Nhiều phụ huynh muốn con được tiêm vaccine để trở lại trường học
Một số phụ huynh thận trọng hơn, muốn con được tiêm vaccine trước khi trở lại trường.
Từ cuối tháng 4/2021, khi con trai năm tuổi phải ở nhà do dịch bệnh, chị Nguyễn Thanh Nhài, 27 tuổi, cũng nghỉ làm để trông con. Gần một năm đã trôi qua, chị “sốt hết cả ruột” khi thành phố vẫn chưa thông báo kế hoạch trở lại trường của trẻ mầm non. Con trai chị, cùng khoảng 140.000 trẻ năm tuổi ở Hà Nội, đối mặt với khả năng không được đến trường ngày nào trong cả năm học.
“Thời gian ở nhà quá lâu, con chỉ chơi, xem TV, giờ giấc đảo lộn. Vì ít tiếp xúc với bạn bè, không gặp cô giáo, con trở nên nhút nhát và sợ học”, chị Nhài nói.
Không muốn đăng ký cho con lớp tiền tiểu học, người mẹ mua bảng chữ, số để dạy bé tại nhà. Nhưng mỗi lần được gọi vào bàn học, cậu lại mếu máo. “Tôi chỉ muốn con có thể nhận mặt chữ, làm quen với việc ngồi học tập trung trong khoảng 30 phút. Tôi rất sợ khi vào lớp 1, con chưa biết chữ sẽ không theo kịp các bạn”, người mẹ bày tỏ.
Nhiều phụ huynh ở Hà Nội hiện vẫn lo ngại nguy cơ nhiễm Covid-19 cao khi đi học lại. Nhưng chị Nhài cho rằng, với trẻ nhỏ, đời sống tinh thần rất quan trọng. Nếu đây là năm 2020, chị hoàn toàn ủng hộ cho trẻ ở nhà vì thời điểm đó “Covid-19 vẫn còn quá đáng sợ”. Nhưng theo chị, khi đã xác định sống chung, thành phố đã mở cửa nhiều lĩnh vực hoạt động, việc vẫn giữ trẻ ở nhà là vô lý.
“Lễ hội, phố đi bộ hoạt động trở lại, hàng không đón khách quốc tế. Nhưng trường học vẫn đóng. Tôi không hiểu được quan điểm chống dịch này, vì trẻ ra đường cũng có nguy cơ nhiễm bệnh như khi đến trường, thậm chí nhiều hơn”, chị Nhài nói.
Mỗi ngày, chị đều lên mạng đọc báo, tìm kiếm thông tin trường học mở cửa lại. Một lần, lướt thấy thông tin “trẻ mầm non, lớp 1-6 đi học trực tiếp từ 1/4”, chị Nhài vui như mở cờ nhưng hụt hẫng ngay khi phát hiện ra nhầm lẫn của mình. Hóa ra đây là thông báo của Hà Nam.
Chị Nguyễn Mai Trang, 31 tuổi, cũng có con gái 4 tuổi ở nhà suốt một năm qua. Từ chỗ rất dạn dĩ sau một thời gian đi học, giờ đây con ngại ngùng, luôn bám lấy mẹ khi xuống sân chơi. Chị Trang nhận thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý và nề nếp khi con không được tiếp xúc thường xuyên với thầy cô, bạn bè ở trường.
Là giáo viên tiếng Anh tiểu học, chị phải xin nhà trường tạo điều kiện để dạy online ít nhất có thể bởi chị không thể vừa trông con vừa đứng lớp, cũng không thể thuê giúp việc vì kinh tế eo hẹp. Sắp tới, nếu tiểu học đi học mà mầm non vẫn nghỉ, chị chưa biết làm thế nào để vừa đi dạy, vừa trông con. “Tôi chỉ mong hai cấp học này được quay trở lại trường trong tháng 4 và trở lại cùng một thời điểm để không có thêm rắc rối. Một năm ở nhà là quá mệt mỏi rồi”, chị nói.
Tại Hà Nội, tính đến cuối tháng 3, hơn 99% trong số 660.000 trẻ 12-17 tuổi (học sinh lớp 7-12) đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Các em thuộc nhóm được trở lại trường học trực tiếp từ 8/2.
Trong khi đó, khoảng 950.000 học sinh lớp 1-6 cùng 600.000 trẻ mầm non (nhóm chưa tiêm vaccine) vẫn tiếp tục học trực tuyến hoặc nghỉ ở nhà. Ba tuần đầu tháng 2, học sinh tiểu học và lớp 6 ở ngoại thành Hà Nội được trở lại trường, nhưng sau đó phải dừng vì số ca nhiễm tăng nhanh. Nhóm học sinh này ở nội thành cùng trẻ mầm non đã ở nhà từ cuối tháng 4/2021.
Cũng chung tâm trạng sốt ruột, nhưng một số phụ huynh thận trọng hơn, muốn con được tiêm vaccine trước khi trở lại trường.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy, cho hay, vẫn còn những phụ huynh e ngại, dù họ đều mong con sớm đi học trực tiếp. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của nhà trường lúc này là kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ 5 đến 11 tuổi được đẩy nhanh, hoàn thành mũi một trong tháng 4 để có thể đón học sinh vào đầu tháng 5. “Một tháng được đến trường cũng rất quý dù có lẽ lúc đó chỉ ôn tập và kiểm tra học kỳ”, ông Hòa nói.
Ngày 2/4, các trường học ở Hà Nội được chỉ đạo khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ đến trường trực tiếp và báo cáo số liệu về Sở Giáo dục và Đào tạo trước 4/4. Đây là cơ sở để Thành phố tham khảo, quyết định về ngày đi học lại của nhóm trẻ từ mầm non đến lớp 6.
Trước đó, tại cuộc họp về công tác phòng, chống Covid-19 tại Hà Nội ngày 28/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lại cho rằng “Phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm Covid-19 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro”.
Nhưng chị Hòa đặt câu hỏi vậy “nếu phụ huynh không đồng ý tiêm vaccine, hoặc tỷ lệ tiêm không đạt đến một con số nhất định thì trẻ tiếp tục phải ở nhà hay sao?”.
Tuấn Tâm