Nhiều phường hoãn tiêm do thiếu vắc xin, Bình Dương hỏa tốc ‘cầu cứu’ Bộ Y tế
Người dân hụt hẫng khi phường thông báo đăng ký tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng khi chưa triển khai thì đã phải hoãn do không có vắc xin. UBND tỉnh Bình Dương đã lên tiếng “cầu cứu” Bộ Y tế.
Phường vừa nhận được thông báo của ngành cấp trên, do điều kiện khách quan, số vắc xin tiếp theo chưa về đến. Vì vậy đợt tiêm tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới
Thông báo của phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
Ngày 9-8, ông Võ Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long để “cầu cứu”, đề nghị phân bổ vắc xin phòng COVID-19.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, với quy mô dân số 2,6 triệu người; trong thời gian tới (tháng 8 và 9-2021) thì tỉnh phải tiêm vắc xin cho khoảng hơn 2 triệu người trên địa bàn nhằm đảm bảo đủ lao động.
Đặc biệt tại bốn địa phương phía nam của tỉnh Bình Dương giáp hoặc gần với TP.HCM (Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một) là vùng kinh tế quan trọng khi tập trung số lượng lớn các nhà máy, xí nghiệp sản xuất và cung ứng chuỗi hàng hóa cho trong nước và toàn cầu. Thế nhưng đây cũng lại là những khu vực đang có số ca nhiễm cao nhất tỉnh, với tỷ lệ ca mắc không thua kém gì tỷ lệ của TP.HCM.
Về việc triển khai tiêm vắc xin khi được phân bổ, UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã khắc phục việc tiêm chậm và có kế hoạch nâng tốc độ tiêm vắc xin với quy mô tối đa 100.000 liều/ngày nên cam kết sẽ tiến hành tiêm vắc xin đúng tiến độ và đối tượng.
Theo ghi nhận của PV trong ngày 8-8, hàng loạt xã, phường tại Bình Dương thông báo tạm hoãn tiêm vắc xin dù trước đó có xã, phường vừa triển khai tiêm được một ngày, có xã, phường cho người dân đăng ký nhưng còn chưa kịp triển khai tiêm khiến nhiều người dân không khỏi hụt hẫng.
Mặc dù tỉnh Bình Dương có số ca mắc nhiều thứ hai cả nước, với tỷ lệ ca mắc trên quy mô dân số xấp xỉ TP.HCM nhưng vắc xin phân bổ cho Bình Dương lại chưa tương xứng với tình hình ca bệnh hiện tại.
Theo số liệu công bố của Bộ Y tế, một tỉnh có số vắc xin được phân bổ tương đương Bình Dương dù số ca bệnh chỉ bằng 1/3; hoặc một thành phố dù có tổng dân số lớn hơn nhưng số ca mắc hiện tại chỉ bằng 1/13 Bình Dương, số vắc xin được phân bổ lại gấp rất nhiều lần…
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần ưu tiên vắc xin cho vùng đang có dịch bệnh nóng và ở “tuyến đầu sản xuất” để có nguồn vắc xin tiêm cho công nhân, người lao động yên tâm thực hiện “ba tại chỗ”.
Tình trạng thiếu vắc xin đang tạo áp lực rất lớn tại điểm nóng Bình Dương. Số vắc xin mà tỉnh Bình Dương được phân bổ hiện tại là hơn 544.000 liều; chỉ đáp ứng một phần nhỏ với tổng cộng nhu cầu.
Toàn tỉnh có gần 30 khu công nghiệp đang hoạt động nhưng tới ngày 8-8 mới có một vài khu công nghiệp bắt đầu triển khai tiêm vắc xin cho công nhân. Các khu công nghiệp khác có kế hoạch thực hiện trong tuần sau với năng lực tiêm tăng nhiều do phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp cho biết tình hình đăng ký tiêm cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp “rất căng” do nguồn vắc xin còn rất hạn chế, có thể không đủ tiêm cho người lao động sản xuất “ba tại chỗ” đã đăng ký tiêm.
Bá Sơn