+
Aa
-
like
comment

Việt Nam vượt qua Covid-19 để phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

LS Lê - 18/06/2022 16:35

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 tại Geneva đã từng đăng bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming với tựa đề: “Viet Nam shows how you can contain COVID-19 with limited resources” (Tạm dịch: “Việt Nam cho thấy cách bạn có thể phòng chống Covid-19 với nguồn lực hạn chế”). Thực tế đã chứng minh, Việt Nam đã vượt qua dịch Covid-19 với nguồn lực hạn chế nhờ những phương pháp chống dịch linh hoạt, kịp thời và hiệu quả.

Tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi để các em được an tâm trở lại trường học.

Đợt dịch lần 4 với sự xuất hiện của biến thể mới đã làm đảo lộn cuộc chiến chống dịch của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhìn lại, có lẽ vẫn có nuối tiếc bởi có thời điểm số ca mắc bệnh lên tới hàng chục nghìn mỗi ngày. Thậm chí, hệ thống y tế của TP.HCM từng quá tải bởi số ca nhiễm và tử vong. Cả lực lượng tuyến đầu và người dân ở thành phố này gần như rệu rã sau nhiều tháng trời oằn mình chống chịu. Kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhà máy ngừng sản xuất, hàng hóa khan hiếm, người dân mất việc làm, không có tiền mưu sinh, hoang mang tột cùng.

Thật may mắn, thời điểm đó, bằng tất cả mối quan hệ giao tốt đẹp của mình, Việt Nam đã huy động được hàng trăm triệu liều vaccine để hoàn thành chiến lược tiêm chủng toàn dân. Thậm chí, trẻ em dưới 18 tuổi cũng được tiêm chủng để nhanh chóng trở lại trường học. Từ một đất nước theo đuổi mục tiêu “Zero Covid” với biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh sang chiến lược “Thích ứng linh hoạt, an toàn, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả”. Cụ thể, công tác phòng, chống dịch được chuyển sang “5K, vaccine, thuốc điều trị, công nghệ, ý thức của người dân”. F0 được cho phép tự điều trị và cách ly tại nhà, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Đồng thời, hướng tâm lý người dân xem triệu chứng của Covid-19 là một bệnh cảm thông thường, không quá lúng túng, hoang mang với nó nữa. Quyết định này dù cho mạo hiểm nhưng là điều phù hợp, đúng đắn và cần thiết tại thời điểm đó.

Hướng dẫn F0 tự cách ly tại nhà và có kiểm tra.

Thực tế cũng đã chứng minh những gì chính quyền và người dân thực hiện trong suốt thời gian qua là đúng. Hiện nay, Việt Nam chưa hẳn đã hết Covid-19 nhưng cuộc sống người dân gần như đã trở lại trạng thái bình thường, đất nước mở cửa, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Tất nhiên, vẫn còn có những khó khăn cần được tháo gỡ nhưng với việc người dân tự do đi lại, làm ăn, vui chơi, giải trí thì có thể xem là một chiến thắng của Việt Nam sau hàng loạt nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19. Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ lần đầu tiên sau hai năm dịch Covid-19 bùng phát, ông tự tin bỏ khẩu trang khi giao tiếp tại Việt Nam. Ông đánh giá: “Chính phủ Việt Nam đã ứng phó với sự bùng phát dịch Covid-19 một cách kịp thời, mạnh mẽ, dứt khoát bằng cách tiếp cận toàn xã hội, với một hệ thống giám sát và ứng phó khẩn cấp sức khỏe cộng đồng mạnh mẽ. Đặc biệt, thành công trong triển khai thần tốc chiến dịch tiêm vaccine đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm cao nhất thế giới”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên, biểu dương tinh thần vượt khó, vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất của công ty giầy Ching Luh.

Reuters đã có bài phân tích khẳng định, Việt Nam đã gỡ bỏ những hạn chế về Covid-19 giúp khôi phục dây chuyền sản xuất, tăng tốc hoạt động, tháo gỡ nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu, đón FDI cũng như xu thế chuyển dịch sản xuất toàn cầu. Cùng quan điểm trên, trong một bài viết của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đăng tải, có nội dung nhận định: “Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vô cùng mạnh mẽ vào năm 2022 bất chấp khủng hoảng, lạm phát đang ảnh hưởng đến toàn thế giới”. Thậm chí, Bloomberg – hãng thông tấn tài chính lớn của Mỹ khẳng định: “Việt Nam hiện là nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam có chiều hướng ngày càng giảm, đây chính là triển vọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng chỉ số GDP lên 6,5% trong năm 2022”. Những đánh giá công tâm, khách quan của các chuyên gia, cơ quan thông tấn quốc tế đã phần nào chứng minh kết quả chống Covid-19 của cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong thời gian qua.

LS Lê

Bài mới
Đọc nhiều