+
Aa
-
like
comment

Nhìn châu Âu không cần khẩu trang, Việt Nam có thật đã chống dịch sai cách?

Hạnh Văn - 21/06/2021 15:43

Sau hơn một năm đương đầu với đại dịch, có thể nói Việt Nam đã đạt được những thành quả mà hiếm một quốc gia nào có được. Thế nhưng, khi diễn biến của đợt dịch thứ 4 vẫn còn phức tạp, một luồng dư luận thời gian qua lại có những suy diễn tiêu cực về cách thức phòng, chống COVID-19 của đất nước Việt Nam.

Sau khi TPHCM bước vào đợt giãn cách xã hội dài nhất từ trước đến nay, và đặc biệt là khi các sự kiện thể thao như Euro hay vòng loại World Cup 2022 diễn ra, hình ảnh sân vận động chật kín người ở các nước như Hungary, UAE có lẽ đã tạo nên một cái nhìn “khác lạ” về cách mà Việt Nam chúng ta đương đầu với đại dịch.

Cổ động viên châu Âu không đeo khẩu trang.
Cổ động viên châu Âu không đeo khẩu trang.

Khi nhìn vào biển người trên khán đài của các sân vận động mà không hề lo sợ COVID-19, có lẽ nó đã động đến lòng mong mỏi của rất nhiều người dân Việt Nam: Mong muốn dịch bệnh qua đi để trở về cuộc sống thường ngày.

Điều đáng nói ở chỗ, bên cạnh mong muốn chính đáng đó, lại có không ít tiếng nói tỏ ra bất mãn trước các biện pháp ngăn ngừa COVID-19 mà VIệt Nam đã áp dụng suốt 2 năm qua, các biện pháp từ sàng lọc, cách ly tập trung, giãn cách xã hội, và ngay cả công tác tiêm phòng vaccine COVID-19 cũng bị đem ra miệt thị, soi mói một cách vô cớ. Họ cho rằng Việt Nam “huênh hoang” trước cách phòng dịch của mình, để rồi giờ đây vẫn chật vật chống dịch trong khi các nước đã trở lại cuộc sống bình thường…

Những tiếng nói cho rằng "Việt Nam phòng dịch sai cách",
Những tiếng nói cho rằng “Việt Nam phòng dịch sai cách”,

Thế nhưng, những người đang nhìn vào các sân vận động chật kín người, nhìn vào cảnh tượng người dân các nước ra đường mà không đeo khẩu trang, lẽ nào lại không nhớ đến cảnh tượng kinh hoàng diễn ra chỉ cách đây hơn một năm thôi?

Đành rằng hiệu quả của vaccine và miễn dịch cộng đồng cuối cùng cũng đã được phát huy, người dân ở các nước phương Tây giờ đã dần lấy lại cuộc sống trước đây của mình. Nhưng để có được sự miễn dịch đó, chính phủ và người dân của họ đã phải đánh đổi những gì, có lẽ không một ai có thể, và có quyền được quên điều đó.

Chỉ cách đây hơn một năm, số ca nhiễm và tử vong mỗi ngày do COVID-19 tại các nước như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha… được tính bằng hàng trăm, có lúc lên đến hàng ngàn ca. Cảnh tượng “vỡ trận” kinh hoàng là điều được truyền thông các nước và cả Việt Nam đưa tin hằng ngày. Thậm chí là gần đây nhất, Ấn Độ – đất nước đông dân thứ 2 thế giới – cũng đã trải qua những thời khắc khủng khiếp đó. Cái giá phải trả, để có được sự miễn dịch cộng đồng, và cả vaccine COVID-19, mà những con người bất mãn ngày hôm nay ở Việt Nam đang mơ mộng, đã phải trả bằng hàng triệu sinh mạng con người trên khắp cả một châu lục.

Câu hỏi dành cho những tiếng nói kia, là hàng triệu sinh mạng có xứng đáng để đem đánh đổi lấy sự miễn dịch cộng đồng hay không? Liệu họ có sẵn sàng hy sinh mạng sống của chính mình để người khác có được cái mà họ đang đòi hỏi, hay để có được lợi ích kinh tế, chính trị hay không? Có thể có một ai đó có thể sẵn sàng gật đầu, nhưng một điều chắc chắn, đó không phải là Chính phủ Việt Nam. Câu trả lời thẳng thắn không chút ngần ngại đã được đưa ra ngay từ những ngày đầu của đại dịch: Không, Việt Nam không đánh đối sinh mạng người dân để đổi lấy kinh tế, hay thậm chí là cả miễn dịch cộng đồng.

Nhưng liệu Việt Nam có “chậm trễ” trong việc tiêm ngừa vaccine COVID-19? Để có câu trả lời xác đáng, cần một sự nhìn nhận thẳng thắn rằng trong bối cảnh vaccine – “vũ khí” hữu hiệu nhất của nhân loại – là thứ không một quốc gia nào không muốn có. Nhưng năng suất sản xuất vaccine của các hãng dược lại là điều hữu hạn, và để đảm bảo không một quốc gia nào không được tiếp cận với nguồn vaccine, việc phân phối phải được cân đối một cách phù hợp. Tức mỗi nước đều có định mức về số lượng vào từng thời điểm cụ thể, và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này. Tất nhiên, đối với các nước đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, việc được ưu tiên phân bổ, tiếp cận là điều tất yếu.

Nhưng điều này cũng có nghĩa, đối với các nước đang thể hiện rất tốt trước đại dịch như Việt Nam, việc không nằm trong thứ tự ưu tiên là điều khó tránh khỏi. Nhưng với tiến độ này, thực tế không thể đòi hỏi việc “phổ cập” vaccine một cách nhanh chóng. Nhưng đó cũng chính là lý do đằng sau những nỗ lực “ngoại giao vaccine” của Chính phủ, để tìm mọi cách đưa số lượng vaccine về nước nhiều nhất và nhanh nhất có thể. Đây cũng là lý do mà “Quỹ vaccine COVID-19” là điều cấp thiết ngay lúc này. Và trong khi chờ đợi được tiêm vaccine, mong rằng có không ít người đã có thể tự trả lời câu hỏi “Chính phủ có chậm trễ tiêm vaccine?”.

Vào thời điểm này, sau 2 năm thế giới chống chọi với biến cố vô tiền khoán hậu, liệu còn bao nhiêu quốc gia trên thế giới với hàng chục triệu dân có thể tiếp tục đánh số từng ca nhiễm COVID-19, với số ca tử vong chỉ dừng lại ở 2 con số? Và như vậy, thì liệu Việt Nam có phòng dịch sai cách hay không, xin hãy nhìn về những con số thông kê trên thế giới, đã nghiệm cho mình câu trả lời thỏa đáng nhất.

Hạnh Văn

Bài mới
Đọc nhiều