+
Aa
-
like
comment

Nhiều trường hợp F0 thiếu thuốc molnupiravir

09/12/2021 20:01

Nhiều trường hợp F0 tại TP.HCM phản ánh về việc thiếu thuốc molnupiravir khi xét nghiệm phát hiện nhiễm Covid-19.

Thuốc kháng virus Molnupiravir của một F0 nhận được khi đi cách ly tập trung. Ảnh.Nhân vật cung cấp
Thuốc kháng virus molnupiravir một F0 nhận được khi đi cách ly tập trung. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gia đình anh Minh (tên đã được thay đổi) xét nghiệm dương tính ngày 16/11, được nhân viên trạm y tế phát gói thuốc A (gồm thuốc hạ sốt và vitamin), không có gói C là thuốc kháng virus molnupiravir dù thuộc nhóm có triệu chứng. Anh Minh nhờ người mua giúp thuốc trị ho và đau họng để uống giảm triệu chứng.

Khoảng 3-4 ngày sau, anh nhận được gói thuốc B bao gồm thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông. “Tuy nhiên gói thuốc B chỉ sử dụng một lần khi có dấu hiệu nặng và trước khi đến bệnh viện, nên gia đình chưa dùng tới”, anh Minh cho biết.

Bốn người, kể cả con trai 17 tuổi, đều đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, bệnh diễn tiến nhẹ. Sau 14 ngày theo dõi tại nhà, hiện cả gia đình đã được trạm y tế phường xét nghiệm nhanh, kết quả âm tính mặc dù vẫn còn ho và thi thoảng hụt hơi.

Gia đình anh Minh là một trong số nhiều hộ F0 tại chung cư nơi anh sống chưa được tiếp cận thuốc molnupiravir. Đại diện trạm y tế phường tại đây cho biết: “Hiện gói thuốc C đã hết lâu rồi nhưng chưa được thành phố cấp, chỉ có gói thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng chứ không phải thuốc kháng virus”.

Molnupiravir được Bộ Y tế đưa vào thí điểm điều trị F0 tại TP HCM từ ngày 16/8. Mục tiêu là các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng được tiếp cận thuốc an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong, giảm tải điều trị và đặc biệt là giảm lây nhiễm ngoài cộng đồng. Thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế cấp phát miễn phí và có kiểm soát đặc biệt cho F0 điều trị tại nhà. Đây là thuốc không được bán trên thị trường.

Theo hướng dẫn mới nhất về gói chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà, Sở Y tế TP HCM yêu cầu trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, y tế cơ sở phải tiếp cận đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà. Nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát tờ hướng dẫn cách ly, cấp ngay gói thuốc A cho F0 không có triệu chứng và cấp ngay gói A-C nếu F0 có triệu chứng nhẹ.

Tuy nhiên hiện thuốc thiếu, số lượng được phân bổ có hạn, nên nhiều F0 không được phát hoặc tiếp cận trễ, bất cập trong điều trị. Gia đình chị Nguyễn Thị Phương Lan, 28 tuổi, ở phường Tăng Nhơn Phú B, Thủ Đức, gồm 4 người lớn, 4 trẻ nhỏ, phát hiện mắc Covid-19 từ ngày 14/11, triệu chứng đau họng, khó thở, nghẹt mũi. Sau khi báo y tế phường, chị được nhận gói thuốc A, nhân viên y tế không đề cập đến gói B hay C. Chị đặt mua online thêm thuốc điều trị các triệu chứng và vitamin với hóa đơn 300.000 đồng.

Vài ngày sau chị tìm hiểu biết có gói thuốc C, người nhà đến trạm y tế để khiếu nại. Sau gần một tuần, chị mới được nhận gói thuốc C. “Lúc nhận được gói thuốc C thì gia đình tôi may mắn đã vượt qua được các triệu chứng Covid-19 và sắp kết thúc quá trình điều trị. Hiện tại cả nhà vẫn còn nhiều triệu chứng nhưng dùng thuốc kháng virus giờ đâu còn hiệu quả. Thật sự rất bất cập”, chị Lan nói.

Thảo Nhi, 21 tuổi, ở quận Bình Thạnh, tự test nhanh phát hiện dương tính Covid-19 ngày 3/12, sau khi đồng nghiệp của cô trở thành F0. Nhi gọi điện tới trạm y tế phường, được cho biết trạm đang hết thuốc điều trị Covid-19, chỉ còn túi thuốc A, đề nghị cô nhờ người đến trạm lấy thuốc và bảng “cách ly y tế”.

