra kiểm tra được diễn ra liên tục. Trong buổi trực tiếp kiểm tra hiện trường dự án cầu Rạch Miễu 2 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các đơn vị liên quan rút ngắn thời gian hoàn thành dự án sớm hơn 6 tháng.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, một mình Chính phủ quyết tâm thì cũng chẳng thể xoay chuyển tình thế mà cần phải có sự chung tay, dám bứt phá của các bộ ban ngành và chính quyền địa phương. Cứ nhìn từ cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thì sẽ thấy có rất nhiều để chiêm nghiệm!

Nội dung: Công Luân

Đồ họa: M.N