+
Aa
-
like
comment

Nhìn Myanmar để thấy việc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt với quân đội là sáng suốt

01/02/2021 19:44

Nhà lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, và các nhân vật cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị quân đội bắt giữ vào sáng sớm ngày 1/2, theo phát ngôn viên của đảng này.

Nhà lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, bị bắt ngày 1/2.

Động thái này diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ và quân đội sau cuộc bầu cử mà quân đội cho là gian lận. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính, Reuters đưa tin.

Người phát ngôn của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, Myo Nyunt, nói qua điện thoại rằng bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các nhà lãnh đạo khác đã bị “bắt” vào sáng sớm.

Vụ bắt giữ diễn ra sau khi quân đội Myanmar tăng cường yêu cầu điều tra về cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử diễn ra năm ngoái. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, chiến thắng này bị các nhóm nhân quyền chỉ trích vì tước quyền bỏ phiếu của cử tri ở các khu vực xung đột. Phe đối lập đã liên kết với quân đội phản bác kết quả bầu cử. Sau đó, quân đội trong nhiều tuần cáo buộc xảy ra bất thường với phiếu bầu trên diện rộng. Họ tuyên bố phát hiện 8,6 triệu trường hợp gian lận. Tuần trước, phát ngôn viên quân đội, thiếu tướng Zaw Min Tun, nói Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing đã chỉ ra “sự thiếu trung thực và không công bằng” trong cuộc bầu cử.

Ông Min Aung Hlaing được cho là người quyền lực nhất của Myanmar. Khi bị hỏi về khả năng xảy ra đảo chính, người phát ngôn từ chối bình luận, nhưng không loại trừ điều đó. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không nói Tatmadaw (quân đội Myanmar) sẽ nắm quyền. Chúng tôi cũng không nói điều đó sẽ không xảy ra”.

Không những ở Myanmar mà cả Thái Lan, nơi mà Quân đội Hoàng gia Thái Lan cũng thường xuyên gây ra những cuộc đảo chính, làm cho tình hình an ninh, chính trị rối ren. Phi chính trị hoá quân đội sẽ làm cho họ trở nên mất phương hướng, không biết phục vụ ai và hậu quả là vô cùng to lớn. Bài học của Liên Xô thật chua xót biết bao, quân đội kéo về thủ đô Moscow nhưng họ không biết là về để làm gì, bảo vệ ai và phải hành động như thế nào trước tình thế hiểm nghèo đó. Và thế là họ thi nhau bắn vào toà nhà Quốc hội. Hay như cái gọi là “quân lực hạng 4 thế giới” chỉ trong vòng 10 năm đã diễn ra hàng chục cuộc đảo chính, “chính lý”, một trong số đó đã tiễn anh em Ngô Đình Diệm về với âm tào, địa phủ ngày 02/11/1963.

Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, do Đảng thành lập và rèn luyện, mài dũa để từ 34 chiến sĩ lúc đầu (22/12/1944) mà trở nên hùng mạnh như ngày nay. Vậy nên, Đảng phải lãnh đạo Quân đội là tuyệt đối, toàn diện trên tất các lĩnh vực, không chia sẻ quyền lãnh đạo cho bất kỳ ai; lãnh đạo trực tiếp, không thông qua bất kỳ tổ chức trung gian nào. Có thế thì mới bảo đảm có tính định hướng và mục tiêu để phục vụ. Đảng cộng sản Việt Nam ngoài lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân thì Đảng không có lợi ích nào khác! Vậy nên quân đội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng không ngoài mục đích, tôn chỉ như vậy.

Nhìn tình hình hỗn loạn ở một số nước mà mới nhất là Myanmar để thấy Đảng ta thật sáng suốt. Kẻ thù muốn phi chính trị hoá quân đội là âm mưu thâm độc, hòng làm lung lay ý chí của quân đội, làm cho quân đội mất phương hướng và cái đích cuối cùng là muốn quân đội đứng ngoài cuộc để các thế lực thù địch mưu đồ lật đổ chế độ và chính quyền nhân dân. Tất nhiên là mưu đồ đó sẽ không bao giờ thành công. Quân đội mãi mãi trung thành với tổ quốc, với nhân dân và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

LCB 

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều