Nhiều doanh nghiệp Nhật muốn chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam
Thị trường Việt Nam đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư kinh doanh tham vọng, phù hợp với các chiến lược tái cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản.
Ngày 7-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các doanh nghiệp Nhật Bản. Tham dự có một số lãnh đạo bộ ngành, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và các tổ chức kinh tế của Nhật Bản.
Thị trường đủ lớn cho doanh nghiệp đầu tư
Đánh giá cao Chính phủ Nhật Bản và những đóng góp to lớn của ngài Abe Shinzo trong phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước trong thời gian qua, Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh nhưng Chính phủ Nhật Bản đã kịp thời đưa ra quyết sách hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài.
Đáng chú ý, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản nhận được hỗ trợ đợt đầu có đến 15 doanh nghiệp mong muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ luôn đánh giá cao vai trò cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, những nhà đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm, làm ăn kinh doanh có hiệu quả, đóng góp vào ngân sách, chú trọng bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống người lao động.
Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư PPP với nhiều điểm mới, minh bạch, thuận lợi, ưu đãi đầu tư… Đặc biệt, các cam kết FTA tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, có môi trường đầu tư theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến.
“Thị trường Việt Nam đủ lớn cho các kế hoạch đầu tư kinh doanh tham vọng, phù hợp với các chiến lược tái cấu trúc, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản” – Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo mở lại các chuyến bay thương mại tới một số nơi có hệ số an toàn cao, trong đó có Nhật Bản, với quy trình nhập cảnh rút gọn, thuận lợi.
Theo đại sứ Nhật Bản Yamada Takio, kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng vô cùng nhanh chóng và cũng khẳng định vị thế của mình ở trên trường quốc tế. Mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ngày càng trở nên sâu sắc hơn và đặc biệt cuộc điện đàm giữa thủ tướng hai nước trong tháng này đã minh chứng mối quan hệ tin cậy mật thiết ở cấp cao.
Mở rộng cơ chế ưu đãi đầu tư
Trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, đại sứ đánh giá Việt Nam đã cho thấy những năng lực quản lý rủi ro ưu việt, nên đang được hưởng thụ trực tiếp lợi thế từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Có thể nói các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm nhiều đến Việt Nam, một nơi đầu tư trong điều kiện bình thường mới hậu COVID-19”, đại sứ nói và cho biết khảo sát của JETRO cho thấy nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang xem xét chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
Đại diện JCCI đề xuất tạo cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp với đặc điểm của ngành sản xuất, chế tạo của Nhật Bản, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng theo phương thức PPP, cho phép doanh nghiệp Nhật Bản góp vốn vào các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam.
Đồng thời mở rộng hơn nữa cơ chế ưu đãi cho các công nghệ tiên tiến cũng như các doanh nghiệp mở rộng đầu tư với quy mô lớn, xây dựng cơ chế ưu đãi cho một chuỗi sản xuất chứ không chỉ cho một doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền, không được để chậm trễ. Đồng thời khẳng định tạo mọi điều kiện để việc mở rộng đầu tư của 15 doanh nghiệp Nhật Bản trong đợt đầu tiên được triển khai thuận lợi nhất cũng như chuẩn bị tốt hơn nữa cho các đợt đầu tư tiếp theo.
Các lĩnh vực hợp tác đầu tư
Các doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra nhiều vấn đề trong hợp tác đầu tư tại Việt Nam như nguồn nhân lực, phát triển một số lĩnh vực mới, công nghiệp hỗ trợ, về nghiên cứu và phát triển…
Trong khi đó, Việt Nam mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo cũng như tham gia đối tác chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam.
NGỌC AN/TTO