Nhật ký ngày 20-2 của nhà văn Phương Phương ở Vũ Hán: Mừng hụt!
Nửa đêm 20-2, nhà văn Phương Phương, hiện sống ở Vũ Hán, tiếp tục đăng nhật ký ngày thứ ba liên tiếp về ‘Vũ Hán những ngày phong thành’. Bà kể một người bạn đã nhắn tin cho bà ‘dịch đã được khống chế’ nhưng sự thật sau đó hoàn toàn khác.
Hãy ở yên trong nhà đừng ra ngoài, nếu không những nỗ lực của tất cả chúng tôi đều là con số 0.
Hôm nay lại là một ngày trời quang mây tạnh. Bầu trời xanh ngắt. Có thể hình dung, tất cả những ánh mặt trời ấm áp đều chiếu tia nắng rạng ngời trên những con phố vắng lặng, chiếu xuống công viên Trung Sơn, công viên Giải Phóng và con phố xanh Đông Hồ không một bóng người, cảm giác nó lãng phí làm sao.
Nhớ làm sao những ngày cùng đồng nghiệp đi xe đạp trên con phố xanh Đông Hồ. Có một dạo, hầu như tuần nào chúng tôi đều đến đó. Thẳng hướng Đảo Lạc Nhạn vắng vẻ đạp một vòng, lên dốc qua cầu, mất khoảng 3 tiếng đồng hồ. Giữa đường còn có thể mua một ít rau xanh do người nông dân vùng xa tự trồng đem về nhà, cũng sẽ tìm một chỗ nên thơ bên hồ tám chuyện.
Chúng tôi chắc cũng không phải là những người thích lo chuyện bao đồng mà là những người thích hưởng thụ cuộc sống trước mắt. Tuy nhiên giờ đây, tôi và hai người bạn thường xuyên đi xe đạp với tôi (đồng nghiệp), một người đang bệnh, một người có người nhà đang bệnh. Cho dù họ đều không phải bệnh COVID-19, nhưng đều là những căn bệnh nhắc đến là rợn tóc gáy. Họ khổ hơn tôi rất nhiều. Còn ở Vũ Hán, còn biết bao nhiêu bệnh nhân như vậy vẫn đang dài cổ chờ đợi? Cứ chờ mãi…
Những bạn học chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về bản tin dịch bệnh hôm nay. Mọi người rất kinh ngạc khi thấy số bệnh nhân mới giảm mạnh. Chuyện gì đã xảy ra? Hôm nay chẳng lẽ là một bước ngoặt của dịch bệnh?
Một người bạn bác sĩ của tôi từ sáng sớm cũng gửi cho tôi thông tin này, tôi có thể cảm nhận được niềm vui từ trong tin nhắn của anh: dịch bệnh đã được khống chế rồi, thật là tuyệt vời! Và nói thêm: Không cần tăng thêm số giường bệnh, bây giờ chỉ còn vấn đề chữa trị.
Nhưng một lúc sau trong tin nhắn, anh ấy lại tỏ vẻ hoài nghi: sao lại nhanh quá vậy? Sao thần kỳ quá vậy? Thật không thể tin được! Một tiếng sau, tin nhắn của vị bác sĩ ấy đã thay đổi hoàn toàn: Tôi đã xem kỹ rồi, số liệu giảm đáng kinh ngạc như vậy là do đã thay đổi về tiêu chí chẩn đoán. Quan trọng nhất vẫn phải xem số liệu của ngày mai.
Lúc trưa tôi xem hết các tin nhắn cùng lúc, tôi đã không nhịn được và tiếp tục hỏi. Người bạn bác sĩ nói rằng: “Từ số liệu hôm nay, không thể vội kết luận tình hình đã được khống chế hoàn toàn. Cũng như mấy hôm trước, số lượng đột nhiên tăng nhanh như vậy, hôm nay lại giảm đáng kể như vậy là cùng một nguyên nhân. Nhưng mà theo xu hướng này có thể khẳng định mọi việc đang đi theo chiều hướng tốt.”
Tôi lại một lần nữa hỏi về khi nào mới là dấu chấm hết cho đỉnh điểm của COVID-19, người bạn bác sĩ của tôi đã rất tự tin khi trả lời: “Trong vòng một tuần chắc sẽ đạt đỉnh”.
