+
Aa
-
like
comment

Nhìn rõ cơ hội và dụng ý khi Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển

26/02/2020 13:06

Ngày 11/02/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thu hẹp danh sách các quốc gia đang phát triển, kém phát triển và cũng là các quốc gia đang được hưởng những quy chế ưu tiên của WTO và Mỹ về xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, cái tên Việt Nam lại là cái tên được chú ý nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Tọa đàm bàn tròn về hợp tác đâu tư Việt Nam-Hoa Kỳ.

Bloomberg đưa tin, những quốc gia nằm ngoài danh sách các nước đang phát triển, kém phát triển sẽ chịu xử phạt và áp dụng một số quy định thương mại đặc biệt của chính quyền Tổng thống Trump. Về mặt cơ bản, việc “bị” đưa ra khỏi danh sách này, chắc chắn sẽ có một số ảnh hưởng nhất định đến xuất nhập khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ – thị trường tiêu thụ lớn bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, không phải hoàn toàn chỉ là những điều tiêu cực.

Theo thông tin được biết, Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất trong top 10 quốc gia xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ. Hiện nay, tổng kim ngạch thương mại hai quốc gia vào khoảng 75 tỷ USD (2019). Đây cũng là năm mà Việt Nam đạt kỷ lục xuất siêu qua Mỹ với tổng giá trị ước tính là 60,7 tỉ USD, tăng 27,8% so với năm 2018.

Việc bị loại khỏi danh sách nước “đang phát triển” có thể tác động đến vấn đề thương mại

Với việc tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng khoảng 28,3% trong năm 2019, dự trữ ngoại hối đạt đỉnh và vượt mốc 70 tỷ USD, cộng thêm việc Việt Nam lọt vào top 7 quốc gia xuất khẩu vào Mỹ đã khiến cho Mỹ cảm thấy nóng mặt vì Việt Nam có vẻ như đang lợi dụng ưu thế này để đưa hàng mang mác “Made in Vietnam” vào Mỹ. Mỹ từng đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia “thao túng tiền tệ”, đích thân ông Trump cũng nói trong một bài phát biểu rằng “Việt Nam đang lợi dụng nước Mỹ”.

Việc đưa vào danh sách này không phải đơn thuần chỉ là việc “áp đặt” đơn thuần từ phía Mỹ mà chỉ nhằm mục đích “kích hoạt một cuộc điều tra” nhằm vào các nước có trong danh sách. Câu hỏi mà phía Mỹ quan tâm nhất khi cuộc điều tra mở ra là: Liệu các quốc gia này có làm tổn thương nền sản xuất, hàng hóa của Mỹ hay không? Hoặc nói trắng ra, đó là: Làm ăn ở Mỹ thì phải theo luật Mỹ và phải biết điều. Sau khi danh sách các quốc gia này được đưa ra, phía Mỹ và các quốc gia này sẽ tiến hành các cuộc điều tra, giải trình, sau đó mới đưa đến kết luận chính thức, dĩ nhiên, nếu chứng minh được rằng họ không làm tổn hại đến nước Mỹ, không làm tổn hại đến cái khẩu hiệu “Make American Great Again” của chính tổng thống Trump – dĩ nhiên, sẽ không sao cả.

Tại sao Việt Nam có thể sẽ an toàn mặc dù được đưa vào danh sách này?

Một là, danh sách này được đưa ra không có nghĩa là sẽ được áp dụng ngay. Nó chỉ “kích hoạt các cuộc điều tra”, phía Việt Nam và Mỹ đã làm việc liên tục trong năm 2019 và trong năm 2020 để làm rõ thực trạng xuất nhập khẩu hai nước. Chủ yếu trong các ngành thép, thủy sản và dệt may – các mặt hàng chủ lực nhất trong danh sách các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Việt Nam cũng kích hoạt thành công việc bảo hộ ngành thép Việt Nam và làm việc thành công với phía Hoa Kỳ cho phép các doanh nghiệp thép Việt Nam giải trình về xuất xứ hàng hóa, nếu chứng minh được đây là thép “thuần Việt” thì sẽ hoàn toàn được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt, nếu không chứng minh được, có thể sẽ phải chịu mức thuế lên đến 400%.

Ngoài ra trong ngành dệt may, phía Việt Nam ghi điểm lớn khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong một cuộc họp với đại diện phía Mỹ về việc nếu hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ mạnh, ngoài việc người dân Mỹ được hưởng hàng hóa giá rẻ, chất lượng tốt thì các doanh nghiệp Mỹ vẫn có lợi vì phía Mỹ vẫn có những tỷ lệ nhất định đóng góp vào giá trị sản phẩm và vẫn thu lợi lớn từ các sản phẩm đó. Nói một cách rõ ràng hơn, Việt Nam đóng góp phần nhân công giá rẻ, nguyên liệu giá rẻ, phía Mỹ đóng góp phần giá trị thiết kế, nghiên cứu, phát triển và tung ra tiêu thụ. Người đứng đầu Chính phủ nước ta từng nói rằng: “Đôi giày có giá 100 USD, phía Việt Nam chỉ hưởng 22 USD thôi”. Điều quan trọng là đôi lứa sánh đôi, cả hai cùng có lợi.

Cuộc điều tra lập ra để nhằm mục đích công khai rằng, Việt Nam có phần ăn thì Mỹ cũng được lợi từ điều đó. Nếu không có cuộc điều tra cụ thể, Việt Nam đôi khi sẽ chịu những quyết định bất chợt mang tính thời điểm kiểu như: Thích thì tuyên bố bạn bè tốt, không thích thì tuyên bố rằng là “kẻ lợi dụng”.

Hai là, việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách khiến cho giá trị hàng Việt Nam được nâng bậc hơn. Sự nâng bậc biểu thị ở 2 yếu tố: giá thành sản phẩm và độ uy tín của cái nhãn “Made in Vietnam”. Việc Việt Nam trải qua cuộc điều tra của Ủy ban thương mại Hoa Kỳ thành công, mức giá và thuế sẽ giữ nguyên hoặc có những biến đổi không đáng kể, nhưng về mặt giá trị về uy tín, cái mác “các nước phát triển” có một cái gì đó thực sự thu hút.

Ai trong chúng ta cũng muốn sử dụng hàng hóa giá rẻ, chất lượng tốt và uy tín tốt. Một hàng hóa từ một quốc gia đang phát triển sẽ vẫn có những điều khó thu hút hơn với một hàng hóa tương tự của các quốc gia phát triển. Vấn đề cuối cùng nằm ở mức giá, nếu mức giá chênh lệch một chút hoặc chênh lệch không đáng kể, họ dĩ nhiên sẽ chọn hàng hóa từ một quốc gia phát triển hơn rồi.

Với việc được đưa vào danh sách loại bỏ quy chế ưu đãi, Việt Nam có thể nâng bậc “Made in Vietnam” lên tầm cao mới. Rũ bỏ được vị thế hàng hóa chất lượng thấp, giá trị thấp mà có thể tiến lên ngang bằng các quốc gia khác, trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa Thái Lan hoặc tương tự ở Hoa Kỳ. Ai cũng biết, tuy giá trị xuất khẩu đã vượt Thái nhưng về uy tín nhãn mác, người Thái vẫn ở một tầm cao hơn so với chúng ta. Đây có thể là thời cơ để “Made in Vietnam” lên bậc một chút.

Ba là, việc Việt Nam bị Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ đưa khỏi danh sách “các quốc gia đang phát triển” thực sự là một thành tựu đáng khích lệ và tự hào của Việt Nam. Nếu bạn để ý trong danh sách các quốc gia bị loại bỏ, thì Việt Nam có mức GDP đầu người thấp áp chót danh sách (chỉ hơn Ấn Độ) nhưng quy mô kinh tế của Việt Nam lại thấp hơn Ấn Độ rất nhiều. Mục tiêu của WTO khi đưa ra quy chế ưu đãi với các nước đang phát triển hay kém phát triển là khiến các nước này hòa nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu, tránh các cuộc điều tra về mức thuế.

Nhưng có một điều Việt Nam đã lường trước tình huống này, Việt Nam đã thuyết phục thành công IMF và Liên Hợp Quốc chưa áp dụng mức tính lại GDP vào năm 2020, tức là phía Mỹ coi tiêu chí về GDP, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam để đánh giá tình trạng “nước phát triển” hay chưa, thì chắc chắn là chưa rồi, đúng không? Chẳng có một quốc gia nào với mức thu nhập đầu người chưa đến 3000 USD/1 người/1 năm lại là một quốc gia phát triển được cả, kể cả họ có đạt thặng dư thương mại khoảng mấy chục tỷ USD gì đó.

Đại diện của Bộ NGoại giao Việt Nam lên tiếng: “Quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp. Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đối thoại, phối hợp các biện pháp với phía Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và Mỹ”.

Bốn, đây là một phép thử mang tính “dạy bảo” của phía Mỹ với Việt Nam, được tiến hành ngay khi EU phê duyệt EVFTA và IPA với Việt Nam. Ở đây, Mỹ muốn nhắc nhở Việt Nam rằng, Việt Nam vẫn đang thu lợi từ Mỹ và phải biết điều. Rõ ràng, EU đang muốn tách khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ, chen vào thị trường Đông Nam Á thông qua Việt Nam, Mỹ thừa hiểu điều đó và muốn nói rằng: Việt Nam là sân chơi mà Mỹ không thể không có phần và Mỹ thông qua danh sách như là một phép thử phản ứng về thái độ của Việt Nam. Phía nước ta tuyên bố “Quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam – Mỹ thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp” và “thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, đem lại lợi ích cho cả Việt Nam và Mỹ”.

Thực ra bị loại bỏ khỏi danh sách “các nước đang phát triển” chứng tỏ một điều Việt Nam đã thực sự thay đổi và phát triển hơn trước rất nhiều, khiến các nước phải suy ngẫm. Vì vậy, chúng ta không có gì phải sợ hãi hay có quyền sợ hãi nữa.

Tifosi

Bài mới
Đọc nhiều