Nhìn dòng tiền quay trở lại SCB…
12.000 tỷ đồng một con số khủng khiếp mà người dân quyết định gửi vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chỉ trong vòng 2 ngày vừa qua. Những con số thật đáng bàn…
SCB từng phải đối mặt với nhiều sóng gió vì những tin đồn vô căn cứ liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhiều người đổ xô đi rút tiền trong cơn hoảng loạn, kéo theo nguy cơ bất ổn cho hệ thống ngân hàng và ổn định vĩ mô. Chuyện bắt nguồn từ vụ án điều tra, bắt tạm giam một số lãnh đạo của chốt của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – một trong những “thế lực lớn” về bất động sản trong nước.
Vụ việc này gợi nhớ lại sự kiện tương tự xảy ra với ngân hàng ACB năm 2003, và đã nhanh chóng được giải quyết với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý. Thống đốc NHNH khi đó là Lê Đức Thúy đã đứng trên bục cao giữa đông đảo người gửi tiền và nói: “trong bất kỳ trường hợp nào Chính phủ, NH Nhà nước cũng không để quyền lợi của người gửi tiền bị thiệt thòi”, kết quả là người dân tin, dẫn đến sự phát triển của Ngân hàng ACB như ngày nay.
Trong những thời khắc khủng hoảng, người dân cần niềm tin, và những người gửi tiền ở ngân hàng SCB đã nhận lại được niềm tin theo một cách rất thực tế: ngân hàng đính chính các tin đồn, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng đảm bảo, hỗ trợ SCB sẵn sàng chi trả tiền cho người dân bao nhiêu cũng có. Và vụ việc đã nhanh chóng được khép lại vì mọi người đều nhận ra những lo sợ của họ đều hóa thừa: không có ai mất tiền hoặc không rút được tiền, và ngân hàng luôn sẵn sàng chi trả. Ngay sau đó mọi người đã bắt đầu gửi tiền lại, và chỉ trong ngày 12/10 ngân hàng SCB ghi nhận 6000 tỷ tiền gửi vào, tăng mạnh so với mức 1600 tỷ trước đó.
Cần biết sự cố với bất kỳ ngân hàng nào trong hệ thống cũng tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn đối với nền kinh tế. Nó gây mất lòng tin và khiến người dân không dám gửi tiền, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền từ ngân hàng đi vào nền kinh tế khiến doanh nghiệp không có tiền làm ăn và vận hành, kéo theo rủi ro mất việc làm, suy thoái. Tin đồn ác ý về ngân hàng SCB có thể xuất phát từ mục đích đồn đại cho vui hoặc câu view bán hàng, nhưng hậu quả thì rất lớn và những người phát tán tin đồn dứt khoát phải bị xử phạt.
Thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội bùng nổ luôn tạo điều kiện cho các tin đồn mặc sức phát tán. Nhiều trong số đó gây ra hậu quả như vụ việc tại ngân hàng SCB, dù vậy bản chất của các tin đồn là không hề có cơ sở vững chắc. Chính vì vậy mà chỉ cần có các giải pháp đúng đắn là sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề. Chúng ta từng thấy nhiều đối tượng phản động hoặc ác ý từ hải ngoại vẫn hàng “tuồn” tin đồn vào Việt Nam liên quan đến công tác nhân sự của Đảng hay quan chức Nhà nước, nhưng các tin đồn này càng nhàm chán vì rốt cục…chẳng có gì xảy ra.
Việt Nam được bạn bè nhìn nhận là quốc gia ổn định về nhiều mặt, nền kinh tế liên tục phát triển. Chúng ta đạt được điều đó không chỉ nhờ may mắn, mà còn là nhờ những giải pháp đúng đắn trong công tác quản lý xã hội, xử lý hiệu quả khủng hoảng trên truyền thông trong những tình huống có thể gây bất ổn về kinh tế, an ninh trật tự. Việc nhanh chóng xử lý sự cố tại ngân hàng SCB cho thấy niềm tin của người dân vào Nhà nước là rất lớn, và hoàn toàn có cơ sở, khi mà những băn khoăn lo ngại đều nhanh chóng được hóa giải.
An Diễm