+
Aa
-
like
comment

Nhìn lại “Đại họa năm Thìn” từng cướp đi hơn 6.000 nhân mạng

19/10/2020 18:20

Các tỉnh miền Trung trải qua đợt lũ dữ vào tháng 10/2020 khiến nhiều người chết, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Mảnh đất miền Trung dường như đã quá quen thuộc với nỗi đau mà thiên nhiên gây ra cho người dân. Quay ngược về quá khứ cách đây 56 năm, một trận lụt cướp đi 6.000 sinh mạng ở Quảng Nam vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Trận đại hồng thủy đó được lưu truyền trong nhân gian với tên gọi “đại họa năm Thìn”, xảy ra sau đợt hạn hán kéo dài gần một năm khiến hơn 6.000 người ở các tỉnh miền Trung thiệt mạng và nó đã khiến nhiều làng mạc, dòng họ rơi vào cảnh tuyệt tự.

Đường Lê Lợi ở Phố cổ Hội An trong trận lụt Giáp Thìn, 1964. Trận lũ lụt năm đó gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung từ Huế đến Bình Định, trong đó địa phương thiệt hại lớn nhất là Quảng Nam, nơi có phố cổ Hội An.

Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng trận lụt năm Thìn 1964 vẫn luôn ám ảnh những người dân miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam.

Họ coi đó là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong trăm năm. Đến bây giờ, con số thống kê thiệt hại về người và tài sản trong trận lụt năm ấy vẫn còn nhiều tranh cãi.

Những người trải qua thảm họa đó may mắn còn sống đều khẳng định, thiên nhiên đã có lời cảnh báo từ trước qua những hiện tượng thời tiết lạ nhưng nhiều người đã không nhận ra.

Thiệt hại kinh hoàng qua những con số

Những sử liệu ghi lại về trận lụt năm Thìn 1964 đến nay còn rất ít. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho hay, do chiến tranh nên các sổ sách ghi chép bị hủy hoại. Một nguyên nhân quan trọng khác là vào thời điểm đó, công tác cứu trợ, cứu hộ và thống kê thiệt hại của chính quyền diễn ra chậm trễ.

Lục tìm trong kho tư liệu của Sở này, thông tin về trận lụt năm Thìn chỉ còn những con số thống kê về thời gian xảy ra. Theo đó, những trận mưa liên tục bắt đầu từ ngày 4 đến ngày 10/11 dương lịch và nước lũ kéo về. Tỉnh Quảng Nam là địa phương bị thiệt hại nặng nhất do rốn lũ nằm ven hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn.

Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Nam, số người thiệt mạng là hơn 6.000; hơn 30.000 con heo, gà, trâu, bò bị chết. Vật nuôi bị cuốn theo dòng nước về tận vùng biển, ùn ứ lại thành 1 bờ đê xác súc vật.

Trong khi đó, chính quyền lúc bấy giờ tổ chức buổi họp báo quốc tế vào ngày 13/11/1964 cho hay, đợt lũ gây thiệt hại nặng cho các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Các địa phương thiệt hại nặng nhất là Quảng Nam, Quảng Tín (đơn vị hành chính lúc đó), Quảng Ngãi.

Sinh viên 1 trường Đại học ở Sài Gòn lúc bấy giờ gói bánh chưng cứu trợ đồng bào miền Trung

Theo công bố tại buổi họp báo, tỉnh Quảng Nam có 2.500 người thiệt mạng, 22.447 nhà cửa bị trôi, 96% hoa màu bị thiệt hại. Tỉnh Quảng Tín có 1.270 người thiệt mạng, 14.250 nhà cửa bị cuốn trôi, súc vật chết 83%, hoa màu thiệt hại 100%.

Quảng Ngãi có 1.000 người thiệt mạng, 14.000 nhà cửa bị sập cuốn trôi, súc vật chết 80%, hoa màu thiệt hại 80%…

Chính quyền lúc đó cũng mô tả, đây là trận lụt lớn nhất lịch sử. Huyện Quế Sơn (nay là huyện Nông Sơn, Quảng Nam) là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người và của.

