+
Aa
-
like
comment

Nhiều học sinh muốn bỏ thi THPT quốc gia 2020

16/04/2020 15:23

Phương Hồng, học lớp 12 trường THPT Kim Liên, Hà Nội, tìm thấy tia hy vọng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tính đến phương án bỏ thi THPT quốc gia.

Tháng 12/2019, Hồng trúng tuyển Đại học Waterloo, Canada với học bổng 10.000 USD, hỗ trợ 10% học phí trong bốn năm. Theo yêu cầu của trường, Hồng phải nộp bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời trước 4/8, có mặt trước 1/9 để kịp nhập học kỳ thu. Tuy nhiên, việc lùi lịch thi THPT quốc gia 2020 đến 8-11/8 khiến Hồng có thể lỡ kế hoạch du học vì không thể có chứng nhận tốt nghiệp trước 4/8 và việc nhập học kỳ thu vào gần như không thể.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lên phương án chỉ xét tốt nghiệp chứ không thi khiến những học sinh du học như Hồng cảm thấy “có hy vọng”. “Em không có ý định thi đại học tại Việt Nam, chỉ cần qua tốt nghiệp THPT nên mong phương án xét được lựa chọn. Nhưng vì chưa chốt nên em không để mình quá vui mừng, sợ đến lúc không được lại thất vọng”, Hồng nói.

Cô gái sinh năm 2002 cho rằng nếu chỉ xét thay vì thi THPT quốc gia, những học sinh không cần sử dụng kết quả bậc phổ thông để xét tuyển đại học trong nước sẽ có sự chểnh mảng nhất định với chương trình học online. Dù lựa chọn phương án nào, Hồng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra kết luận vào đầu tháng 5 để học sinh không tiếp tục thấp thỏm, có thời gian thích nghi.

Cũng như Hồng, Lê Anh Thư, học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam, mong xét tốt nghiệp trở thành phương án chính thức cho năm nay. Nữ sinh học kém Toán và tiếng Anh, chỉ dưới 5 điểm hai môn này vì theo khối C. Em dự định thi hai ngành Thiết kế thời trang, Nội thất của Đại học Kiến trúc Hà Nội theo tổ hợp Ngữ văn, Vẽ, Vẽ.

Từ đầu tháng 2 đến nay, học sinh trường THPT Chuyên Hà Nam chỉ đi học được ba tuần, sau đó nghỉ vì Covid-19. Những em học lệch như Thư lo lắng vì nghỉ quá dài, khi quay trở lại trường vào đầu tháng 5, thậm chí tháng 6 sẽ khó bắt nhịp và thiếu thời gian ôn tập để thi THPT quốc gia. “Em rất sợ mình trượt tốt nghiệp vì Toán và tiếng Anh không đủ điểm”, Thư chia sẻ.

Lê Anh Thư, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Biên Hoà (Hà Nam). Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Lê Anh Thư, học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Biên Hoà (Hà Nam). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nếu không phải thi THPT quốc gia, Thư sẽ loại bỏ được áp lực học lệch, thiếu thời gian ôn tập nhiều môn cùng lúc. Thay vào đó, em có thêm thời gian tập trung luyện tập hai bài vẽ năng khiếu – môn thi bắt buộc vào một số ngành của Đại học Kiến trúc Hà Nội. “Em mong Bộ sớm công bố phương án chính thức để học sinh đủ thời gian xây dựng hoặc thay đổi kế hoạch của cá nhân”, Thư nói.

Với nguyện vọng học ngành Quản trị khách sạn, Đại học Tài chính – Marketing, Phạm Thị Mỹ Hiền, học sinh lớp 12 trường THCS – THPT Đào Duy Anh, TP HCM muốn thi THPT quốc gia. Bởi nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho xét tuyển tốt nghiệp, các trường đại học có thể tổ chức kỳ thi hoặc những phương án tuyển sinh riêng, việc vào đại học sẽ thêm phức tạp.

Từ hè năm ngoái đến nay, nữ sinh đã tập trung ôn tập theo định hướng kỳ thi THPT quốc gia, nên sự thay đổi về thời gian thi hoặc độ khó dễ của đề không phải là vấn đề lớn. Hiền chỉ lo cho kỳ thi THPT quốc gia dự kiến tổ chức vào tháng 8, khi chưa học được nhiều chương trình học kỳ II. Nghỉ dài ngày vì dịch bệnh, nữ sinh bồn chồn vì không hình dung được kỳ thi tới như thế nào, có sự thay đổi trong phút chót hay không.

Học cùng trường với Hiền, Nguyễn Văn Thùy Hân cũng chọn phương án thi THPT quốc gia vì cho rằng kỳ thi sẽ tạo sự công bằng, đánh giá đúng thực lực học sinh, giúp các trường đại học lựa chọn chuẩn xác. “Nếu xét tốt nghiệp thì sẽ lấy kết quả cả quá trình học, có những năm chúng em chưa tập trung do ham chơi, phong độ thất thường, kết quả không như ý muốn”, Hân giải thích.

Từ sau Tết Nguyên đán, nữ sinh nội trú trường Đào Duy Anh ở nhà ôn bài, học từ xa tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Mỗi ngày, Hân dành 1,5-2 tiếng luyện đề thi THPT quốc gia sau các giờ học online. Năm nay, nữ sinh muốn vào Kiểm toán trường Đại học Mở TP HCM – ngành có điểm chuẩn 18-22 những năm trước.

Dù muốn được thi, Hân có chút lo âu bởi đề minh họa THPT quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hồi đầu tháng không nhẹ hơn so với mọi năm. Trong khi đó, việc học online được thầy cô tâm huyết đầu tư nhưng hiệu quả không thể bằng việc học trên trường.

“Nhiều bạn vùng xa ở quê cũng không có điều kiện học trực tuyến như em, việc tiếp thu kiến thức hạn chế hơn. Em nghĩ nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi thì cần ra đề gọn nhẹ, bám sát chương trình hơn để tạo sự công bằng cho học sinh mọi miền”, Hân nói.

Nguyễn Văn Thuỳ Hân, học sinh lớp 12 trường THCS - THPT Đào Duy Anh (TP HCM) học trực tuyến tại nhà ở Lâm Đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Văn Thuỳ Hân, học sinh lớp 12 trường THCS – THPT Đào Duy Anh (TP HCM) học trực tuyến tại nhà ở Lâm Đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi năm có khoảng 900.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Thí sinh sẽ dự thi ba bài độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và lựa chọn một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân).

Năm nay, học sinh mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19, hiện phải học từ xa (online, truyền hình). Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8 và Bộ sẽ xem xét giảm môn thi và giảm nhẹ yêu cầu với học sinh.

Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục.

Mạnh Tùng – Thanh Hằng/VNE

Bài mới
Đọc nhiều