Nhật mua thêm của Mỹ hơn 70 tên lửa phòng không tối tân nhất
Lầu Năm Góc cho biết đã chấp thuận hợp đồng 3,3 tỉ USD mua hàng chục tên lửa chống đạn đạo của Nhật Bản sau một loạt vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên.
Hãng thông tấn AFP dẫn thông báo của Bộ quốc phòng Mỹ ngày 28-8 cho biết 73 tên lửa SM-3 Block IIA do Raytheon sản xuất có thể giúp Nhật đối phó hiệu quả với các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, ngay trong giai đoạn chúng đang lao tới mục tiêu.
Được xem là một trong những tên lửa phòng không tối tân nhất thế giới hiện nay, SM-3 Block IIA có tầm phóng 2.500 km, độ cao đánh chặn 1.500km, với tốc độ lao tới mục tiêu hơn 4,5km/s – gấp 15 lần vận tốc âm thanh trong không khí.
Trong một cuộc họp báo ngày 27-8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya khẳng định Bình Nhưỡng đang nỗ lực phát triển các đầu đạn mới để xuyên thủng lá chắn phòng không của Tokyo.
Chỉ tính riêng trong tháng 8, Triều Tiên đã tiến hành 7 vụ phóng tên lửa đạn đạo, trong đó có một loại tên lửa đủ sức bay tới Nhật Bản.
Vụ thử tên lửa gần đầy nhất của Triều Tiên diễn ra vào cuối tuần trước, chỉ một ngày sau khi Hàn Quốc chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật.
Dựa trên quỹ đạo bay phức tạp của tên lửa trong vụ thử mới nhất, ông Iwaya tin rằng đây là một tên lửa đạn đạo mới do Triều Tiên chế tạo.
Mỹ hiện đang có khoảng 20.000 quân đóng tại Nhật, trong đó có những căn cứ hải quân và không quân quan trọng như Yokosuka và Okinawa.
Dưới hiệp ước quân sự với Washington, Tokyo được trang bị các tàu khu trục có hệ thống chiến đấu Aegis có khả năng phát hiện và chỉ đạo tấn công tiêu diệt các đầu đạn tên lửa trong không gian. Nhật hiện đang lên kế hoạch triển khai thêm 2 hệ thống Aegis trên đất liền để bổ sung vào lá chắn tên lửa của mình.
Việc đánh chặn được tính toán dựa trên những quỹ đạo bay thường thấy của tên lửa. Do đó nếu quỹ đạo bay của tên lửa đối phương trở nên khó đoán, khả năng đánh chặn thành công ở giai đoạn sau sẽ ít hơn.
Trong diễn biến khác liên quan, sau cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về Triều Tiên ngày 27-8 (giờ Mỹ), Anh, Pháp và Đức đã cùng ra tuyên bố chung lên án các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, nhấn mạnh đây là hành động vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tuyên bố cũng kêu gọi Bình Nhưỡng “quay trở lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa với Mỹ”, thúc giục cộng đồng quốc tế tiếp tục thực thi các lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên cho đến khi nào chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này chấm dứt.
Mỹ đã không ký vào tuyên bố chung này, một động thái mà theo AFP là để giảm bớt những căng thẳng đang có dấu hiệu leo thang với Triều Tiên và tránh tổn hại đến các nỗ lực nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng.
Hồng Anh (Theo AFP)