Báo chí lúc đó miêu tả: “Nước lụt chảy xiết, đổ xuống từ núi ầm ầm như thác. Nước mạnh đến nỗi xé toạc từng cụm, từng mảng núi, cuốn theo những tảng đá to như cái nhà. Cây cổ thụ nhiều người ôm cũng bị bật gốc trôi theo dòng nước lũ, tàn phá những nơi nó đi qua. Lũ dữ làm vùng hạ lưu mở thêm hai cửa biển và đổi cả dòng sông”.

Điều đặc biệt là dù có nhiều số liệu thống kê thiệt hại về người của các cơ quan chức năng, nhưng người dân Quảng Nam luôn tin vào số liệu trong bài thơ “thảm nạn quê hương” của nhà thơ Tường Linh (số người chết khác với con số 6.000 người từ nguồn tư liệu của Sở Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam).

Theo đó, nhà thơ cho rằng tỉnh Quảng Nam có khoảng 4.000 người chết. Ở những vùng quê bị thiệt hại nặng nề nhất do đại họa năm Thìn gây ra, đến tận bây giờ từ người già cho đến lớp trẻ đều thuộc lòng bài thơ này.

Lời cảnh báo đại họa từ thiên nhiên

Dọc hai bên dòng sông Vu Gia là những làng quê xanh mướt tràn đầy sức sống. Những ngôi làng từng bị tàn phá nặng nề nhất 50 năm trước đây như làng Tí, Sé, Dùi Chiêng, Cà Tang, Trung Phước, Đông An… bây giờ thay da đổi thịt. Dấu tích về trận lũ lịch sử cách đây 56 năm đã bị chôn vùi theo thời gian.

Vậy nhưng trong tâm trí các cụ cao niên thì những gì liên quan đến trận lụt năm Thìn chưa bao giờ phai nhòa.

Trò chuyện với chúng tôi, cụ Nguyễn Tấn Châu (88 tuổi, nguyên là trưởng ban giải phóng thôn Đông An, xã Quế Phước, huyện Nông Sơn) liên tục khẳng định, đại nạn đó đã được “ông trời” cảnh báo trước nhưng đều bị con người bỏ qua.

Theo cụ Châu, điềm gở lớn nhất mà ông trời cảnh báo là trận hạn hán kéo dài gần một năm ở khắp tỉnh Quảng Nam.

Suốt từ mùa hè năm 1963 đến mùa hè năm 1964, cả tỉnh không có một giọt mưa khiến người dân rơi vào cảnh khốn khổ.

“Giếng đào khô cạn trơ đáy. Nước sông cũng xuống thấp nhất từng thấy. Người dân phải dùng nước sông sinh hoạt.

Cây lúa ngoài đồng chết vì thiếu nước tưới. Trâu bò cũng ốm yếu”, cụ Châu nói.

Đặc biệt, cụ Châu cho biết, ở làng Trung Phước (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) có một hồ nước chỉ toàn cây Sen mọc được dân làng gọi là bàu Sen. Chưa bao giờ người làng thấy bàu Sen bị cạn nước. Vậy nhưng mùa hè năm 1964, bàu Sen cạn trơ đáy chỉ còn lại một vũng nước nhỏ.

Sen trong hồ chết khô vì thiếu nước. Cá trong hồ tập trung lại dày đặc ở vũng nước còn sót lại, đủ loại từ cá rô, diếc, tràu, gáy… Người dân chỉ cần thò tay xuống bắt cá mà không cần bất cứ dụng cụ nào.

“Lúc đó người dân thấy đây là hiện tượng lạ nhưng vì do hạn hán, cuộc sống vô cùng khổ cực nên không ai quan tâm. Cũng có nhiều người nói vô nói “sen tàn, làng mạt” nhưng mọi người đều để ngoài tai.

