+
Aa
-
like
comment

Nhiệm kỳ của ông Biden: Một khởi đầu không thể tồi tệ hơn

12/01/2021 21:26

Khi bắt đầu đặt bút viết bài này mấy ngày trước, tôi dự định đề cập đến chương trình nghị sự chính sách mà Tổng thống mới đắc cử Joe Biden sẽ giải quyết trong năm đầu tiên của mình.

Chương trình nghị sự của ông Biden rất thú vị vì đây là chương trình mang lại sự thay đổi toàn diện nhất và gây chia rẽ nhất so với bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ, thậm chí còn vượt xa thất bại trước đó của chính quyền Barack Obama (2009-2017) trong việc tái định hình đất nước.

Tôi đã không thực hiện được kế hoạch ban đầu bởi những sự kiện đáng tiếc đã xảy ra trước, trong và ngay sau ngày 6-7/1, khi ông Joe Biden được chính thức công nhận là người chiến thắng trong cuộc đua năm nay.

Thay vì mang lại một cảm nhận tích cực thường thấy về một cuộc chuyển giao hoà bình – dấu ấn của nền dân chủ Mỹ – từ chính quyền cũ sang chính quyền mới thì nước Mỹ lại trở nên chia rẽ hơn hơn giờ hết. Sự chia rẽ này tồi tệ đến mức 4 năm tới đây của nhiệm kỳ mang tên Biden có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn khiến ông ấy khó mà làm được gì nhiều.

Đó là lý do tại sao tôi tin rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ…

Nhiệm kỳ của ông Barack Obama mang tính lịch sử: Ông là Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ. Khẩu hiệu tranh cử của ông là “Chuyển đổi toàn diện” nước Mỹ.

Ngay từ đầu, ông Obama đã sớm nhận ra rằng mặc dù ông kiểm soát cả lưỡng viện và các tòa án liên bang, phe đối lập trong chính đảng Dân chủ của ông và các đối thủ phe Cộng hòa vẫn sẽ cản trở chương trình nghị sự của ông. Sau đó, đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện trong suốt 4 năm từ 2015-2019 và cuối cùng nắm giữ Thượng viện từ 2015-2020. Ông Obama đã gặp không ít khó khăn trong nhiệm kỳ của mình.

Trong những trường hợp bế tắc, ông Obama đã chọn cách hành động đơn phương và đôi khi đi ngược lại luật pháp để theo đuổi chương trình nghị sự, sử dụng các sắc lệnh hành pháp, các hiệp ước trái phép và các quy định gây gián đoạn hệ thống không được Quốc hội phê chuẩn hoặc người dân Mỹ chấp nhận.

Ông Donald Trump nổi lên trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016 với đối thủ là bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng của chính quyền Obama. Ông Trump tuyên bố sẽ đảo ngược mọi chính sách của ông Obama – theo đúng nghĩa đen. Bà Clinton tranh cử để đảm bảo mọi di sản mang tên Obama sẽ được bảo toàn. Đảng Dân chủ tin tưởng chắc chắn chiến thắng trong tầm tay với bà Clinton.

Sau đó, bà Clinton vướng vào các vụ bê bối che giấu email công việc khỏi sự giám sát của công luận, những lùm xùm liên quan đến lợi ích tài chính của bà trong Quỹ Clinton mang danh phi lợi nhuận, và vai trò của bà trong việc Đại sứ Mỹ tại Libya, Christopher Stevens và 3 đặc vụ thiệt mạng tại Benghazi, cùng với những thông tin được tung ra sau cáo buộc Nga đã hack email của đảng Dân chủ để mang lại lợi thế cho ông Trump.

Bất chấp việc đối thủ có mọi lợi thế nổi trội, ông Trump đã đắc cử Tổng thống năm 2016. Và vậy là, với suy nghĩ người thắng phải là bà Clinton, cùng với những cáo buộc rằng Nga đã can thiệp bầu cử, phe Dân chủ đã dành trọn 4 năm qua để tìm mọi cách “đánh bật” ông Trump khỏi chiếc ghế Tổng thống. Khi không thể làm được điều đó, họ đã không từ một chiêu trò nào để khiến ông ấy không thể cầm quyền.

Về phần mình, ngay ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump đã tiến hành loại bỏ mọi chính sách kế thừa của ông Obama và tiếp tục làm việc đó trong 4 năm tại vị. Chính sách đầu tiên bị loại bỏ lại là hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Với cùng phương thức đó, ông Trump đã đảo ngược mọi di sản của ông Obama, giống y như cách ông Obama đã sử dụng để đưa ra các chính sách này. Nếu coi việc ông Trump xoá bỏ chính sách là trái luật thì ông Obama cũng đã làm trái luật khi thiết lập những chính sách này. Tuy nhiên…

Đáp lại, phe Dân chủ đã tấn công ông Trump trên mọi mặt trận: Một cuộc điều tra quy mô lớn kéo dài 2 năm với cáo buộc ông thông đồng với Nga; nỗ lực luận tội Tổng thống liên quan đến cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Ukraine; vụ kiện cáo về những bất động sản của ông Trump ở Washington; điều tra về khoản thuế doanh nghiệp của ông 10 năm trước khi ông trở thành Tổng thống; 300 vụ kiện liên bang nhắm vào các chính sách của chính quyền Trump.

