+
Aa
-
like
comment

Nhật tố Trung Quốc thúc đẩy yêu sách chủ quyền thời Covid-19

14/07/2020 10:25

Sách trắng Quốc phòng Nhật tố Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách chủ quyền lúc Covid-19 bùng phát và nghi ngờ Bắc Kinh thông tin sai lệch khi hỗ trợ y tế các nước.

“Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông”, sách trắng quốc phòng Nhật Bản, được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe thông qua hôm nay, viết.

Sách trắng Nhật Bản cũng mô tả các cuộc “xâm nhập liên tục” của tàu hải cảnh Trung Quốc vào khu vực quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Nhật Bản ở Hoa Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2015. Ảnh: JCG.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2015. Ảnh: JCG.

ại Biển Đông, Nhật Bản cáo buộc Bắc Kinh đang thúc đẩy yêu sách chủ quyền bằng cách thiết lập các khu vực hành chính xung quanh những đảo tranh chấp trong lúc các quốc gia đang bị “phân tâm” bởi Covid-19.

Nhật Bản nói thêm Trung Quốc có thể đã “tuyên truyền” và “bóp méo thông tin” trong bối cảnh xã hội rối loạn và bất ổn vì đại dịch toàn cầu. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản liệt kê các tuyên bố của Bắc Kinh như nCoV được thành viên quân đội Mỹ đem tới Trung Quốc hoặc các phương thuốc thảo dược Trung Quốc có thể điều trị Covid-19.

Chỉ trích của Nhật Bản nhằm vào Trung Quốc tương tự bình luận được Mỹ đưa ra trước đó, trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng vì Bắc Kinh và Washington tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông. Mỹ ngày 13/7 ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh về Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói các yêu sách của Trung Quốc hoàn toàn “bất hợp pháp” và đã thực hiện “chiến dịch bắt nạt” để kiểm soát các tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông.

Vị trí nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đồ họa: Reuters.

Nhật Bản hồi đầu tháng cho biết tàu hải cảnh của Trung Quốc đã di chuyển gần đảo Uotsuri thuộc nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và yêu cầu Bắc Kinh ngừng hành động này ngay lập tức.

Senkaku/Điếu Ngư nằm cách Tokyo hơn 1.900 km về phía tây nam. Nhật Bản quản lý nhóm đảo này từ năm 1972, nhưng cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố có chủ quyền từ hàng trăm năm trước. Đây là tâm điểm tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong hàng chục năm qua, dù quan hệ giữa hai bên đã dần cải thiện trong những năm gần đây.

(Theo Reuters)

Bài mới
Đọc nhiều