Hồ Sen đó bây giờ vẫn còn nằm sát cạnh trụ sở UBND huyện Nông Sơn. Từ cái hạn năm 1964 đến nay thì sen ở đó không mọc được nữa. Hồ Sen cũng chưa bao giờ bị cạn đáy thêm lần nào”, cụ Châu trầm ngâm nói.

Phố cổ Hội An trong trận đại hồng thủy năm 1964

Cụ Hoàng Tất (82 tuổi, trú thôn Cà Tang, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) cho hay, sau đợt hạn thì dân làng ai cũng biết sẽ có lụt lớn. Cụ Tất lúc đó mới 30 tuổi được các bậc cao niên chỉ dẫn cho những kinh nghiệm dân gian đoán biết thời tiết mà đến bây giờ cụ vẫn nhớ như in.

“Loài ong vò vẽ có thói quen làm tổ ở những đám cỏ dại chưa quá bụng người. Nhưng vào năm đó thì chúng làm tổ cao quá đầu người mấy tấc.

Trên núi Cà Tang, con mang, con nai đi lạc xuống làng phải tính đến hàng chục. Con nào cũng bị dân làng vây bắt, giết thịt.

Tháng 8 Âm lịch, măng vẫn còn mọc vào giữa bụi tre. Các cụ cao niên của làng bàn tán xôn xao sẽ có lũ lớn.

Nhà nào cũng chằng chống nhà cửa, đưa súc vật, của cải lên cao để tránh lũ. Vậy nhưng, chẳng ai ngờ trận lụt năm Thìn lại vượt quá xa sức tưởng tượng của con người”, cụ Tất kể.

Và khi cơn đại hoạ ập đến

Bắt đầu là những trận mưa liên tục từ ngày 4 đến ngày 10/11/1964 dương lịch, vào ngày 7-11-1964 (5-10 âm lịch) nhật thực diễn ra, giữa trưa đứng ngoài trời đưa bàn tay trước mắt cũng không nhìn thấy. Mưa kéo dài không ngớt và nước lũ kéo về. Nước lũ chảy xiết, đổ xuống từ núi ầm ầm như thác, tàn phá những nơi nó đi qua. Nước mạnh đến nỗi xé toạc từng cụm, từng mảng núi, cuốn theo những tảng đá to như cái nhà. Cây cổ thụ nhiều người ôm cũng bị bật gốc trôi theo dòng nước lũ. Lũ dữ làm vùng hạ lưu mở thêm hai cửa biển và làm đổi cả dòng chảy của sông. Tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại nặng nhất, xác người thiệt mạng và gia súc, gia cầm bị cuốn theo dòng nước về tận vùng biển, ùn ứ lại thành 1 bờ đê.

Phố cổ Hội An thành những con sông

Cảnh ngộ cha nhìn thấy con, vợ nhìn thấy chồng, anh nhìn thấy em đuối sức thả tay chết trước mắt mà không cứu được hết sức bi thương. Nhiều gia đình, dòng họ cùng tránh lụt trên gác hay nóc nhà cầm chắc cái chết nên lấy dây gàu múc nước cột tay nhau với hy vọng không xác ai bị thất lạc. Khi nước rút ra, những người còn sống sót thân sơ thất sở vật vưởng đi tìm người thân và bắt gặp nhiều “dây xác” dính chùm với nhau như vậy.

Làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là nơi hứng chịu tang thương nhiều nhất khi lũ đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, san bằng làng mạc và đớn đau nhất là cuốn đi gần hết người trong làng, tổng cộng 1.481 người chết, chỉ sống sót được 19 người.

19 người sống sót sau đại họa ấy nhiều người đã qua đời. Có người thì bỏ làng tìm quê hương mới lập nghiệp vì không thoát khỏi những ám ảnh.

Những nhân chứng sống sót trong trận đại hồng thủy năm xưa vẫn nhớ như in cơn cuồng nộ trăm năm có một đó…

Tổng Hợp

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều