+
Aa
-
like
comment

Nhiệm vụ gắn kết nước Mỹ với đồng minh, thiết lập trật tự thế giới mới thông qua AUKUS

Bảo Trâm - 19/09/2021 10:26

Trang Guardian của Anh vừa có bài viết nhận định việc ký kết Hiệp định mới giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) sẽ giúp gắn kết Mỹ với cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu trong bối cảnh NATO đang dần mất đi tầm quan trọng. Qua đó xây dựng nên một trật tự thế giới mới

Ngay sau khi được công bố hôm 15/9, liên minh mới giữa Mỹ, Anh và Australia phải đón nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các chính trị gia trên thế giới.

Phản ứng mạnh mẽ nhất đến từ nước Pháp. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp gọi đây là “cú đâm từ sau lưng”, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly tuyên bố thỏa thuận là “một sự thất vọng lớn”, theo Guardian.

AUKUS cũng phải đối mặt với sự lo ngại đến từ bên trong các nước thành viên. Trước quốc hội Anh, cựu Thủ tướng Theresa May bày tỏ quan ngại về khả năng Anh bị kéo vào một cuộc chiến tranh về vấn đề Đài Loan trong tương lai.

Gắn kết nước Mỹ

Trong khi đó, phản ứng từ Trung Quốc khá nhẹ nhàng. Như thường lệ, cơ quan ngoại giao nước này chỉ trích phương Tây “suy nghĩ theo kiểu Chiến tranh Lạnh”, cũng như cảnh báo các cường quốc bên ngoài không can thiệp vào khu vực và khẳng định Trung Quốc sẽ “theo dõi sát sao tình hình”. Đây là những gì Trung Quốc vẫn nói trong thời gian qua.

hiep dinh aukus anh 1
Hiệp định AUKUS sẽ giúp Australia có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ảnh: New York Times.

Trên thực tế, nội dung của AUKUS không phải là điều quan trọng nhất của hiệp định này. Một số nhà quan sát gọi nhầm đây là “thỏa thuận hạt nhân”, trong khi nó chỉ có điều khoản đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, hoàn toàn không có khả năng mang vũ khí hạt nhân như nhiều người lầm tưởng.

Điều quan trọng hơn là AUKUS tiết lộ tư duy của các nước thành viên về các vấn đề khu vực. Đối với phương Tây, hiệp định này cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nối bước cựu Tổng thống Donald Trump: đặt lợi ích quốc gia của Mỹ lên trên hết.

Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định AUKUS sẽ tồn tại “trong nhiều thập kỷ”. Do đó, thỏa thuận sẽ gắn Mỹ vào cơ cấu an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai, dù người đứng đầu Nhà Trắng có là ai đi chăng nữa.

Bên cạnh đó, AUKUS cũng gắn Mỹ vào an ninh châu Âu trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên ít quan trọng hơn.

Hiện tại, nước Pháp đang tức giận vì mất đi bản hợp đồng tàu ngầm với Australia. Tuy vậy, khi trật tự an ninh châu Âu mới được hình thành với các trụ cột là Anh, Pháp (và có thể là một quân đội chung của EU), AUKUS sẽ giúp trật tự này thêm ổn định khi gắn Mỹ với một cường quốc châu Âu (dù Anh không còn là thành viên EU).

hiep dinh aukus anh 2
Dù nhận được phản ứng tiêu cực ban đầu của Pháp, AUKUS có thể gắn kết Mỹ với châu Âu trong tương lai. Ảnh: BBC.

Cơ cấu an ninh thế giới hiện nay không còn mang tính lưỡng cực như xưa. Thay vào đó, theo Guardian, một trật tự thế giới tự do hơn đang định hình với sự xuất hiện của các cơ chế “tiểu đa phương”, trong đó từng nhóm nhỏ quốc gia sẽ giải quyết các vấn đề khác nhau trên thế giới.

Nhóm Bộ Tứ giữa Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ là ví dụ điển hình nhất cho kiểu hợp tác này. AUKUS có thể là ví dụ tiếp theo.

Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc dường như hiểu điều này. Do đó, phản ứng của họ có vẻ nửa vời. Trung Quốc sẽ không đặc biệt lo ngại đến AUKUS, khi trong khu vực đã tồn tại nhiều liên minh quân sự của Mỹ và phương Tây.

Thách thức thật sự đối với họ là việc có quá ít quốc gia trong khu vực phàn nàn về hiệp định mới. Singapore, quốc gia có chính sách cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí bày tỏ kỳ vọng AUKUS sẽ “bổ sung cho cấu trúc khu vực”.

Do đó, điều Trung Quốc chưa làm được trong hai thập kỷ qua không phải là đẩy Mỹ khỏi khu vực. Đó là việc nước này chưa thể thuyết phục các quốc gia trong khu vực rằng việc Mỹ rời đi là một điều tốt.

Tuy vậy, AUKUS vẫn có một “gót chân Achilles”. Đó là vấn đề thương mại. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của gần như toàn bộ quốc gia trong khu vực, cũng như là thành viên của hầu hết khối thương mại lớn, trừ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

hiep dinh aukus anh 3
Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Ảnh: NIkkei Asia.

Hôm 16/9, chỉ một ngày sau khi AUKUS được công bố, Trung Quốc chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Đây có thể là một phần của chiến lược nâng cao vị thế của nước này trong cấu trúc khu vực.

Đây là nước đi thông minh, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. CPTPP có nhiều quy định về tiêu chuẩn thương mại và lao động. Những quy định này cao hơn những gì Trung Quốc đang áp dụng. Dù sao, với quy mô của mình, Trung Quốc sẽ có trọng lượng đáng kể trên bàn đàm phán.

Bên cạnh Trung Quốc, Anh cũng đang trong quá trình xin gia nhập CPTPP. Nếu Anh có thể đóng góp vào việc nâng tiêu chuẩn thương mại và lao động của Trung Quốc trong khi tham gia vào AUKUS, đây sẽ là biểu hiện của một “nước Anh toàn cầu” như Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố.

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia nhập CPTPP cũng có thể kéo Mỹ trở lại. Do đó, AUKUS có thể sẽ mang lại một hệ quả trớ trêu trong quan hệ quốc tế: hai cường quốc hàng đầu thế giới ngày càng chia rẽ về an ninh, nhưng ngày càng phụ thuộc về vấn đề thương mại.

Bảo Trâm (Theo Guardian)

Bài mới
Đọc nhiều