Sau đại dịch Covid-19, 2022 cả thế giới phải đối diện với những diễn biến hết sức khó lường. Từ chiến sự Nga – Ukraine gây ra những hệ lụy về khan hiếm xăng dầu, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát… rồi những phức tạp mới tại eo biển Đài Loan, hay bán đảo Triều Tiên. Trong những khó khăn và rối ren ấy, Việt Nam định hình tìm kiếm vị thế bằng một năm ngoại giao đầy thành quả.
Cần khẳng định rõ ràng, nền tảng trước hết cho đối ngoại 2022 chính là việc Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch và mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội và giao lưu quốc tế. Và từ đó lãnh đạo nhà nước thực hiện một năm ngoại giao dồn dập.Phải kể đến đầu tiên là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với 5 chuyến thăm lần lượt đến các nước Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia; Thủ tướng Phạm Minh Chính có 3 chuyến thăm đến Mỹ, Bỉ, Hà lan; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 11/2022. Gần đây nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Cộng hòa Philippines, Australia và New Zealand được chúng tôi đánh giá là “những chuyến đi mang thịnh vượng về cho đất nước”. Kết quả từ những chuyến đi này là hạ viện Philippines đã thông qua nghị quyết thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia… nâng tầm vị thế ngoại giao của Việt Nam trong thời kỳ mới phát triển và hội nhập.
Bện canh đó, là việc nhiều đoàn cấp cao của các nước và đối tác từ các khu vực khác nhau cũng đã đến Việt Nam, như Australia, Malaysia, New Zealand, Ấn độ, Đức, Nigeria, Uganda… cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Bên cạnh đó là các cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị cấp cao đa phương khu vực và thế giới. Điều này giúp gia tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Một trong những dấu ấn trong chiến lược ngoại giao đa phương của Việt Nam phải kể đến nữa là sự đồng thuận và quan tâm ủng hộ của bạn bè quốc tế. Sau bao luận điệu xuyên tạc của các tổ chức chống phá nhằm gây cản trở, ngày 11/10 vừa qua Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Điều đáng tự hào hơn nữa là Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tham gia tổ chức này. Trước tin vui này của Việt Nam, Tổng thư ký Liên hợp quốc – A.Guterres cũng đã gửi lời chúc mừng đến Việt Nam.
Một đường lối thống nhất trong lĩnh vực đối ngoại 2022 là tập trung tranh thủ nguồn lực cho phục hồi và phát triển, trong đó có việc kết nối lại giao thương và các chuỗi cung ứng. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối ngoại của ta với các nước, đi đôi với đa dạng hóa quan hệ và kết hợp đối ngoại song phương, đa phương. Kết nối vào các chuyến đi cùng những thành quả mà Việt Nam có được thì rõ ràng chúng ta đã có một năm đối ngoại thành công rực rỡ!
Nội dung: Hạ Băng
Đồ họa: M.N