Một ngày sau lễ nhậm chức của ông Trump, đảng Dân chủ đã tổ chức cuộc biểu tình quy mô lớn với sự tham gia của 1 triệu phụ nữ tại Washington. Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, kêu gọi người Mỹ “nổi dậy” chống lại ông.

Các thành viên chóp bu khác của đảng Dân chủ – bà Maxine Waters và ông Al Greene – đã kêu gọi luận tội ông Trump ngay từ trước khi ông nhậm chức và khuyến khích những người ủng hộ đảng Dân chủ tấn công các đảng viên Cộng hòa. Các cuộc biểu tình đã được tổ chức trên khắp đất nước, trong đó có nhiều cuộc nhuốm màu bạo lực.

Năm 2020, nhiệm kỳ của ông Trump đối mặt với 2 thảm họa: Các cuộc biểu tình và bạo loạn trên phạm vi toàn quốc phản đối cái chết của George Floyd, một người đàn ông da đen bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 25/5 và đại dịch Covid-19.

Cái chết của Floyd – một số người gọi đây là một vụ giết người – đã kéo theo các cuộc biểu tình lớn của phong trào Black Lives Matter nhằm đấu tranh để người da đen ở Mỹ được đối xử tốt hơn, trong đó đưa ra lời kêu gọi “giải thể cảnh sát”. Có nhiều cuộc biểu tình được sự cấu kết của các nhóm theo chủ nghĩa vô chính phủ. Một số cuộc vô cùng bạo lực, xảy ra cướp bóc, đốt phá và tội phạm huỷ hoại tài sản.

Ông Trump đã biến các cuộc bạo động thành vấn đề “luật pháp và trật tự”, với thông điệp đưa ra là phe Dân chủ không chỉ nương tay với tội phạm mà còn không có tinh thần ái quốc khi họ ủng hộ những kẻ bạo động. Bạo loạn diễn ra khắp nước Mỹ nhiều tháng trước khi phe Dân chủ có động thái lên án.

Các thành phố do phe Dân chủ kiểm soát cũng tỏ rõ sự nương tay với những kẻ bạo loạn – tại đây nhóm người này đã không bị truy tố. Cùng lúc đó, những người Dân chủ lại tô vẽ ông Trump, trong nỗ lực kiểm soát bạo loạn, là một kẻ phân biệt chủng tộc và bạo chúa.

Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đã xuống đường tuần hành cùng với người biểu tình và hoan nghênh những kẻ phá bỏ tượng đài, di tích, phá hoại tài sản quốc gia và thách thức chính quyền.

Việc xử lý đại dịch Covid vừa là thành công vừa là thất bại của ông Trump. Ông đã thành công trong việc sản xuất và cung cấp quần áo bảo hộ, thiết bị cho đội ngũ nhân viên y tế; cung cấp các trang thiết bị chuyên khoa và nhân sự bổ sung sử dụng nguồn lực quân đội; và phát động chương trình phát triển vắc xin thành công ở quy mô chưa từng có từ trước đến nay.

Thất bại của ông là không đưa ra thông điệp kịp thời về sự cần thiết phải đeo khẩu trang nơi công cộng; khiến việc đóng cửa và mở cửa nền kinh tế mang tính đảng phái sâu sắc; và chính trị hoá hoạt động ứng phó Covid-19 của chính quyền liên bang.

Về phần mình, ông Biden đã ngay lập tức tận dụng các cuộc biểu tình làm cơ hội để đưa ra lời kêu gọi công bằng xã hội, sự đa dạng, rồi cái gọi là “phải đạo chính trị”… Đây đều là những vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông ấy.

Một trọng tâm nữa của ông Biden là tấn công vào công tác ứng phó đại dịch của ông Trump. Thật không thể tin được là khi ông Biden công bố các kế hoạch đối phó đại dịch của mình, ai cũng nhận ra rằng đó chính là các hoạt động mà chính quyền của ông Trump đã và đang thực hiện trong những tháng qua. Chỉ duy nhất có chính sách khác là ông Biden kêu gọi người dân đeo khẩu trang và đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Đảng Dân chủ đã có kế hoạch năm 2021 sẽ mở cuộc điều tra về hoạt động ứng phó với Covid-19 của ông Trump.

Tiến sỹ Terry F. Buss – Chuyển ngữ: Đào Thúy

Thiết kế: Huệ Nguyễn

Bài mới
Đọc nhiều