Nhiều kỳ vọng sau 100 ngày Chính phủ mới
Những quan điểm mà Thủ tướng nhấn mạnh về phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, lấy thực tiễn làm thước đo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm… được kỳ vọng là kim chỉ nam cho việc chuyển từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ hành động, phục vụ.
Trao đổi với PV về 100 ngày đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn từ tháng 4-2021, GS.TS Hoàng Văn Cường – phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội khóa XV – nói:
– Có ba điểm tôi rất đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng, đó là yêu cầu phân cấp, phân quyền quy trách nhiệm rõ ràng, chấm dứt việc đẩy lên cấp trên gây ách tắc. Quan điểm lấy thực tiễn làm thước đo trong xử lý công việc cũng đặt ra yêu cầu cho người lãnh đạo có đủ bản lĩnh để quyết định hay không. Và để khuyến khích làm được những việc này, Thủ tướng nhấn mạnh đến cơ chế bảo vệ cán bộ, những người dám nghĩ dám làm. Cũng nhờ vậy đã góp phần cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64% – dù chưa đạt được mục tiêu nhưng đây là con số đáng khích lệ trong bối cảnh dịch phức tạp.
Những quyết định chưa có tiền lệ
* Một trong những biện pháp kiểm soát dịch bệnh được Chính phủ, Thủ tướng đặt lên hàng đầu là thực hiện chiến lược vắc xin, theo ông có ý nghĩa thế nào?
– Yếu tố then chốt để kiểm soát dịch bệnh vẫn phải là thực hiện chiến lược vắc xin kết hợp 5K. Ngay từ đầu, Chính phủ, Thủ tướng đã nhìn ra vấn đề cốt yếu là đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin.
Thủ tướng đã có những quyết định nhanh, dứt khoát, không do dự trước quy định pháp luật về mua sắm đấu thầu như việc mua 31 triệu liều vắc xin Pfizer không chờ đàm phán. Nếu chỉ dựa vào quy định thủ tục cứng nhắc thì rất khó để có được nguồn.
Điều này thể hiện bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, phải dám vượt rào, đưa ra những việc “chưa có tiền lệ”, để đáp ứng yêu cầu cấp bách.
Để có nguồn vắc xin và thực hiện chiến lược vắc xin lâu dài, bền vững, chúng ta thấy rằng Thủ tướng đã luôn tranh thủ cơ hội đàm phán với các nhà sản xuất, các cơ quan điều phối về việc chuyển giao công nghệ, chuyển giao sản xuất vắc xin tại Việt Nam. Việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước cũng được coi trọng.
Vấn đề đặt ra lúc này là cần tạo ra những cơ chế thu hút việc đầu tư, chuyển giao công nghệ. Chúng ta khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản phẩm nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu chuyên môn, quy trình thử nghiệm.
* Từ khi nhậm chức đến nay, Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc về vấn đề đầu tư công. Thúc đẩy đầu tư công sẽ là chìa khóa để tạo động lực tăng trưởng trong dịch bệnh?
– Tôi đồng tình với quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công theo hướng đầu tư tập trung, không dàn trải, sớm hoàn thành để mang lại hiệu quả. Điều này thể hiện ở yêu cầu cắt giảm số lượng dự án đầu tư công, khởi công mới để còn khoảng hơn 5.000 dự án – chỉ bằng 1/2 số dự án của giai đoạn trước, trong khi vốn đầu tư tăng lên gần 1,5 lần.
Việc đẩy mạnh đầu tư công không chỉ là giải pháp tăng cầu từ Chính phủ mà còn là phương thức bơm tiền vào nền kinh tế một cách hữu hiệu nhất, có tác động đến hàng loạt các ngành sản xuất. Đẩy mạnh đầu tư công sẽ là vốn mồi thu hút đầu tư xã hội, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối các vùng là khâu đột phá cho phát triển lâu dài của đất nước.
