Nhiều người nói ông Trịnh Văn Quyết ‘chém gió’
Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết khẳng định đường bay thẳng tới Mỹ sẽ lãi 8 tỉ đồng/tháng nếu giá vé ở mức 1.300 USD.
Chia sẻ tại Toạ đàm “Bay thẳng Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh” chiều 1.8, ông Trịnh Văn Quyết thẳng thắn bày tỏ, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao Bamboo Airways muốn mở đường bay đi Mỹ? Thậm chí cho là Bamboo mở đường bay đi Mỹ là không khả thi, là “chém gió”.
Lãnh đạo Bamboo Airways tính toán: tổng cộng chi phí thuê máy bay, nhiên liệu, chi phí kỹ thuật, mỗi chuyến bay thẳng Việt Nam – Mỹ sẽ tiêu tốn của hãng 113 tỉ đồng/tháng cho một máy bay Boeing 787-9 với tần suất khai thác 17 chuyến mỗi tháng.
“Nếu bán vé ở mức 1.100 USD cho 240 khách mỗi chuyến, Bamboo Airways sẽ lỗ nhẹ, nhưng chỉ cần đưa giá vé lên 1.300 USD, hãng sẽ lãi 8 tỉ đồng/tháng”, ông Quyết nói.
Theo tính toán của lãnh đạo Bamboo, giai đoạn đầu khuyến mại giá vé, sau đó khi ổn định đường bay, giá sẽ nhích tăng thêm 100 – 300 USD, vẫn chưa bằng mức giá của các hãng khác như Japan Airlines (1.600 USD), Cathay Pacific (Hồng Kông).
Một trong những hạn chế nếu mở đường bay Mỹ của Bamboo chính là chưa có máy bay đủ khả năng kỹ thuật, song theo ông Quyết, “máy bay sẵn và có thể đi thuê ngay trong năm nay. Nếu Cục Hàng không cấp phép sớm, ngay năm nay có thể nhận Boeing 787-9 vào tháng 10”.
Nếu thuê A350 (số ghế 240 ghế), giá vé bán 1.300 USD Bamboo, sẽ lãi 28 tỉ/tháng. Nếu bay một điểm dừng tại Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, Bamboo Airways còn lãi nhiều hơn nhờ gom khách tại các thị trường này.
Cho rằng vẫn có thể rủi ro về lượng vé bán ra hay về biến động giá nhiên liệu, song chủ hãng Bamboo cho rằng, “đã bàn thì nên bàn để làm chứ không bàn lùi”.
Theo lộ trình Bamboo đưa ra, hãng này sẽ có chuyến bay thẳng đầu tiên từ Việt Nam sang bờ Tây nước Mỹ vào quý 1.2021.
TS Lâm Thùy Dương, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đánh giá, ngoài hợp tác kinh tế và du lịch, một thuận lợi nữa cho đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ là lượng khách đi máy bay là Việt kiều và du học sinh dự kiến tăng nhanh. Số liệu năm 2017 ghi nhận có đến hơn 1,3 triệu người Việt cư trú tại Mỹ, chiếm 3% trên tổng số 44,5 triệu người nhập cư và trở thành nhóm dân ngoại quốc lớn thứ 6 trong toàn nước Mỹ.
Không còn rào cản pháp lý khi bay Mỹ
Hiện, lượng khách Mỹ sang Việt Nam mỗi năm khoảng 700.000 lượt, trong khi lượng khách Việt Nam sang Mỹ cũng ở mức 100.000 lượt.
Dẫn ví dụ thành công của đường bay TP.HCM – Thanh Hóa, ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng, chỉ cần 60.000 lượt khách là đã có thể mở đường bay.
Ông Võ Huy Cường khẳng định việc lập đường bay thẳng Việt – Mỹ là mục tiêu từ lâu của ngành hàng không Việt Nam. “Hãng nào tiên phong bay thẳng Mỹ là khẳng định đẳng cấp và khả năng cạnh tranh”, ông Cường khẳng định.
Lãnh đạo Cục Hàng không cũng cho biết, hiện không còn rào cản pháp lý nào về việc mở đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ. Các điều kiện kỹ thuật như năng lực giám sát cũng đã được thông qua với chứng chỉ CAT1.
Với phương án bay một điểm dừng, các hãng bay Việt hoàn toàn có thể thiết lập điểm dừng kỹ thuật tại các quốc gia Đông Bắc Á trước khi bay sang Mỹ. Hiện, quá trình đàm phán với các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông đều đang diễn ra thuận lợi.
Trước đó, 2 hãng bay lớn của Mỹ là United Airlines và Northwest đều đã phải dừng khai thác đường bay thẳng Việt – Mỹ. Trong khi đó, lãnh đạo Vietnam Airlines từng cho biết, nếu bay thẳng Mỹ, hãng sẽ lỗ trong khoảng 5 năm đầu tiên, mức lỗ có thể lên tới hơn 30 triệu USD.
Tùng Lâm