Nhiều hàng hóa của Việt Nam bị bôi nhọ gây khó khăn cho xuất khẩu
Dù đạt tăng trưởng xuất khẩu đạt 7,5% trong 7 tháng qua, nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn chỉ ra những khó khăn cho hoạt động XK cuối năm 2019.
Tại cuộc họp về tình hình quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu 7 tháng của năm 2019 vừa diễn ra, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đạt được, trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018; Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu, với mức thặng dư thương mại 7 tháng là 1,79 tỷ USD)… Song, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.
Ngay từ đầu năm 2019, nhận định tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước, Bộ Công Thương đã đưa ra kịch bản tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 ở mức “khiêm tốn”, chỉ 7% – 8% so với kết quả tăng trưởng cao của năm 2018. Việc đạt tăng trưởng xuất khẩu đạt 7,5% trong 7 tháng qua được cho rằng đã thành công và kết quả “khá sát với dự báo”.
Tuy nhiên, để có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu trị giá hơn 260 tỷ USD cho cả năm nay, bình quân mỗi tháng còn lại xuất khẩu phải đạt hơn 23 tỷ USD. “Đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018” (là thời điểm rất thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, trong khi hiện nay, tình hình kinh tế, thương mại thế giới đang suy giảm) – đó là khẳng định của ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu Bộ Công Thương.
Mặc dù xuất khẩu sang các thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt (Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN); một số thị trường mới trong CPTPP cũng có mức tăng tốt; Những mặt hàng chủ lực đều tăng cao… Song, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (XNK) cũng lưu ý kim ngạch xuất khẩu sang 2 thị trường lớn của Việt Nam là Trung Quốc thì tăng quá thấp còn EU thì sụt giảm.
Cùng với sức mua của thị trường khu vực EU giảm thì nguyên nhân quan trọng được ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) chỉ ra là do hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU ngày càng được kiểm soát chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng. Do vậy, để gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này, ông Phú cho rằng, các doanh nghiệp nên tập trung khai thác các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như thực phẩm chế biến, nông sản hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu.
“Chúng ta sẽ cần phải có các hình thức xúc tiến xuất khẩu mới, theo hướng hỗ trợ cho các đối tượng xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu, các ngành hàng xuất khẩu theo hướng xây dựng thương hiệu và tiếp cận các biện pháp xúc tiến…
Cụ thể, như với Hà Lan, Phần Lan…, Cục đã tìm ra 1 số ngành hàng, sản phẩm cụ thể như thực phẩm hữu cơ, đồ gỗ chế biến, nông sản chế biến… rồi tìm ra các đối tác, sau đó tạo điều kiện để cùng với các cơ quan xúc tiên của các nước đó, cùng các đối tác 2 bên gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ trong trường hợp cần thiết” – ông Phú chia sẻ.
Đại diện Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều khó khăn doanh nghiệp cần lưu ý trong hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm, trong đó có việc các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành truy suất nguồn gốc; EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam; hình ảnh cá tra của Việt Nam bị bôi nhọ ở một số nước Nam Âu; Nhiều nước gia tăng sản lượng sản xuất cá tra…
Thông tin từ ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại về xu hướng phòng vệ thương mại tăng lên rất nhanh 7 tháng qua, đáng lưu ý, số lượng vụ bảo hộ được cho là tăng cao nhất trong lịch sử: “7 tháng đầu năm tần xuất các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM) duy trì mức cao, trung bình mỗi tháng có thêm 1 biện pháp mới.
Hiện Bộ Công Thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc PVTM khởi xướng điều tra trong 7 tháng đầu năm, bên cạnh đó còn 7 biện pháp mà các nước đã khởi xướng từ năm 2018 và đang tiếp tục điều tra, 4 biện pháp đang rà soát, trong đó có những biện pháp áp dụng đối với những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam như cá tra, tôm… Tổng cộng chúng ta đang xử lý gần 20 biện pháp cùng với trên 100 biện pháp PVTM mà các nước áp dụng trước đó với hàng XK của Việt Nam”.
Trước những thông tin về việc xuất hiện chứng nhận xuất xứ C/O giả, gian lận thương mại, khó khăn thách thức gia tăng… Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu cần sớm hoàn thiện Đề án phòng vệ thương mại, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong Bộ cũng như giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ: “Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương chúng ta phải có các kịch bản cho tăng trưởng. Chúng ta phải liên tục xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho từng quý và cho từng tháng, từng thời điểm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của cả năm.
Phải chủ động nghiên cứu từ công tác phối hợp với các đơn vị trong bộ cũng như công tác điều hành để xây dựng các kịch bản tăng trưởng cho XNK trong 5 tháng còn lại ở các thị trường và các ngành hàng. Rà kỹ từng thị trường, trên tất cả các ngành hàng chủ lực của chúng ta đầu tiên để xem xét khả năng, năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh… để dẫn đến cơ hội và khả năng tăng trưởng những tháng cuối năm”.
Cùng với việc chủ động tiếp tục kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, người đứng đầu Bộ Công thương cũng yêu cầu tập trung xây dựng Đề án Phòng chống gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trong hoạt động cấp C/O nhằm ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa; Thành lập đoàn kiểm tra tình hình thực hiện cấp và quản lý cấp C/O ưu đãi…/.
(Theo VOV)