Nhiều doanh nghiệp chưa chịu giảm giá thịt lợn
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có động thái yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đến 75.000 đồng/kg, giá lợn hơi ở khu vực miền bắc đã có dấu hiệu giảm nhẹ.
Giá lợn hơi dao động 82.000 – 85.000 đồng/kg
Nếu như giá lợn hơi tại một số tỉnh phía bắc như: Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên…, ngày 13-3 còn đạt 88.000 – 90.000 đồng/kg thì đến hôm nay 16-3 đã giảm xuống còn khoảng 82.000 – 85.000 đồng/kg.
So với các tỉnh miền bắc, giá lợn hơi hôm nay ở các tỉnh miền trung ít có biến động. Như tuần trước, khi những ca bệnh mắc Covid-19 mới xuất hiện ở Hà Nội, giá lợn hơi ở Nghệ An bất ngờ nhảy vọt, đạt mức 85.000 – 90.000 đồng/kg. Hiện, giá lợn hơi ở Nghệ An, Thanh Hóa đã hạ nhiệt, dao động quanh mức 82.000 – 84.000 đồng/kg; Bình Định tăng lên 80.000 đồng/kg; Quảng Nam khoảng 78.000 đồng/kg.
Tại miền nam, giá lợn hơi hôm nay vẫn khá ổn định ở mức cao, dù Bộ NN-PTNT đã có chủ trương phải giảm giá lợn hơi xuống. Nhiều chủ trại tại Đồng Nai cho biết, hiện giá lợn hơi tại chuồng đang ở mức bình quân 80.000 – 82.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng lên tới 84.000 đ/kg.
Nhiều thương lái nhận định, rất có thể trong tuần này, giá lợn hơi sẽ có biến động mạnh theo chiều hướng giảm.
Ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: Sau cuộc họp trực tuyến ngày 12-3, giá lợn hơi đã giảm xuống còn 82.000 – 84.000 đồng/kg, giảm từ 3-5 giá so với giá của 10 ngày trước đây.
“Nếu trong 10 ngày tới, giá lợn vẫn ở mức giảm như vậy, HTX chúng tôi sẽ điều chỉnh giá xuống. Trong bối cảnh dịch Covid-19, nguồn thịt của HTX chỉ biến động trong ba ngày từ 7 đến 9-3, đến nay giá thịt đã trở lại bình thường. Với mức chiều hướng như hiện tại có thể trong những ngày tới giá lợn còn tiếp tục giảm xuống khoảng 80.000 đồng/kg”, ông Tường nói.
Vẫn còn doanh nghiệp “hững hờ” với việc giảm giá
Trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, ngày 16-3, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết: Bộ đang nỗ lực để giảm giá thịt lợn xuống mức 70.000-75.000 đồng/kg như chủ trương tại cuộc họp ngày 12-3 vừa qua. Tuy nhiên, ông Trọng cũng chia sẻ, hiện tại mới chỉ có một số doanh nghiệp là đồng ý giảm giả thịt lợn, vẫn còn một lượng lớn số doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức giá cao tạo ra sự chênh lệch về giá giữa các doanh nghiệp với nhau.
“Thí dụ, tuần vừa rồi, có những doanh nghiệp chỉ bán giá 75.000/kg nhưng cũng có doanh nghiệp bán đến 85.000 đồng/kg. Sự chênh lệch giá quá lớn giữa các doanh nghiệp cũng là một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp có thiện chí giảm giá theo chủ trương của Bộ. Ngoài ra, có những doanh nghiệp cả tuần nay không xuất ra một con lợn nào, thay vì việc xuất chuồng để gây giống mới, các doanh nghiệp này chọn phương án giữ lợn lại để nuôi to hơn nhằm thu lãi cao hơn. Tất cả những tính toán của các doanh nghiệp như vậy trong giai đoạn hiện nay đều gây ra khó khăn trong việc giảm giá lợn ở thời điểm hiện tại”, ông Trọng nói.
Về những giải pháp trước mắt ông Trọng cho biết, trong tuần này Bộ tiếp tục họp cùng với các doanh nghiệp để yêu cầu các doanh nghiệp cùng chung sức, đồng lòng giảm giá thịt lợn xuống mức đã đưa ra. Nếu các doanh nghiệp không ủng hộ thì sẽ tính đến các phương án nhập thịt từ Campuchia và một số nước khác. Bên cạnh đó, Bộ đã có văn bản gửi các tỉnh để yêu cầu các địa phương hết dịch đủ điều kiện an toàn sinh học thì phải công bố hết dịch để người dân yên tâm tái đàn. Khuyến khích cơ sở sản xuất đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học ngoài viêc tái đàn thì phải tăng đàn để duy trì sản xuất.
Đối với việc tái đàn, ông Trọng cũng cho biết, hiện nay có một số doanh nghiệp lớn như CP, Dabaco… đã làm rất tốt công tác tái đàn và duy trì sản xuất. Tuy nhiên, đối với các nông hộ thì việc tái đàn cũng không hề dễ dàng.
“Đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, lợn chết chủ yếu là ở các nông hộ. Sau đợt dịch phần lớn vốn của người dân cũng đã bị cạn kiệt. Trong khi đó, giá lợn giống hiện tại lại khá cao khoảng 2,5 đến 3 triệu đồng/con giống nên nhiều chủ trang trại không có đủ vốn để tái đàn. Giá lợn cao, kèm theo tâm lý sợ không đủ điều kiện để chăm sóc tốt đàn nuôi sẽ dẫn tới dịch bệnh nên nhiều chủ trại vẫn treo chuồng chưa vội tái đàn ở thời điểm hiện tại’, ông Trọng nói.
Thanh Trà/ NDĐT