Nhìn lại một năm xử lý những đại án tham nhũng
Có thể thấy, tính từ khi “quả bom” Việt Á phát nổ vào tháng 12/2021, một năm qua là quãng thời gian hàng loạt đại án được phanh phui. Cuộc chiến xử lý những “con sâu”, những “bầy sâu” ra khỏi đội ngũ cán bộ, công chức từ các cơ quan trung ương đến cấp ủy, chính quyền địa phương diễn ra hết sức mạnh mẽ và quyết liệt.
Tính đến tháng 11/2022, các cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 4 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, Bí thư, nguyên Bí thư tỉnh ủy. Chỉ trong tháng 12/2022, đã có ít nhất 5 lãnh đạo, cán bộ cấp cao bị xử lý …
Lòng tham không sinh ra cùng con người nhưng lại là yếu tố có thể lớn cùng thời gian nếu thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện. Rõ ràng, nếu thiếu kiên định thì đạo đức công vụ, lương tâm của một số cán bộ sẽ bị những đồng tiền bẩn “thổi bay” trong phút chốc. Chính vì vậy, ghế càng cao thì thử thách càng nhiều. Một phút yếu lòng sẽ đánh mất tất cả những khổ công gầy dựng. Tuy nhiên, đáng buồn là có rất nhiều cán bộ bị rơi vào vòng xoáy kim tiền ấy. Với những cán bộ như vậy, dù giỏi cũng phải loại bỏ vì bất cứ điều gì đã dính đến cá nhân thì không thể nào đòi hỏi công tâm và công bằng được.
Việc đưa ra xử lý, sàng lọc cán bộ vi phạm cũng là một quyết tâm rất lớn, đánh đổi hiện tại để lấy tương lai. Bởi thực tế để đào tạo ra một cán bộ nguồn có khả năng quản lý và đảm nhiệm trọng trách không phải là dễ dàng. Nhất là trong thời điểm đất nước đang rất cần nguồn lực để phục hồi và phát triển sau những di chứng của dịch bệnh, cả những rối ren của thế giới. Nhưng thà đau để phát triển bền vững còn hơn là bên ngoài hoa hồng mà bên trong thối nát.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng 2022, một điều vô cùng đặc biệt cần được ghi nhận là đã từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước. Việc đồng thời thực hiện hai “gọng kìm” ở cả khu vực công và khu vực ngoài Nhà nước sẽ bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai toàn diện, hiệu quả hơn. Đặc biệt, giúp công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ phát triển lên tầm cao mới, tấn công trực diện vào “sân sau” của các nhóm lợi ích.
Những diễn biến đáng chú ý trong “vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “đưa hối lộ, nhận hối lộ”, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) các đơn vị, địa phương liên quan là dẫn chứng thực tế để chứng minh cho quan điểm, chủ trương “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước.
Những diễn biến đáng chú ý trong các vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và một số cơ quan liên quan, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ở Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, “Vụ thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Tập đoàn FLC… là minh chứng tiêu biểu nhất phản ánh những dấu hiệu về sự xuất hiện của mối liên hệ giữa “sân sau” và nhóm lợi ích” một cách tinh vi, phức tạp.
Đất nước mở cửa, người dân được khuyến khích làm giàu đã có một đội ngũ đông đảo những doanh nhân thành đạt, chân chính. Nhưng rồi, cũng ngày càng xuất hiện những lớp “đại gia”, chuyên rao giảng văn hóa, đạo đức kinh doanh, nghệ thuật khởi nghiệp… chuyên đi lọc lừa để lũng đoạn thị trường, “móc túi” nhà đầu tư. Và trong quá trình thanh lọc cán bộ thì đã thanh lọc luôn những doanh nhân. hẳng thắn nhìn nhận nếu không có sự chung tay của các quan chức thì lớp doanh nhân ấy không thể nào lớn mạnh và lộng quyền đến vậy.
Những “sân sau”, lợi ích nhóm dần bị bóc tách và bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Những thủ đoạn càng phức tạp càng tinh vi thì càng bị phơi bày trước ánh sáng pháp luật. Đây là những điều mà người dân cảm nhận được rõ ràng nhất về công cuộc phòng chống tham nhũng 2022. Từ đó để thấy rằng, năm 2023 sẽ phát triển với hệ thống công bộc chất lượng, trong sạch, tạo tiền đề để thúc đẩy kinh tế phát triển vượt bậc.
Công Luân