Theo đại diện trạm y tế phường này, khi thuốc molnupiravir mới được thử nghiệm, việc tư vấn cho F0 sử dụng gặp nhiều khó khăn vì họ lo lắng về hiệu quả thuốc. Sau một vài tháng, nhiều người biết đến thuốc hơn, tỷ lệ trở nặng và tử vong ở nhóm người sử dụng thuốc giảm xuống 50%, đồng thời người bệnh âm tính chỉ sau 5-6 ngày, thì nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao hơn.

Người này cũng cho biết thời gian đầu molnupiravir được phân về trạm y tế nhiều nên trạm phát cho tất cả F0 có triệu chứng và không triệu chứng. Sau đó hết thuốc, việc cấp phát molnupiravir bị gián đoạn. Nguyên nhân là trạm y tế không chủ động được nguồn thuốc khi phải chờ phân bổ từ Bộ Y tế xuống Sở Y tế, tiếp đến là Trung tâm y tế quận, rồi mới về tới trạm. Hiện tại, trạm y tế có số lượng túi thuốc C giới hạn, nên ưu tiên cho trường hợp nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, hoặc người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đại diện một trạm y tế ở quận 7 cho biết hiện trạm vẫn được cấp thuốc molnupiravir tuy nhiên số lượng không đủ để phát cho F0. “Khoảng 1-2 tuần trạm nhận được chừng15 gói thuốc molnupiravir, tuy nhiên trong thời gian này sẽ thêm khoảng 100 F0, tính trung bình 20 F0 có một người được nhận thuốc, do đó thuốc được ưu tiên cho người có nguy cơ trở nặng cao. Hiện trạm đã hết thuốc và đang chờ nhận tiếp”, người quản lý trạm chia sẻ.

Thuốc kháng virus molnupiravi được chia nhỏ giọt cho F0
Gói thuốc A một F0 tại TP Thủ Đức nhận được sáng 8/12. Ảnh. Nhân vật cung cấp

Ngày 8/12, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố khóa X nhìn nhận tình trạng thiếu thuốc molnupiravir, và thành phố đang tìm cách bổ sung thuốc cho nhu cầu F0.

Chiều 7/12, TP HCM được bổ sung thêm 25.000 liều molupiravir từ Bộ Y tế. Số thuốc này đã được phân phối tới các trạm y tế địa phương. Tuy nhiên ông Thượng cũng cho rằng số thuốc này không đủ cho số F0 đang mắc Covid-19 hiện nay. Do đó, ông Thượng đề nghị ưu tiên thuốc molnupiravir cho các F0 thuộc nhóm nguy cơ cao trước.

TP HCM cũng quyết định mua thêm 300.000 gói thuốc để điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly tại nhà. Ông Thượng nói rằng động thái này nhằm kịp thời cấp phát thuốc cho người dân, tránh tình trạng F0 không tiếp cận được thuốc và sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch ở thành phố. Trong 300.000 gói thuốc này gồm có 200.000 gói thuốc A, 50.000 gói thuốc B và 50.000 gói thuốc trẻ em.

Ngoài ra, gần đây thị trường có thêm loại thuốc kháng virus mới là paxlovid do Pfizer sản xuất, “hiệu quả rất tốt”. Hai công ty nắm hai bản quyền thuốc này là MSD và Pfizer đã đồng ý nhượng bản quyền thuốc cho Việt Nam. Thuốc có thể được Bộ Y tế cấp phép trong thời gian tới. “Dự kiến trong thời gian ngắn tới đây, lượng thuốc điều trị Covid-19 sẽ phong phú hơn, không còn tình trạng khan hiếm như trong thời gian qua”, ông Thượng nói.

Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ, khi thuốc kháng virus sản xuất đại trà rồi thì sẽ cho phép bán tại các nhà thuốc. Như vậy, người dân vừa có thể nhận thuốc từ chương trình điều trị F0 tại nhà, vừa có thể tự ra hiệu thuốc mua về như thuốc cảm cúm bình thường.

Hiện TP HCM quản lý và chăm sóc hơn 85.000 F0. Trong đó, 66.500 F0 đang điều trị tại nhà, gần 5.300 điều trị tại cơ sở phường, xã, thị trấn (tầng một), chiếm 84%; tại tầng 2, số F0 đang điều trị là gần 11.700, chiếm 13%; tầng 3 (bệnh viện hồi sức cho các trường hợp nặng) điều trị 1.800 ca, chiếm 2%, trong đó, có hơn 400 trường hợp thở máy xâm lấn. Số ca nhiễm tại thành phố tăng dần trong 3 tuần vừa qua.

Thuốc molnupiravir được Bộ Y tế cấp phát miễn phí theo chương trình điểu trị có kiểm soát với F0 tại nhà. Tuy nhiên hiện trên các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, trang web riêng… xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo rao bán thuốc kháng virus không rõ nguồn gốc, là hành vi vi phạm pháp luật.

Minh Thu

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều