+
Aa
-
like
comment

Nhìn sang Úc, Nhật, Hàn mà học hỏi!

Bảo Trâm - 06/03/2023 20:05

Cư trú và quản lý cư trú là một nội dung cơ bản và trọng yếu trong quản lý nhà nước của mỗi quốc gia trên thế giới. Bất kỳ một thể chế nhà nước nào cũng đều coi đây là công cụ quan trọng và hữu hiệu để nhà nước thực hiện quản lý xã hội, nắm bắt và kiểm soát mọi vấn đề liên quan đến tình hình dân số, tình hình sinh sống, di chuyển của người dân, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 

Tuy nhiên, ở thời đại công nghệ số những thủ tục rườm rà, cổ hủ đang dần khiến đời sống người dân gặp nhiều bất cập. Vì thế, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy là xu thế tất yếu trong chuyển đổi số quốc gia.

Tại nhiều nước trên thế giới, hiện nay đang tiến tới áp dụng quản lý cư trú thông qua mã số định danh cá nhân cho công dân, điển hình là Hàn Quốc. Mỗi cá nhân sẽ được nhà nước cấp cho một mã số, gọi là mã số định danh cá nhân. Tùy mỗi nước có quy định riêng về mã số này, tuy nhiên phần lớn các nước đều quy định mã số này cấp riêng cho mỗi cá nhân và sẽ theo họ đến hết đời. Mã số này tích hợp nhiều thông tin phục vụ mục đích quản lý nhà nước, trong đó có quản lý về cư trú trên toàn quốc.

Một số quốc gia không trực tiếp quản lý cư trú nhưng thực hiện quản lý cư trú thông qua dữ liệu số hóa khác (ví dụ: Mỹ, Australia)

Hàn Quốc

Hàn Quốc là một số ít những quốc gia hiện nay trên thế giới tiến hành áp dụng phương thức quản lý cư trú theo cá nhân thông qua mã số riêng của mỗi một người dân. Về cơ bản, đây là hình thức quản lý cư trú theo nơi ở bằng phương pháp tích hợp công nghệ thông tin.

Ở Hàn Quốc, một số đăng ký cư trú gồm 13 chữ số được cấp cho tất cả cư dân của Hàn Quốc, kể cả người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc. Thực tế, số này tương tự số định danh cá nhân ở nước ta, là một mã số tích hợp nhiều thông tin của một cá nhân, trong đó có thông tin về cư trú của người dân Hàn Quốc. Công dân Hàn Quốc sẽ được cấp số đăng ký cư trú này từ thời điểm khai sinh, và khi tròn 17 tuổi, trong vòng 1 tháng họ sẽ phải đến đăng ký với chính quyền địa phương dấu vân tay của họ và được cấp Thẻ đăng ký thường trú chứa tên, ảnh, số đăng ký cư trú, địa chỉ, ngày cấp, cơ quan đăng ký cư trú, dấu vân tay và nhóm máu (trong một vài trường hợp đặc biệt). Việc cấp Thẻ này là hoàn toàn miễn phí.

Khi có sự thay đổi về nơi thường trú, trong vòng 14 ngày kể từ ngày thay đổi, người dân Hàn Quốc phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi họ chuyển đến và chính quyền tại địa phương mới này có trách nhiệm kết nối, thông báo đến chính quyền địa phương nơi cư trú cũ của công dân để biết.

Trước đây, Hàn Quốc quản lý cư trú của công dân thông qua sổ đăng ký gia đình (hoju), tương tự Sổ Hộ khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, vào năm 2008, chính quyền Hàn Quốc đã chính thức bỏ hình thức quản lý này do những bất cập và phân biệt mà nó mang lại, tiến đến quản lý cư trú của người dân thông qua mã số cá nhân trên toàn quốc.

