Nhiệm kỳ của sự quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Công cuộc PCTN của Đảng ta do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, từng bước kiềm chế, tiến tới ngăn chặn nạn tham nhũng; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, tạo niềm tin đối với quần chúng nhân dân, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, công cuộc PCTN đã được hoạch định rõ bằng việc xây dựng thể chế về quản lý kinh tế – xã hội và PCTN, góp phần hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTN. Quốc hội đã thông qua 18 luật, 20 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 100 nghị định, 119 nghị quyết, 37 quyết định, 33 chỉ thị, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.
Cùng với công tác phòng ngừa, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng (hai Ủy viên Bộ Chính trị), 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính 135.816 tỷ đồng và trên 897ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 98 vụ việc, 121 đối tượng; tập trung hoàn thành thanh tra, kiểm toán các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và các vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; điều tra, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, nhưng cũng rất nhân văn. Năm 2019, Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý 67 vụ án, 55 vụ việc, trong đó khởi tố mới và phục hồi điều tra 19 vụ án; đã kết thúc điều tra 22 vụ án/132 bị can; đã truy tố 21 vụ án/108 bị can; xét xử sơ thẩm 20 vụ án/85 bị cáo; xét xử phúc thẩm 15 vụ án/157 bị cáo; nhất là đã đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Một trong những thành công của công tác phòng, chống tham nhũng là sự công khai, minh bạch thể hiện rõ trong từng vụ việc. Các cơ quan chức năng đã chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, định hướng cung cấp, công khai kết quả và những vấn đề dư luận quan tâm trong xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí. Các cơ quan truyền thông, báo chí đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCTN với nhiều bài viết, chuyên mục, diễn đàn nghiên cứu, trao đổi, phân tích chuyên sâu về PCTN, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Quyết liệt đấu tranh PCTN
Thời gian qua, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hàng loạt vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý. Nhiều cán bộ trung, cao cấp bị Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị xử lý kỷ luật. Hàng loạt những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được điều tra, xét xử như: Vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vinashin; vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc…” xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB); vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố; vụ đưa, nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ…
Một số vụ việc được cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã kết luận, chỉ rõ sai phạm đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Điển hình là vụ việc xử lý kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Mới đây, ngày 17-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Đỗ Công Hiệp (Kế toán trưởng Công ty SADECO), về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; quyết định khởi tố các bị can: Trần Công Thiện, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận và Huỳnh Phước Long, nguyên Trưởng phòng Quản lý – Đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy, về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến sai phạm chuyển nhượng 32ha đất ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án liên quan đến Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng Giám đốc Công ty SADECO.
Trước đó, tháng 11-2018, UBKTTƯ kết luận một số nội dung quan trọng, trong đó có nội dung: Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Theo kết luận tại kỳ họp thứ 31 của UBKTTƯ, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ TP.
UBKTTƯ cũng khẳng định, trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng bốn tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài ra, trong vụ Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (một công ty thuộc sở hữu của Đảng bộ TP) chuyển nhượng hơn 32ha đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai ông Tất Thành Cang cũng có những vi phạm nghiêm trọng.
Những vi phạm của ông Tất Thành Cang, theo UBKTTƯ, là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Nhân dân tin tưởng công cuộc PCTN của Đảng
Khu đất hơn 32ha tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) vốn thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận. Theo quy định, chủ trương chuyển nhượng phải được Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định nhưng ông Tất Thành Cang đã tự quyết, chấp thuận cho Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận quyết định và chịu trách nhiệm việc chuyển nhượng này.
Việc này đã dẫn đến hậu quả Công ty Tân Thuận chuyển nhượng đất giá thấp gây nguy cơ làm thất thoát tài sản của nhà nước. Và việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá là sai quy định pháp luật về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong việc này, UBKTTƯ kết luận ông Tất Thành Cang vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy.
Ngày 4-12-2019, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, TP Hồ Chí Minh, trước thềm kỳ họp HĐND TP. Hồ Chí Minh lần thứ 17 khóa IX nhiều đại biểu bức xúc chất vấn về việc thực hiện kết luận thanh tra về khu đô thị mới Thủ Thiêm; việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (một công ty thuộc sở hữu của Đảng bộ TP) chuyển nhượng hơn 32ha đất tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, cử tri đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Tất Thành Cang trong những vụ việc trên.
Theo đánh giá của UBKTTƯ, vi phạm trong vụ chuyển nhượng 32ha đất công ích của Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho công ty Quốc Cường Gia Lai là vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng.
Đáng chú ý, thông tin ông Nguyễn Quốc Cường rời Quốc Cường Gia Lai vì lý do cá nhân xuất hiện chỉ một ngày sau khi UBKTTƯ ban hành Thông cáo Báo chí kỳ họp 31. Trong đó, có nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Ngày 16-11-2018, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, đã ký văn bản công bố thông tin và nghị quyết thông báo về việc miễn nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đối với của ông Nguyễn Quốc Cường, người được công chúng biết tới với danh hiệu “Cường đôla”. Thời gian hiệu lực từ ngày 16-11-2018.
Tới nay, việc xử lý kỷ luật đối với những cá nhân liên quan, việc điều tra những khuất tất trong phi vụ chuyển nhượng này dần được sáng tỏ, người dân và xã hội luôn tin tưởng một kết quả xử lý nghiêm khắc, công minh đối với những cá nhân, tổ chức trong sự việc sai phạm trên.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu năm 2020 đưa ra xét xử 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp:
1- Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng công ty bia – rượu – nước giải khát (Sabeco), Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
2- Vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí liên quan đến dự án 8 – 12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
3- Vụ án vi phạm các quy định về quản lý đất đai; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân liên quan đến đất số 7 – 9 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
4- Vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Hội sở chính Ngân hàng Đầu tư – phát triển VN (BIDV) và chi nhánh Hà Thành, chi nhánh Hà Tĩnh và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch Trung Dũng.
5- Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) trong dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ.
6- Vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan.
7- Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty gang thép Thái Nguyên.
8- Vụ án phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
9- Vụ án vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank).
10- Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
GIAI THANH/ND