Nhiệm vụ chính của cảnh sát kỵ binh là gì?
Truy bắt tội phạm lẩn trốn ở rừng núi, biên giới, địa hình khó khăn và dẹp bạo loạn… là nhiệm vụ của kỵ binh cảnh sát cơ động.
Sáng 8/6, Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh (Đoàn) gồm 50 ngựa được tuyển chọn, huấn luyện gần nửa năm đã diễu hành, ra mắt đại biểu Quốc hội. Đây là lực lượng mới, được biên chế cho Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) từ ngày 15/1.
Theo Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), giống ngựa được chọn cho Đoàn có sức khỏe tốt, khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngoại hình phù hợp để làm nhiệm vụ triệt phá các băng ổ nhóm tội phạm ở vùng sâu vùng xa, hẻo lánh; những nơi ôtô, môtô không thể chạy được.
Kỵ binh cũng có thể vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, hành quân tới vùng sâu, vùng xa, tham gia cứu hộ, cứu nạn; tham gia các nghi thức Nhà nước, đón nguyên thủ các quốc gia đến Việt Nam nếu được cho phép.
Ngoài ra, kỵ binh sẽ tham gia các cuộc thi, đua ngựa quốc tế để học học, trao đổi kinh nghiệm, phục vụ chiến đấu.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết kỵ kinh còn có thể được điều động làm nhiệm vụ dẹp bạo loạn, giải tán đám đông tương tự một số nước; tuần tra, xuất hiện ở các điểm du lịch, các dịp kỷ niệm, lễ lớn để tạo sự thân thiên của hình ảnh cảnh sát kỵ binh với bạn bè, du khách quốc tế…
Kể từ khi thành lập tới nay, Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh đã thuần dưỡng, huấn luyện, làm chủ được hơn 60 ngựa hoang dã nguồn gốc từ nước ngoài; số ngựa này sinh thêm được 4 ngựa con.
Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh đang huấn luyện và thuần dưỡng ngựa ở Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã huấn luyện thành thục ngựa đi theo nghi thức, từng nhóm 4 đến 10 con hàng ngang, hoặc nối đuôi nhau, chạy, nhảy theo hiệu lệnh…
Đại tá Nguyễn Huy Hạnh, Trưởng Đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh cho biết, với sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài, việc huấn luyện và thuần dưỡng ngựa đến nay đã đạt kết quả tốt; các chiến sĩ đã nắm được các kỹ thuật cơ bản cũng như kỹ năng nâng cao khi đi tuần tra, đấu tranh với tội phạm.
“Chúng tôi đang xây dựng quy chuẩn, quy trình thuần hóa để ngựa phù hợp với các chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự theo yêu cầu thực tế”, đại tá Hạnh thông tin thêm.