Nhiễm độc thủy ngân gây hại cho sức khỏe như thế nào?
Nhiễm độc thủy ngân tác hại đến sức khỏe và có triệu chứng như thế nào?
Tổn thương thần kinh, phổi
Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu – Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM), thành viên Hội Ung bướu Nội khoa Châu Âu (ESMO) và Hội Phẫu thuật Ung bướu Mỹ (SSO): Mọi người đều có thể tiếp xúc và tiêu thụ thủy ngân do nó xuất hiện tự nhiên và dưới nhiều dạng khác nhau trong môi trường. Tuy nhiên, thủy ngân sẽ gây hại nếu tiếp xúc kéo dài hoặc hấp thu lượng lớn.
“Thủy ngân có nhiều độc tính trên hệ thần kinh, tiêu hóa, miễn dịch, phổi, da… Một khi tiếp xúc với cơ thể, thủy ngân được hấp thụ gần như hoàn toàn vào máu và phân phối tới mọi mô, bao gồm bộ não”, bác sĩ Vũ cho biết.
Đặc biệt, bác sĩ lưu ý nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất là thai nhi. Thủy ngân có thể truyền qua nhau thai đến thai nhi và não thai nhi. Khi người mẹ tiếp xúc với quá nhiều thủy ngân sẽ gây tổn thương hệ thần kinh của thai nhi, làm trẻ chậm phát triển, rối loạn ngôn ngữ…
Theo bác sĩ Vũ, dấu hiệu đầu tiên của việc nhiễm độc thủy ngân là hiện tượng tê và đau nhói ở môi, ngón tay và ngón chân, gọi là chứng dị cảm.
Việc tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài dẫn đến run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý và viêm lợi. Các triệu chứng này xảy ra khi một người tiếp xúc với nồng độ thủy ngân trong không khí trên 50 microgram/m3.
“Tùy thuộc dạng thủy ngân (Hg) gây ngộ độc, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể mà biểu hiện lâm sàng ngộ độc khác nhau. Hít Hg nguyên tố và nuốt Hg vô cơ gây ngộ độc cấp, trong khi tiếp xúc với dạng hữu cơ như ăn phải cá chứa Hg thường gây ngộ độc mạn”, bác sĩ Vũ giải thích.
Hít thủy ngân
Theo bác sĩ Vũ, hít phải thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính.
Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm: sốt, ớn lạnh, thở khó. Sau đó xuất hiện những triệu chứng khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột.
“Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn như phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong”, bác sĩ Vũ cảnh báo.
Trong khi đó, ngộ độc mạn do hít thủy ngân gây các triệu chứng: viêm lợi và chảy nước miếng, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh. Trẻ thường mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định, kém ăn, buồn bã.
Nuốt thủy ngân
Trên thực tế, không ít trường hợp ngộ độc do nuốt phải thủy ngân vô cơ, mà điển hình là pin.
“Nuốt thủy ngân vô cơ gây phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu. Diễn tiến sau đó vài ngày là hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong”, bác sĩ Vũ nêu.
Trong khi đó, bác sĩ khuyến cáo thêm, ăn thức ăn chứa thủy ngân hữu cơ như cá biển gây ngộ độc mạn, xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần.
Biểu hiện thần kinh là dị cảm, thất điều, suy nhược thần kinh, giảm thính giác, loạn vận ngôn, thu hẹp thị trường, rối loạn tâm thần, run cơ, rối loạn cử động và có thể tử vong. Đặc biệt, rất độc đối với thai nhi có mẹ thường xuyên ăn cá biển chứa nhiều thủy ngân gây sẩy thai, khuyết tật thần kinh, chậm phát triển tâm thần, bại não, biến dạng chi.
Để phòng ngừa nhiễm độc thủy ngân, bác sĩ khuyến cáo, tốt nhất là giảm thiểu hoặc loại bỏ các sản phẩm có sử dụng thủy ngân như bóng đèn, pin, nhiệt kế. Sử dụng năng lượng sạch như gió, mặt trời thay thế cho than đá. Kiểm soát an toàn thực phẩm.
Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ: Thủy ngân là kim loại xuất hiện tự nhiên trong môi trường do hoạt động của núi lửa, thời tiết, nhất là do con người. Các nhà máy sử dụng than đá, khai thác kim loại, vàng… là nguồn chính phóng thích thủy ngân vào môi trường.
Thủy ngân tồn tại dưới nhiều dạng, thủy ngân nguyên tố (hay kim loại) và vô cơ là nguồn gây nhiễm qua tiếp xúc nghề nghiệp; thủy ngân hữu cơ (methylmercury) có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống. Những dạng thủy ngân khác nhau sẽ có mức độ gây độc khác nhau đối với cơ thể.
Lưu ý, ethylmercury cũng là dạng thủy ngân nhưng không gây độc và được dùng với lượng rất nhỏ làm chất bảo quản trong vài loại vắc xin và dược phẩm.
Còn dạng thủy ngân phenyl (phenylmercury) thường có mặt trong các loại sơn sản xuất từ nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm, mỹ phẩm dành cho mắt và dụng cụ vệ sinh cá nhân. Phenylmercury xâm nhập vào cơ thể khi hít vào ở dạng hơi, ngấm qua da hoặc qua đường tiêu hóa.
Hiện nay, thủy ngân còn được dùng trong chế tạo bóng đèn, bình thủy, một số loại nhiệt kế, pin…
Việc tiếp xúc với thủy ngân diễn ra phổ biến nhất qua đường thức ăn khi tiêu thụ hải sản hoặc thực vật nhiễm độc thủy ngân.
(Theo Thanh Niên)