+
Aa
-
like
comment

Nhìn đường lưỡi bò do Trung Quốc tự chế, không ai có thể yên lòng

24/07/2019 07:43

Nhìn bản đồ 9 đoạn, đường lưỡi bò do Trung Quốc “tự chế” rồi ngang nhiên xây sân bay, căn cứ tập dượt quân sự, đánh phá ngư dân, thăm dò dầu khí trên biển đảo của ta, không người dân Việt Nam nào cảm thấy yên lòng!

Hơn 500 năm trước Nguyễn Trãi từng cảm thán: “Bui một tất lòng ưu ái cũ /. Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”… Giở từng trang lịch sử, những ngày này lòng tự hào về cha ông càng được hâm nóng!

Tạo hóa đặt Việt Nam, một nước nhỏ, luôn lấy hoà hiếu làm trọng bên cạnh ông láng giềng Trung Quốc khổng lồ, ngàn năm không thôi âm mưu thôn tính lãnh thổ lân bang. Đó là một sự thử thách, nhưng đồng thời cũng tôi luyện cho dân tộc ta một ý chí quật cường và tinh thần mưu lược…

Trang lịch sử Việt Nam thời hiện đại, nhân dân ta kế thừa những phẩm chất ấy, đó là sự tôn trọng láng giềng, biết người biết ta cho nên những lần Trung Quốc gây sự, hăm he, quấy nhiễu chủ quyền đất nước thì chúng ta chủ trương tương kính, xử lý tình huống bình tĩnh mềm dẻo, tránh rơi vào cạm bẩy xung đột vũ trang, giữ vững hòa bình để chăm lo phát triển đất nước.

Đường lưỡi bò Trung Quốc tự chế
Đường lưỡi bò Trung Quốc tự chế

Bao năm qua Trung Quốc một mặt thì xởi lởi: giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp tình hình gây tổn thương tình bạn “bốn tốt”, không phá vỡ đại cục… Trong hành động thì họ làm những việc trái ngược hoàn toàn với lời nói, lúc thì lén lút xây căn cứ quân sự, tiến hành các hành động leo thang ngoài biển đảo, lúc thì công khai đưa tàu quân sự xâm nhập lãnh hải, làm những việc phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, thường xuyên gây hấn, quấy nhiễu ngư dân ta hành nghề trên ngư trường truyền thống của mình, gây nhiều tổn thất về sinh mạng và tài sản.

Mùa hè 2014 họ đưa tàu Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt hơn 2 tháng. Những ngày này họ lại tái diễn hành động tương tự ở bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nam Biển Đông Việt Nam. Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”.

Hành động của Trung Quốc vấp phải sự lên án của cộng đồng quốc tế. Tuyên bố được phát đi ngày 20-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại” và “gây bất ổn” của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam phải bị chấm dứt”.

Phản đối lại các hành động ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Việt Nam đã gởi Công hàm, nêu vấn đề trong các cuộc gặp gỡ lãnh đạo cấp cao, tiến hành các hội thảo quốc tế, nêu các bằng chứng lịch sử, nhưng Trung Quốc đã bỏ ngoài ta, phớt lờ thiện chí của chúng ta. Họ cậy sức mạnh nước lớn nên nói một đằng làm một nẻo, coi tình đồng chí anh em với Việt Nam chỉ là chót lưỡi đầu môi, thường xuyên gấy hấn, phá hoại. Tình thế đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi phương thức đấu tranh, tái định dạng triết lý ngoại giao, đặc biệt là khởi động việc phát hành một bộ hồ sơ khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Điều này vừa  đáp ứng mong mỏi của quốc dân đồng bào, vừa là hành động thiết thực trước diễn biến tình hình.

Ngày nay Việt Nam đã tham gia và trở thành thành viên của nhiều tổ chức quốc tế đa phương, đặc biệt chúng ta vừa đắc cử Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, là lợi thế lớn. Để các nước mạnh mẽ trong việc lên tiếng công khai ủng hộ thì trước tiên nhân vật chính là chúng ta phải đi tiên phong. Từ nội dung phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế, chiếu theo Luật Biển của Liên Hiệp Quốc và tham chiếu trường hợp của Philippines đã thắng kiện năm 2016 (4), khả năng giành phần thắng của Việt Nam gần như là tuyệt đối.

Việt Nam đã từng dự định tiến hành việc làm này: “Tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ ngày 30/6/2014, Thủ tướng đã giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ để trình lãnh đạo cấp cao xem xét, cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế”… (5), nhưng sau đó Trung Quốc đã kéo giàn khoan và tàu bè ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho nên sự việc cũng đã dừng lại. Nay là thời điểm thích hợp để khởi động lại.

Giành phần thắng trong cuộc chiến pháp lý không phải là hết nguy cơ bị lân bang gây hấn, nhưng sau phán quyết của Tòa án thì tính chính danh của Việt Nam sẽ được củng cố, làm tăng thêm sức mạnh cho ta, đồng thời biểu tỏ thái độ dứt khoát “không để một tất đất của cha ông rơi vào tay ngoại bang”!

Đảo Senkaku của Nhật có khoảng cách địa lý đất liền giữa Bắc Kinh và Tokyo bất lợi hơn rất nhiều so với Việt Nam nhưng Trung Quốc không thể hành xử như chốn không người ở biển Nhật Bản. Là vì ngoài yếu tố nước Nhật là cường quốc về hải quân còn có lý do Nhật Bản có ký hiệp định hợp tác quốc phòng với nước lớn, cũng là một phương thức để chúng ta tham khảo.

Thời thế giới hội nhập sâu rộng nhiều hành lang pháp lý, quy phạm pháp luật đã được ban hành và áp dụng để vận hành “ngôi làng” thế giới trong hòa bình, trong số đó là Công ước Luật biển của LHQ 1982. Nếu xử lý hồ sơ Biển Đông bằng một vụ kiện tại tòa trọng tài quốc tế, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa, đồng thời có khả năng đưa Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán đa phương với nhiều lợi thế nghiêng về chúng ta.

Nhìn tờ bản đồ 9 đoạn, hay đường lưỡi bò do Trung Quốc “tự chế” rồi ngang nhiên xây sân bay, căn cứ, tập dượt quân sự, đánh phá ngư dân, thăm dò dầu khí trên biển đảo của ta, không một người dân Việt Nam nào cảm thấy yên lòng!

(Theo Vietnamnet)

Bài mới
Đọc nhiều