Nhật Bản

Nhật Bản là một quốc gia mà người dân được quyền di cư tự do. Công dân Nhật Bản sống và làm việc theo lựa chọn của chính mình. Bất cứ nơi nào họ chọn sinh sống, họ đương nhiên trở thành người cư trú tại nơi đó và hưởng mọi phúc lợi địa phương cũng như không có bất kỳ một sự hạn chế nào trong việc thay đổi nơi đăng ký cư trú của người dân Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, người dân được cấp một loại giấy tờ để xác nhận về tình trạng cư trú của mình, được gọi là Giấy chứng nhận đăng ký cư trú (jyuminhyou). Giấy chứng nhận này được cấp cho cả công dân Nhật Bản lẫn người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc hoặc định cư tại Nhật Bản. Luật pháp Nhật Bản yêu cầu mỗi công dân phải báo cáo địa chỉ hiện tại của mình cho chính quyền địa phương, cơ quan tổng hợp thông tin về thuế, bảo hiểm y tế quốc gia và mục đích điều tra dân số. Khi thay đổi nơi cư trú, người dân Nhật Bản phải thực hiện việc đăng ký địa chỉ thường trú mới với chính quyền địa phương nơi chuyển đến trong vòng 14 ngày. Đây là một nghĩa vụ pháp lý, nếu không thực hiện quy định này thì người thay đổi nơi cư trú có thể bị xử phạt lên đến 50.000 yên (hơn 10 triệu đồng tiền Việt Nam). Giấy chứng nhận đăng ký cư trú này thuần túy chỉ là công cụ để chính quyền Nhật Bản quản lý vấn đề di trú và cư trú của người dân.

Trên thực tế, Nhật Bản có tồn tại sổ hộ tịch (koseki), một loại giấy tờ tương tự Sổ Hộ khẩu của Việt Nam, trong đó bao gồm các thông tin về hộ tịch của các cá nhân trong một hộ gia đình như thông tin về khai sinh, khai tử, kết hôn, ly dị và tiền án, tiền sự… (kể cả hộ gia đình chỉ có một thành viên). Tuy nhiên, người dân Nhật rất ít khi sử dụng loại giấy tờ này khi cần thay đổi hoặc xác nhận các thông tin về cư trú bởi những sự bất tiện và nhạy cảm của loại giấy tờ này, mà họ thường sử dụng Thẻ cư trú.

Úc

Ở Úc, quản lý cư trú thông qua dữ liệu số hóa được thực hiện bởi Cục Di trú Úc (Department of Home Affairs) và Cục Quản lý Biên giới và Bảo vệ (Australian Border Force).

Các dữ liệu cơ bản về quản lý cư trú của người nhập cư, bao gồm tên, ngày sinh, quốc tịch, thời gian nhập cư, loại visa và thông tin về công việc, địa chỉ cư trú và lịch sử di chuyển của họ, đều được thu thập và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thông qua hệ thống dữ liệu số hóa này, các cơ quan chức năng có thể đảm bảo rằng người nhập cư tuân thủ các quy định về cư trú và làm việc tại Úc. Các dữ liệu này cũng cung cấp cho chính phủ Úc thông tin về người nhập cư và sử dụng như một công cụ quản lý nhằm giúp họ đưa ra các quyết định về chính sách di trú và quản lý biên giới.

Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu số hóa cũng giúp người nhập cư tiện lợi hơn trong việc quản lý các thủ tục liên quan đến cư trú, ví dụ như đăng ký địa chỉ cư trú, nộp đơn gia hạn visa hay báo cáo thay đổi thông tin cá nhân. Tất cả những thông tin này đều có thể được nhập vào hệ thống trực tuyến một cách dễ dàng và thuận tiện.

Tuy nhiên, việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân của người nhập cư cũng đòi hỏi sự bảo vệ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo mật thông tin cá nhân của họ, để đảm bảo rằng các thông tin này không bị lộ ra bên ngoài và không bị sử dụng sai mục đích.

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều