Nhiều công ty ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc, một số chọn Việt Nam
Để đối phó với thuế quan của chính phủ Mỹ, các công ty đã thực hiện “di dân” từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc đang cố gắng giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài bằng cách hứa hẹn nhiều đặc quyền, bao gồm mức thuế hấp dẫn.
Rời khỏi Trung Quốc là giải pháp bền vững
Trong suốt một năm cuộc chiến thương mại Mỹ Trung diễn ra, hơn 50 công ty toàn cầu, bao gồm Apple và Nintendo, đã công bố kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới.
“Chúng tôi buộc phải chọn biện pháp bền vững để tránh rủi ro thuế quan, đồng thời đáp ứng những điều kiện thương mại của chính phủ Mỹ”, CEO Dynabook Kiyofumi Kakudo, cho biết.
Dynabook là đơn vị sản xuất máy tính thuộc tập đoàn Sharp. Công ty này đang xem xét kế hoạch di dời nhà máy đến Việt Nam để đáp ứng những quy tắc thương mại của Mỹ.
Đa số thiết bị Dynamic đều được sản xuất ở Trung Quốc, trong một nhà máy tại Hàng Châu, cách Thượng Hải 175 km. “Mặc dù đợt thuế quan thứ tư của Mỹ đã tạm thời bị hoãn, chúng tôi không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra”, Kakudo nói.
Apple đã kêu gọi các đơn vị gia công chuyển 15%-30% sản lượng iPhone khỏi Trung Quốc. Hôm thứ tư 17/7, trang Nikkei Asian Review cho biết công ty đã thử nghiệm sản xuất tai nghe AirPods tại Việt Nam.
HP và Dell, những nhà sản xuất PC hàng đầu, cũng nghĩ đến việc chuyển 30% sản lượng máy tính xách tay sang khu vực Đông Nam Á. Công ty Nhật Bản Nintendo đã chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy sản xuất hệ thống trò chơi Switch.
Nỗ lực từ Trung Quốc
Những động thái này có thể bóp nghẹt nền công nghiệp sản xuất tại Trung Quốc. Để giảm thiểu thiệt hại, Bắc Kinh đang trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Tesla là một trong những công ty được chính phủ Trung Quốc “chăm bẵm” nhất. Nhà sản xuất xe điện đang vận chuyển máy móc vào bản doanh mới ở Thượng Hải nơi vừa được khởi công đầu năm nay và sẽ chính thức hoạt động tháng tới.
Một số nguồn tin cho biết Tesla đã được chính quyền địa phương đề nghị chiết khấu và những khoản vay lãi suất thấp.
Trung Quốc đã dần mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài từ năm 2018, khi cuộc chiến thương mại với Mỹ bắt đầu căng thẳng. Mức đầu tư trực tiếp vào quốc gia này đã tăng 3,5% và đạt 70,7 tỷ USD trong nửa tháng đầu năm.
Tại nhà máy chính của UE Furniture, cách Thượng Hải khoảng 200 km về phía tây, các nhân viên bắt đầu rời công ty lúc 4h30 chiều.
“Chúng tôi không còn làm thêm giờ vì thuế quan”, một người cho biết. UE Furniture đã quyết định xây dựng nhà máy tại Việt Nam để tránh các quy định thương mại từ chính phủ Mỹ.
Tình hình kinh tế đất nước cũng đang trở thành mối lo ngại với những nhà lãnh đạo Trung Quốc. Một nhóm đặc thù đã được thành lập giúp nâng cao tay nghề cho nhân công, sử dụng nguồn tiền thừa từ bảo hiểm nhà nước để tăng cường các chương trình đào tạo nghề.
Tiến thoái lưỡng nan
Căng thẳng thương mại đang bắt đầu biểu hiện ở dòng vốn và hàng hóa. Trong 5 tháng đầu năm 2019, lượng xuất khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 12% giá trị. Trong khi đó, những sản phẩm Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan lại có mức tăng 2 con số.
Đứng giữa hai đầu cuộc chiến, nhiều công ty đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Trong khi tìm kiếm đơn vị cung ứng thay thế ở Mỹ, các doanh nghiệp vẫn duy trì nhà máy ở Trung Quốc cho thị trường nội địa. Từ đó, một chuỗi cung ứng kép được thiết lập.
Yuji Miura, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản, đánh giá khả năng “thị trường thế giới phân chia thành 2 mảng trong và ngoài Trung Quốc” đang tăng lên.
“Decoupling” khái niệm về mối quan hệ ràng buộc giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng sự phân chia nền kinh tế thế giới thành những khối thù địch cũng dần trở nên thực tế hơn.
Để thực hiện quá trình rời bỏ Trung Quốc, các công ty phải đối mặt với mức chi phí cao. Quanta Computer, đơn vị gia công MacBook, đang bắt đầu chuyển một số hoạt động sản xuất sang Đài Loan.
“Các cuộc đàm phán với khách hàng sẽ rất khó khăn, công ty không thể làm giảm thêm khoản lợi nhuận vốn đã thấp của mình”, CEO Barry Lam nói.
Một nhà sản xuất Nhật Bản khác đã thực hiện di dời sang khu vực Đông Nam Á, nhưng vì địa điểm mới không có chuỗi cung ứng rộng như Trung Quốc, công ty này phải vận chuyển toàn bộ máy móc để thiết lập mạng lưới thương mại của mình.
Từ tháng 7/2018, chính phủ Mỹ đã áp dụng 3 đợt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Mặc dù đợt thuế thứ tư đang được hoãn, các công ty vẫn phải chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất.
Cơ hội cho Việt Nam
Phần lớn lựa chọn về địa điểm mới đều ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam nơi đang trở thành nhà của nhiều công ty điện tử. Quốc gia này cũng sở hữu lợi thế nguồn cung ứng vì có chung biên giới đường bộ với Trung Quốc.
Công ty Kyocera của Nhật Bản đang lên kế hoạch chuyển việc lắp ráp máy in sang Việt Nam. Trong khi nhà sản xuất điện tử TCL sẽ xây dựng nhà máy TV tại đây.
Ngoài ra, các công ty quốc tế cũng dời nhà máy về nước để tận dụng mạng lưới mua sắm có sẵn. Komatsu đã chuyển phần lớn sản lượng phụ tùng thiết bị xây dựng sang Nhật Bản. Các công ty Mỹ cũng đang nỗ lực nâng cao năng suất bằng cách thúc đẩy số hóa và tự động hóa.
(Theo Nikkei/ Zing)
(Theo Vietnamnet)