Nhiều nước tranh thủ mua dầu Nga với giá rẻ
Các khách hàng xa lánh dầu Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Nhưng Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh thủ mua dầu với giá rẻ.
Theo ông Dan Yergin – Phó chủ tịch S&P Global, châu Á sẽ trở thành thị trường thay thế của dầu Nga, khi Moscow cố tìm khách hàng cho các mặt hàng năng lượng xuất khẩu của đất nước.
Các nước nhập khẩu dầu lớn của châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ chịu áp lực lớn khi giá dầu tăng cao. Xung đột Nga – Ukraine và những lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow đã đẩy giá năng lượng toàn cầu tăng phi mã.
Ngoài sức hấp dẫn về giá, cả Bắc Kinh và New Delhi đều có quan hệ chặt chẽ với Moscow.
Thị trường thay thế
“Dường như châu Á sẽ là thị trường thay thế của các thùng dầu Nga, vốn thường được chuyển tới châu Âu”, CNBC dẫn lời ông Yergin nhận định.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga. Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng cân nhắc các biện pháp tương tự nhằm trừng phạt Moscow.
Trong năm nay, EU – vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng của Nga – đã vạch ra kế hoạch cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn cung thay thế, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ thông qua cải thiện hiệu quả năng lượng và kéo dài tuổi thọ của những nhà máy điện hạt nhân và than.
Dường như châu Á sẽ là thị trường thay thế của các thùng dầu Nga, vốn thường được chuyển tới châu Âu
Ông Dan Yergin, Phó chủ tịch S&P Global
Mới đây, Washington cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để cung cấp thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu. Động thái này nhằm giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Những lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga, cùng với những bất ổn liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, cũng khiến khách hàng tránh xa dầu Nga.
Theo giới phân tích, điều này khiến dầu Nga trở nên khó bán. Tình hình thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga – một trong các thành viên của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) – là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Saudi Arabia.
Đầu tháng này, IEA cho biết dầu thô của Nga đang được bán với mức chiết khấu kỷ lục. Theo các nhà phân tích, một số công ty đã giảm giá 25-30 USD/thùng cho loại dầu thô Urals của Nga.
Ở chiều ngược lại, giá năng lượng xuất khẩu của các quốc gia khác đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong thập kỷ qua. So với một năm trước đó, giá dầu tăng vọt 80% và vẫn đang biến động mạnh.
Mua dầu giá rẻ
Theo ước tính mới đây của ông Daniel Pickering – Giám đốc đầu tư tại Pickering Energy Partners, mỗi ngày, khoảng 2-3 triệu thùng dầu Nga bị đóng băng trên thị trường và không có người mua. Tuy nhiên, ông cho rằng Ấn Độ và Trung Quốc đang tranh thủ mua dầu Nga với giá rẻ.
Ấn Độ thường nhập khẩu dầu từ Iraq, Saudi, Arabia, UAE và Nigeria. Nhưng các nước này đều đang điều chỉnh giá bán vì giá dầu tăng vọt.
Nói với CNBC, các nhà quan sát tiết lộ lượng dầu mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đã tăng lên đáng kể từ đầu tháng 3. Họ cho rằng New Delhi sẽ đẩy mạnh nhập khẩu dầu Nga giá rẻ hơn nữa.
“Ấn Độ nhập khẩu tới 85% lượng dầu tiêu thụ. Nếu giá dầu tăng cao, nền kinh tế Ấn Độ sẽ trải qua cú sốc lớn”, ông Yergin nhận định.
“Ấn Độ đang đàm phán với Nga để mua dầu với mức chiết khấu lớn. Nhưng đó là một hệ thống hậu cần phức tạp, vận chuyển 100 triệu thùng dầu/ngày trên khắp thế giới. Sẽ không dễ để thay đổi nhanh chóng”, ông nói thêm.
Theo nguồn tin của Bloomberg, các hãng lọc dầu của Trung Quốc cũng đang âm thầm mua dầu Nga với giá rẻ.
Không tham gia nhiều phiên đấu thầu để mua loại dầu Urals hàng đầu của Nga như những hãng lọc dầu quốc doanh Ấn Độ, theo giới thương nhân, các hãng lọc dầu quốc doanh Trung Quốc đang đàm phán riêng với bên bán.
Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, các giao dịch mua bán dầu Nga gần như không còn được công khai. Nhiều cuộc đấu giá công khai thất bại buộc người mua và người bán phải tham gia những cuộc đàm phán riêng tư.
Ngay cả những công ty tư nhân cũng âm thầm mua vào, theo nguồn tin giấu tên của Bloomberg. Các hãng lọc dầu tư nhân của Trung Quốc – đóng góp 25% vào sản lượng cả nước – đã mua dầu thô ESPO từ cảng Kozmino phía đông nước Nga.
Giới thương nhân cho biết các hãng lọc dầu Trung Quốc liên tục hỏi mua dầu Nga. ESPO được ưa chuộng do loại dầu này có thể được giao đến các cảng nhỏ hơn – vốn khó dỡ hàng khỏi những tàu lớn, từ khoảng cách ngắn hơn, giúp cắt giảm chi phí.
Khai Tâm