Đỉnh điểm ở trong vòng tuần sau sao? Tôi hi vọng như vậy, nhưng lại lo lắng hi vọng bị dập tắt.
Dường như cùng lúc, tôi thấy một thông tin khác, cũng là lời nói của một chuyên gia. Tôi nghĩ là cần phải ghi lại. Chuyên gia nói rằng: “Năng lực sát thương của COVID-19 nó mạnh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng. Nó không chỉ tấn công vào hệ hô hấp. Những bệnh nhân được điều trị chưa dứt nhưng bị tái lại thì nó không còn là vấn đề về viêm phổi nữa, mà còn gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận… Thậm chí gây ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn”.
Vị chuyên gia này còn nói rằng: “Chỉ cần chúng tôi một ngày chưa cởi bỏ lớp áo bảo hộ này thì các bạn hãy ở yên trong nhà đừng ra ngoài, nếu không những nỗ lực của tất cả chúng tôi đều là con số 0”.
Đúng vậy, COVID-19 rất nguy hiểm, chúng ta cần phải nghe chuyên gia nói. Tuy rằng tình hình đã có vẻ khả quan hơn, nhưng chúng ta không được chủ quan dù chỉ một giây. Thành phố đã bị phong tỏa gần một tháng nay, hầu hết những người tôi quen đã bắt đầu không chịu nổi.
Nghe nói có một số người đã muốn thoát khỏi cảnh này. Cho rằng chỉ cần bảo vệ bản thân mình thật tốt thì sẽ không bị nhiễm bệnh. Nhưng thực tế họ đã bị nhiễm bệnh nhưng mà hoàn toàn không hề hay biết. Đợi đến khi về nhà và lây nhiễm cho gia đình, đến lúc đó thì hối hận không còn kịp.
Nếu như mọi người đều muốn ra ngoài, trên đường đương nhiên phải có người qua kẻ lại. Những sự cố gắng vất vả mà chúng ta trước đây đã làm sẽ đổ sông đổ biển. Chiêu thức lợi hại nhất của COVID-19 chính là khả năng lây lan cực mạnh. Tuy rằng bây giờ nó đang ở thế yếu, nó đang rất mong chúng ta ra ngoài để nó có thể trỗi dậy lần nữa.
Bạn có muốn cùng bắt tay với nó không? Thật ra chúng ta đã cố gắng bấy lâu nay, chúng ta thật sự không nên để những người từng vì chúng ta mà đánh đổi cả tính mạng của mình phải hi sinh vô ích và không thể để sự chịu đựng bấy lâu nay của chúng ta thành vô nghĩa.
Hôm nay, ở trong nhóm WeChat, bạn bè hàng xóm đọc được bài viết “Tôi cảm ơn, tôi cầu nguyện” của ông Hướng Hân Nhiên, nhà thiết kế trước đây đã tham gia phục dựng Hoàng Hạc Lâu.
Bài viết nhằm thể hiện lòng cảm ơn sự quan tâm lo lắng của những người bạn học. Bài viết được viết vào ngày hôm nay. Ông Hướng gần 80 tuổi là bạn của hàng xóm thầy Đường Tiểu Hòa. Lúc trước tôi đã từng gặp nhưng không thân thiết. Hôm nay, đọc bài viết của ông, trong lòng rất cảm động xen lẫn vào đó là những nỗi buồn. Sau khi được ông đồng ý, tôi xin trích lại toàn văn như sau:
“Tôi, Hướng Hân Nhiên, hiện đang đọc thông báo tình hình dịch bệnh ngày hôm qua của khu phố chúng tôi: Theo yêu cầu tổng tiến công rà soát mọi ngóc ngách của thành phố, khu phố đã phát hiện 15 ca lây nhiễm, nghi ngờ lây nhiễm, sốt, tiếp xúc gần, nay đều đã tiến hành tiếp nhận chữa bệnh triệt để, rời khỏi khuôn viên khu dân cư.
Khu phố tôi đang ở, theo quy hoạch của thành phố là khu có nguy cơ cao về dịch bệnh COVID-19. Trước đó đã có 6 ca lây nhiễm lần lượt qua đời. Trước khi mất họ còn không được nhập viện, mặc dù bên cạnh khu phố chính là bệnh viện chỉ định chữa trị COVID-19, nhưng giường bệnh không còn chỗ trống, người đi khám bệnh xếp hàng thâu đêm, xếp hàng đến tận cổng khu phố (ban quản lý khu phố vội phong tỏa cửa sau). Đây chính là những chuyện xảy ra thời gian đầu “phong thành” ở Vũ Hán.
