+
Aa
-
like
comment

Nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ được áp dụng trong đợt dịch thứ 4

18/10/2021 11:08

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ được áp dụng trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của biến thể Delta.

Nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ được áp dụng trong đợt dịch thứ 4.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vắc xin, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực.

Theo Bộ trưởng Y tế, việc áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp giám sát, truy vết nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh, các biện pháp tổ chức cách ly được điều chỉnh, cập nhật theo diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly của từng địa bàn. Nhiều biện pháp cách ly lần đầu tiên được triển khai trong phòng, chống dịch tại nước ta.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Các địa phương đã từng bước tăng cường năng lực xét nghiệm. Huy động, điều phối hiệu quả các lực lượng hỗ trợ từ các địa phương; kết hợp hiệu quả phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT- PCR; thực hiện việc gộp mẫu (gộp 5, gộp 10…) để làm tăng tốc độ xét nghiệm và giảm chi phí; chủ động tầm soát lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ cao.

Bài học đó được đúc kết tại các địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Nam Định, Khánh Hòa, Đồng Tháp, TP HCM (Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ).

Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, ngành y tế đã tập trung toàn lực để điều trị giảm tử vong, thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến; phân tầng điều trị; trang bị hệ thống oxy y tế, huy động sự tham gia của y tế tư nhân.

Đặc biệt, thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị tại nhà, kết hợp Đông – Tây y.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vắc xin đã phát huy hiệu quả, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch.

Mặc dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vắc xin của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vắc xin COVID-19 và tiêm được hơn 61 triệu liều. Đến ngày 16/10/2021, đã có 60,2% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và 24,7% đã tiêm đủ liều.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bài mới
Đọc nhiều