Nhiều vi phạm trong việc bán, cho thuê biệt thự ở Đà Lạt
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm trong việc quản lý, bán, cho thuê trên 100 biệt thự tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Theo kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng của Thanh tra Chính phủ , việc bán tài sản nhà đất biệt thự giai đoạn từ năm 2013 đến hết tháng 6/2018 ở thành phố Đà Lạt đã lộ ra nhiều “vấn đề”.
Báo cáo của UBND thành phố Đà Lạt cho biết, tỉnh Lâm Đồng có chủ trương bán 21 biệt thự. Quá trình thực hiện đã bán 20 biệt thự (19 biệt thự bán theo hình thức đấu giá, 1 biệt thự bán theo hình thức chỉ định); còn lại 1 căn biệt thự chưa bán là Biệt thự số 03 Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Qua rà soát hồ sơ nhận thấy, trong số 20 biệt thự đã bán với tổng số tiền phải nộp trên 184 tỷ đồng, có 7 trường hợp chậm nộp tiền nhưng chưa tiến hành phạt chậm nộp theo quy định với số tiền trên 2,1 tỷ đồng.
Sau khi Thanh tra Chính phủ kết thúc thanh tra trực tiếp tại địa phương, UBND tỉnh Lâm Đồng có báo cáo cho biết Công ty cổ phần phát triển Hùng Hậu đã nộp tiền chậm nộp, còn lại 6 đơn vị chưa nộp số tiền 876 triệu đồng, gồm: bà Phạm Hà Thuỷ Anh (số 6 Yên Thế, phường 10, Đà Lạt); bà Vũ Thị Tường Vi (số 41 Sương Nguyệt Ánh, phường 9, Đà Lạt); Công ty TNHH Nam Bình Thuận (phường 3, Đà Lạt); Công ty TNHH MTV và Du lịch Xuyên Việt OIL (37 đường Pasteur, phường 4, Đà Lạt); bà Nguyễn Thị Phương Đài (phường 3, Đà Lạt); Công ty TNHH Địa ốc Kim Thi Lâm Đồng (phường 10, Đà Lạt).
Thanh tra Chính phủ khẳng định, trách nhiệm để xảy ra vi phạm, thiếu sót thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng , Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, Giám đốc Trung tâm phát triển nhà thuộc thành phố Đà Lạt và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ.
Vướng nhiều rắc rối vì cho thuê biệt thự
Ngoài ra, theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, trong tổng số 96 biệt thự có 61 biệt thự đã được cho thuê, còn 35 biệt thự chưa cho thuê do đang kiểm tra tính toán bồi thường hỗ trợ, tái định cư nhằm giải toả nhà trống để kêu gọi nhà đầu tư.
Đối với các biệt thự này, từ năm 2003 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã chủ trương di dời toàn bộ các hộ dân, thu hồi nhà đất để tôn tạo, phát huy giá trị các biệt thự. Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành Đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước tại thành phố Đà Lạt.
Đối với 14 nhà công sản trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được giao cho các doanh nghiệp nhà nước đưa vào hoạt động kinh doanh, không sử dụng làm trụ sở cơ quan. Sau khi thực hiện cổ phần hoá, tài sản này được bàn giao lại cho nhà nước quản lý và doanh nghiệp được tiếp tục ký kết hợp đồng cho thuê để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, thời điểm cho thuê trước khi Nghị định số 52/2009 có hiệu lực thi hành.
Do thời điểm thanh tra, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành thanh tra việc cho thuê biệt thự nên Thanh tra Chính phủ không kiểm tra toàn diện việc cho thuê biệt thự. Dù vậy, qua báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện các đơn vị còn nợ tiền thuê biệt thự và nhà công sản trên 2,4 tỷ đồng; tổng số tiền xử phạt chậm nộp của 16 đơn vị là trên 3,5 tỷ đồng nhưng cơ quan chức năng của Đà Lạt chưa có biện pháp để thu hồi số tiền này về ngân sách.
Công ty Casada từ tháng 11/2005 được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê 13 biệt thự tại đường Trần Hưng Đạo để kinh doanh, nhưng đến tận năm 2015 thực hiện nghĩa vụ tài chính không đầy đủ với số tiền còn nợ trên 53 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay công ty này chưa trả lại nhà đất cho thuê, vẫn sử dụng nhà, đất vào kinh doanh nhưng không kê khai, nộp tiền thuê đất.
Tháng 11/2017 UBND tỉnh Lâm Đồng có báo cáo về việc thu hồi lại các biệt thự Trần Hưng Đạo không cho Công ty Casada thuê tiếp. Sau khi bị thu hồi nhà đất cho thuê, Công ty Casada khiếu nại, làm đơn khởi kiện UBND tỉnh và toà án đã tuyên huỷ quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Cơ quan thanh tra cho biết, hiện nay Sở Tài chính đang khởi kiện Công ty Casada yêu cầu nộp tiền thuê đất, bàn giao lại biệt thự nhưng toà án chưa đưa vụ việc xét xử dứt điểm.
“Trách nhiệm chính để xảy ra các tồn tại, vi phạm nêu trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, Giám đốc Trung tâm quản lý nhà và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ”- kết luận nêu rõ.
Căn cứ kết quả thanh tra của Sở Xây dựng và cơ quan chức năng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo rà soát, kiểm tra, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật đối với việc quản lý, sử dụng, bán, cho thuê nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có 61 biệt thự cho thuê, 35 biệt thự chưa cho thuê.
Thế Kha/DT