Lấy thực tiễn làm thước đo
* Nhưng ở cấp bộ ngành vẫn còn đâu đó tình trạng làm khó doanh nghiệp. Như vừa rồi Bộ Tài chính ban hành thông tư 40 về quản lý thuế, khiến cộng đồng doanh nghiệp bức xúc?
– Tôi cho rằng cần xuất phát từ chính quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng, đó là lấy thực tiễn làm thước đo; lấy hiệu quả, kết quả phục vụ người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá cán bộ.
Nếu việc đánh giá cán bộ chỉ coi trọng việc tuân thủ chấp hành đúng các quy định, quy trình thì cơ quan quản lý sẽ luôn nghĩ ra các tiêu chuẩn, quy định yêu cầu đối tượng quản lý phải tuân thủ, đáp ứng mà không cần biết việc quy định đó sẽ gây khó khăn thế nào đến đối tượng quản lý. Và như vậy sẽ dễ dẫn tới cơ chế cửa quyền, xin – cho, nhũng nhiễu. Người dân, doanh nghiệp sẽ phải tìm cách đáp ứng được các quy định đó và tìm cách để được giảm số thuế phải đóng, hoặc thậm chí là trốn thuế.
Do đó, phải thay đổi phương thức, quan điểm quản lý, làm sao để tạo ra cơ chế minh bạch, công khai và lấy đối tượng quản lý là mục tiêu phục vụ đáp ứng các yêu cầu mục tiêu quản lý. Cơ chế cũng phải phù hợp với hoàn cảnh, thực tiễn và khả năng điều chỉnh của đối tượng quản lý. Có như vậy mới tránh được quy định “trên trời”, thiếu khả thi và thiếu sự chia sẻ.
Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
* Chính phủ và Thủ tướng cần kiên định phương châm hành động, lấy hiệu quả công việc làm thước đo?
– Đúng. Cần lấy thực tiễn làm thước đo, bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Nhưng từ nền tảng này phải thay đổi phương thức điều hành của Chính phủ, chuyển từ quản lý sang hành động, chuyển từ tiêu chí đánh giá cán bộ là tuân thủ, chấp hành quy định sang tiêu chí kết quả, hiệu quả công việc là thước đo.
Có nghĩa, cán bộ hoàn thành tốt không phải là cứ máy móc thực hiện nhiệm vụ tuân thủ đúng văn bản, làm đúng quy định, ngồi soi hồ sơ, theo kiểu ban phát xin – cho. Phải thay đổi thước đo mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mỗi vị trí, phải đo lường bằng việc hoàn thành công việc đó, đáp ứng được bao nhiêu yêu cầu của người dân, tốc độ giải quyết kịp thời không, thời gian chờ đợi của doanh nghiệp ra sao…
Để làm được, cán bộ phải thực sự là người hỗ trợ, cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân làm tốt hơn, thay vì đi tìm lỗi sai thì rất khó đạt hiệu quả.
Cẩn thận tình trạng cát cứ, phân mảnh
Để các quyết định đầu tư đúng hướng, tạo sự kết nối vùng và hình thành các hệ thống hạ tầng thống nhất trên toàn quốc cũng như sự phù hợp trong các quyết định đầu tư dự án tại mỗi địa phương thì công tác quy hoạch phải đặt lên là nhiệm vụ hàng đầu. Luật quy hoạch được thông qua với yêu cầu xây dựng quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, tránh tình trạng 63 địa phương là 63 nền kinh tế.
Tuy vậy, điều tôi băn khoăn hiện nay là công tác triển khai lập quy hoạch đang diễn ra không đúng theo tinh thần của Luật quy hoạch khi mà các địa phương xây dựng quy hoạch của mình nhưng vẫn chưa có “bóng dáng” của quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Phải có định hướng quy hoạch quốc gia trước để làm cơ sở cho đề xuất quy hoạch vùng và từ đó có căn cứ định hướng cho quy hoạch địa phương. Nếu không cẩn trọng, mạnh tỉnh nào tỉnh ấy chạy, lại dẫn tới tình trạng cát cứ, phân mảnh của nền kinh tế.
Ngọc An