Nhiều nước châu Âu và châu Mỹ lâm vào “bế tắc”
Người lao động tại nhiều nước châu Âu và châu Mỹ đã tổ chức đình công quy mô lớn nhằm yêu cầu chính phủ tăng lương để đối phó với “bão giá” do lạm phát tăng cao. Làn sóng đình công đang diễn ra tại nhiều nước ở châu Âu và châu Mỹ khi người lao động đòi hỏi tăng lương để đối phó với “bão giá” do lạm phát tăng cao.
Đầu tiên tại Anh, Nghiệp đoàn Unite thông báo vào ngày 19/4 rằng khoảng 1.400 nhân viên an ninh sân bay Heathrow ở London (Anh) sẽ tiến hành đình công thêm 8 ngày vào tháng tới do cuộc đàm phán về tăng lương chưa đạt được thỏa thuận. Dự kiến, các cuộc đình công sẽ được tiến hành trong 3 đợt, từ ngày 4-6/5, 9-10/5 và 25-27/5.
Trước đó, lực lượng an ninh sân bay Heathrow đã đình công tổng cộng 10 ngày và vừa kết thúc đầu tháng này. Cùng ngày 19/4, Công đoàn Cơ quan dịch vụ công và thương mại (PSA) của Anh thông báo sẽ có thêm 1.000 người tham gia cuộc đình công dự kiến diễn ra từ ngày 2-6/5 của gần 2.000 nhân viên tại các bộ phận cung cấp hộ chiếu, theo Euronews.
Tại Đức, nghiệp đoàn Verdi, đại diện cho khoảng 2,5 triệu người lao động, cũng đã kêu gọi các nhân viên kiểm soát an ninh đình công tại 4 sân bay trong 2 ngày 20 và 21/4.
Theo Hiệp hội hàng không ADV, ước tính gần 100.000 người sẽ bị ảnh hưởng do các cuộc đình công tại các sân bay Dusseldorf, Hamburg và Cologne Bonn, với khoảng 700 chuyến bay khởi hành bị hủy. Verdi cũng kêu gọi các nhân viên an ninh tại sân bay Stuttgart đình công vào ngày 21/4.
Trong hơn 3 tháng rưỡi đầu năm 2023, hơn 900.000 hành khách đã buộc phải đổi lịch bay hoặc thậm chí hủy chuyến do các cuộc đình công mà Công đoàn Verdi tổ chức.
ADV lo ngại rằng các sân bay đang bị dùng làm “sân khấu” để đình công lâu dài. Mặt khác, các cuộc đàm phán giữa công đoàn và lãnh đạo hàng không dự kiến sẽ tiếp tục vào tuần tới.
Còn tại Pháp, hàng loạt ngày biểu tình và đình công phản đối việc sửa đổi luật hưu trí mà Tổng thống Emmanuel Macron vừa ký đã khiến đất nước này chìm trong cơn mệt mỏi. Các thành viên nghiệp đoàn và những người đình công hôm 13/4 đã xông vào trụ sở của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH ở Paris trong đợt biểu tình mới nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu.
Tại Tây Ban Nha, đội ngũ phi công của hãng hàng không Air Europa cũng lên kế hoạch đình công 4 ngày vào đầu tháng Năm tới do tranh cãi về tiền lương giữa công ty chủ quản và SEPLA – công đoàn phi công lớn nhất của Tây Ban Nha.
Trong khi đó, tại Châu Mỹ, hơn 155.000 công chức các ngành ở Canada đã đình công sau khi các yêu cầu của họ về tăng lương không được chính phủ liên bang đáp ứng.
Theo tin từ Reuters, công đoàn Liên minh dịch vụ công Canada (PSAC) cho biết mặc dù có cuộc đình công, nhưng cuộc đàm phán về điều chỉnh hợp đồng lao động vẫn đang tiếp tục diễn ra và Thủ tướng Justin Trudeau đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề này.
Chính phủ liên bang Canada thông báo đã đưa ra một “đề nghị công bằng và đáng xem xét” cho PSAC, bao gồm mức tăng lương 9% trong 3 năm và sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận nhanh chóng. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức mà các công chức đang mong muốn là 13,5% – 22,5% trong 3 năm.
Cuộc đình công dự kiến sẽ ảnh hưởng đến một số dịch vụ liên bang, bao gồm làm chậm quá trình hoàn thuế đang trong mùa cao điểm khai thuế. Việc gia hạn hộ chiếu để chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm cũng có thể bị chậm trễ.
Sự bất ổn về kinh tế và địa chính trị đang tiếp tục lan rộng, đồng thời thị trường lao động đang bị siết chặt và lạm phát đang gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và thu nhập của người dân ở cả châu Âu và châu Mỹ, đặt các Chính phủ đối mặt với một vấn đề cấp bách – đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Bởi vì, các công đoàn đang sẵn sàng triển khai chiến dịch đình công dài hạn, cho đến khi các chính sách phù hợp được đưa ra.
Tuệ Ngô