+
Aa
-
like
comment

Nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm cao chưa từng thấy

25/11/2021 11:42

Hôm qua (24/11), số ca nhiễm COVID-19 ở nhiều nước châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục khi châu Âu một lần nữa trở thành tâm chấn của đại dịch COVID-19, hãng tin Reuters đưa tin.

Nhiều quốc gia trong khu vực này ghi nhận hàng chục nghìn ca COVID-19 mới một ngày, khiến các nhà chức trách phải đưa ra những hạn chế mới.

Slovakia, Cộng hòa Séc, Hà Lan và Hungary đều báo cáo số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày cao kỷ lục khi mùa đông đã đến với châu Âu, người dân tụ tập trong nhà nhiều hơn trước Giáng sinh. Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho COVID-19 lây lan.

Một bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) của bệnh viện Pirogov ở Sofia, Bulgaria, ngày 15 tháng 10 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Stoyan Nenov

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận rằng châu Âu một lần nữa lại trở thành tâm chấn của đại dịch. Ông Tedros cảnh báo người dân khu vực này đang có những “cảm giác an toàn sai lầm” về khả năng bảo vệ của vaccine.

“Không có quốc gia nào an toàn”, ông Tedros nói với các phóng viên, thêm rằng ông hy vọng có thể đạt được sự đồng thuận tại cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới vào tuần tới về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine trong đại dịch.

Hàng loạt kỷ lục bị phá vỡ

Slovakia đã báo cáo số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày cao nhất hôm 24/11. Chính phủ nước này đã thông qua lệnh phong tỏa hai tuần để hạn chế sự gia tăng số ca nhiễm nhanh nhất thế giới. Các nhà hàng và cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa và người dân chỉ được ra ngoài để mua đồ thiết yếu, đi làm, đi học hoặc khám bệnh.

“Tình hình đang nghiêm trọng”, Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nói. “Dịch bệnh diễn biến đến mức này vì các biện pháp (hiện có) không được tuân thủ”.

Một thành viên của văn phòng trật tự công cộng kiểm tra quy trình xuất trình thẻ COVID tại một quán cà phê ở Pirna, Đức, ngày 24 tháng 11 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Matthias Rietschel

Nước láng giềng Áo cũng đã phong tỏa từ đầu tuần này, kéo dài ít nhất 10 ngày. Áo là nước Tây Âu đầu tiên tái áp dụng phong tỏa kể từ khi có vaccine. Quốc gia này cũng sẽ yêu cầu toàn bộ người dân phải tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 1 tháng 2.

Cộng hòa Séc cũng ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 trong một ngày cao nhất hôm 24/11, với số ca lần đầu tiên vượt mức 25.000. Chính phủ nước này đang dự định bắt buộc tiêm vaccine cho những người trên 60 tuổi và người làm một số ngành nghề nhất định như nhân viên y tế.

Thủ tướng Séc Andrej Babis hôm qua cho biết nội các sẽ thảo luận thêm về các biện pháp chôngs COVID-19 vào thứ Sáu.

Hà Lan đã ghi nhận hơn 23.700 ca nhiễm COVID-19 ngày hôm qua, con số cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chính phủ nước này sẽ công bố các biện pháp hạn chế mới vào thứ Sáu.

Hungary cũng đã báo cáo kỷ lục 12.637 trường hợp COVID-19 mới trong một ngày. Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, vốn phản đối việc tiếp tục phong tỏa vì sợ kìm hãm nền kinh tế, đã phát động một chiến dịch tiêm chủng trong tuần này, cung cấp các liều vaccine mà không cần đăng ký trước.

Tại Nga, số ca tử vong liên quan đến COVID-19 trong một ngày gần chạm mức kỷ lục. Các nhà chức trách nước này cho biết họ đang truy tìm trên mạng xã hội và các trang tin tức để tìm những người tung tin thất thiệt về sự nguy hiểm của việc tiêm chủng.

Ngày 23/11, Pháp cũng báo cáo hơn 30.000 ca nhiễm COVID-19 mới trong vòng 24 giờ – số ca mắc cao nhất kể từ tháng 8. Pháp sẽ công bố các biện pháp COVID-19 mới vào thứ Năm, trong khi Ý đang thắt chặt hạn chế đối với những người chưa được tiêm chủng, ngăn họ đến rạp chiếu phim, nhà hàng và các sự kiện thể thao từ ngày 6 tháng 12.

Bồ Đào Nha, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trên thế giới, sẽ tiêm vaccine tăng cường cho 1/4 dân số vào cuối tháng 1 năm 2022. Hôm qua 24/11, số ca mắc của nước này cũng đã đạt mức cao nhất trong bốn tháng.

Đức cũng ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm COVID-19 trong 24h vào tuần trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói COVID-19 đang tấn công nước Đức ‘tổng lực’.

Hôm 22/11, Bộ trưởng Y tế Đức còn đưa ra cảnh báo gay gắt: Đến cuối mùa đông này, toàn bộ người Đức hoặc sẽ tiêm vaccine, hoặc mắc COVID-19 rồi khỏi, hoặc chết.

Tuy nhiên, nhìn chung, số ca tử vong vì COVID-19 châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với hồi tháng 1.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều