Nhiều băn khoăn khi chuyển cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi chuyển cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công.
Thảo luận tại hội trường về việc chuyển 3/8 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí ở tính cần thiết của việc có một tuyến cao tốc nối 2 đầu đất nước, nhưng không ít ý kiến bày tỏ băn khoăn về cách làm.
Nhiều đại biểu (ĐB) đặc biệt băn khoăn việc 3 năm trước Chính phủ thuyết minh tính khả thi của việc đầu tư các dự án này theo hình thức PPP (đầu tư theo phương thức công – tư) rất thuyết phục, nay giải trình về việc phải chuyển sang đầu tư công… cũng rất thuyết phục.
Lo gia tăng nợ công
ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đặt vấn đề: “Việc kêu gọi đầu tư PPP thế nào chưa được làm rõ. Nỗ lực của Bộ GTVT, của Chính phủ trong triển khai PPP tôi mới chỉ thấy trong tờ trình, nên muốn làm rõ hơn vấn đề này”. Theo ông Phong, nếu đồng ý với chủ trương này sẽ làm gia tăng nợ công, mất cân đối trong điều hành ngân sách trung hạn. Nghị quyết của Quốc hội (QH) cũng sẽ không được thực hiện nghiêm; hậu quả pháp lý cũng chuyển sang QH gánh chịu, trong khi trách nhiệm của Chính phủ chưa được đánh giá.
Nếu như ngay từ đầu (tức vào năm 2017) mà quyết định đầu tư công, thì đến nay cao tốc Bắc – Nam đã gần xong, chứ Quốc hội không phải ngồi bàn đầu tư dự án này theo hình thức gì?
ĐB Hoàng Quang Hàm
ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chỉ ra một vấn đề quan trọng mà có thể nhiều người không để ý, là tuy Chính phủ chỉ xin chuyển đổi 3/8 dự án sang đầu tư công, nhưng thực chất là chuyển đổi thêm 267 km, chiếm 40,8% tổng chiều dài toàn dự án. Tỷ trọng đầu tư theo hình thức PPP của dự án, theo đó, cũng chỉ còn 40%, thay vì 81% như mục tiêu ban đầu. Kêu gọi đầu tư từ xã hội chỉ còn khoảng 22% và 78% sẽ đầu tư bằng ngân sách.
“Nếu như ngay từ đầu (tức vào năm 2017) mà quyết định đầu tư công, thì đến nay cao tốc Bắc – Nam đã gần xong, chứ QH không phải ngồi bàn đầu tư dự án này theo hình thức gì”, ĐB Hàm nêu quan điểm và đề nghị QH cần chấn chỉnh lại khâu dự báo, chuẩn bị đầu tư và nghiêm túc đánh giá lại những nhiệm vụ cần làm để có giải pháp thu hút vốn đầu tư của xã hội, triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thì đề nghị khi thông qua luật Đầu tư theo phương thức PPP lần này, cần phải quy định rất rõ trách nhiệm trong đảm bảo tính khả thi của việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đối với các tổ chức, cá nhân đề xuất dự án, thẩm định dự án, quyết định dự án, và việc chuyển đổi chỉ thực hiện trong trường hợp bất khả kháng.
Chưa thấy phương án thu hồi vốn
Về nguồn vốn bố trí cho dự án, ĐB Hoàng Quang Hàm đánh giá báo cáo của Chính phủ cho rằng vốn đã bố trí giai đoạn 2016 – 2020 là 55.000 tỉ đồng, chỉ cần bổ sung 23.000 tỉ đồng để hoàn thành dự án là “có sự nhầm lẫn” về kế hoạch trung hạn với dự toán có thể bố trí được hằng năm.
“Kế hoạch trung hạn là cam kết chi, không phải tiền thật. Dự toán hằng năm mới là tiền thật bố trí được, phụ thuộc vào nguồn thu, cân đối ngân sách và tiến độ thực hiện dự án”, ĐB nhấn mạnh và nêu rõ mặc dù kế hoạch trung hạn đã cam kết bố trí 55.000 tỉ đồng, nhưng dự án triển khai chậm, nên đến hết 2020, tiền thực mới bố trí được 16.000 tỉ đồng, còn thiếu 38.000 tỉ đồng, cộng với 23.000 tỉ đồng bổ sung, thì tổng cộng dự án còn cần 62.000 tỉ đồng để hoàn thành và cơ bản sẽ chuyển sang giai đoạn sau 2021 – 2025 mới có thể bố trí được.
“Giả sử theo thuyết minh của Chính phủ, có thể giải ngân thêm được 7.000 tỉ đồng trong năm nay, thì vẫn phải chuyển giai đoạn sau 53.000 tỉ đồng, và để có 7.000 tỉ đồng đó sẽ phải cắt giảm kế hoạch của các dự án đang triển khai, vì dự toán 2020 đã chia xong hoặc phải xin QH tăng bội chi”, ĐB Hàm, cũng là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, phân tích và nhấn mạnh QH cần xác định ngân sách còn phải bố trí bao nhiêu tiền, chuyển sang giai đoạn sau bố trí bao nhiêu tiền, vì điều này hết sức cần thiết để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và bảo đảm cân đối ngân sách.
Ngoài ra, ĐB Hàm cũng nêu việc báo cáo của Chính phủ chưa đưa ra cụ thể phương án thu hồi vốn của các dự án chuyển đổi sang đầu tư công. Thực chất, hiện nay các dự án đầu tư công của ngân sách T.Ư chủ yếu thực hiện bằng nguồn vốn vay, nên Chính phủ cần có phương án thu phí không chỉ đối với các dự án này, mà còn cả các dự án đầu tư công khác thực hiện bằng nguồn vốn vay. Tuy nhiên, phương án thu phí phải tính toán kỹ để phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, khả năng chi trả của người dân.
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), thành viên Ủy ban Thẩm tra dự án, ngay từ đầu vẫn kiên trì quan điểm cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa đủ thuyết phục. ĐB cho rằng thay vì 2 dự án có giá trị thương mại cao nhất trong các dự án là Mai Sơn – QL45 và Phan Thiết – Dầu Giây, QH nên chuyển sang đầu tư công 2 dự án khó thu hút vốn đầu tư tư nhân hơn là QL45 – Nghi Sơn và Nghi Sơn – Diễn Châu. ĐB Sinh đề nghị trước khi thông qua nghị quyết, QH nên lấy ý kiến của ĐB về vấn đề này.
Đáng chú ý, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đặt câu hỏi về việc làm báo cáo nghiên cứu khả thi, chủ trương đầu tư dự án có độ chính xác đến mức nào, tính khả thi đến đâu và đề nghị rút ra bài học.
Dự án chậm vì phải làm đúng quy định của pháp luật
Giải trình về ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết từ tháng 11.2017, khi được QH thông qua chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan đã rất tích cực.
“Xuyên suốt trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT nói riêng, các bộ, ngành nói chung và Thủ tướng Chính phủ đã tập trung cao độ, phải làm sao khẩn trương thực hiện dự án. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện theo luật Đầu tư và theo các quy định của pháp luật. Đặc biệt, đây là dự án trọng điểm quốc gia, chúng tôi cũng xác định sẽ thanh tra, kiểm toán, thậm chí là điều tra. Do đó, chúng tôi phải làm đúng quy định của pháp luật. Xin báo cáo chậm là lý do như vậy”, Bộ trưởng Thể nói.
V.H – L.H/TN