Do khu phố chúng tôi vốn là khu sinh hoạt của cán bộ viên chức Viện thiết kế kiến trúc, do đó mọi người đều rất thân thiết, đều là đồng nghiệp, hàng xóm lâu năm, do đó sự ra đi của họ khiến chúng tôi cảm thấy đột ngột, cảm thấy đau xót. Những tháng ngày mây đen nặng nề bao phủ thành phố, chúng tôi hai người già cô đơn cảm thấy bất lực làm sao.
Lúc này đây, WeChat hiện lên tin nhắn bằng âm thanh của bạn học Kiến Tam “Vì bạn ở Vũ Hán, do đó chúng tôi càng quan tâm đến cuộc chiến phòng chống dịch này”. Đúng vậy, khóa tốt nghiệp năm 1963 chỉ có 3 người phân công về Vũ Hán (Viện thiết kế kiến trúc Trung Nam), nay chỉ có tôi còn bám trụ ở Vũ Hán.
Sau đó, liên tục có bạn học lên mạng hỏi han, chúc tôi sức khỏe; có bạn học thậm chí còn gọi điện động viên tôi; bạn học tận bên Mỹ còn gọi WeChat cho tôi… Những tấm chân tình đó khiến tôi ấm lòng và có thêm động lực, tôi sẽ mãi ghi nhớ không quên.
Đặc biệt khiến tôi cảm động là, có một bạn học còn chuyển lời thăm hỏi của một thầy giáo đến tôi, họ nhắn nhủ “Phải bảo trọng nhiều hơn, uống nước nhiều hơn, xông thuốc ngải nhiều hơn…”.
Thực ra, đối diện với cái chết tôi cũng không đến nỗi sợ hãi, tôi đã sống đến cái tuổi bình quân của người Trung Quốc, ra đi bình thường là chuyện trước sau cũng phải đến. Nhưng nếu như chết vì lây bệnh, đó chẳng phải là “bị giết” sao, tôi thật sự không cam tâm.
Tôi đã một tháng nay không xuống dưới lầu, tôi thường đứng trên lan can lầu 5, ngẩn ngơ ngắm nhìn thế giới vắng lặng không chút sinh khí xung quanh.
Trước đây có rất nhiều bài viết trên mạng , khuyên người già đừng quan tâm gì hết, cũng không cần suy nghĩ gì hết, chỉ cần vui vẻ sống tốt là được. Nói cũng có lý, vì cho dù bạn muốn quan tâm thì cũng có làm được gì đâu? Bạn có thể làm gì để thay đổi thế giới? Nhưng cũng có câu ngạn ngữ: “Triều vấn đạo, tịch tử khả hĩ” (Buổi sáng hiểu được một đạo lý, buổi tối có chết cũng được). Do đó tôi vẫn không nén lòng được, cứ muốn quan tâm, muốn suy nghĩ.
Trong những ngày dịch bệnh hoành hành, những tháng ngày “phong thành” dài đăng đẳng, tôi cứ nghĩ mãi, số của người Trung Quốc sao khổ thế? Dân tộc chúng ta sao cứ mãi gặp thiên tai đại họa? Nghĩ đến đây, tôi chỉ biết cầu nguyện, cầu mong sau thiên tai, Trung Quốc sẽ có một thế giới thái bình. Hi vọng vậy”.
Từng câu từng chữ thâm thúy, sâu sắc làm sao. “Nếu như chết vì lây bệnh, chẳng phải là bị giết sao, tôi chẳng cam lòng chút nào!” Đây là suy nghĩ của biết bao nhiêu người dân Vũ Hán?!
Những người già cô đơn như ông Hướng, ở toàn thành Vũ Hán chắc không ít. Trước đây, ông có ô sin đến giúp việc theo giờ. Còn giờ đây, các ô sin đều về quê đón tết, đành phải tự lực cánh sinh. Tôi từng lo lắng cụ Lưu Đạo Ngọc ông hiệu trưởng già có phải ở nhà một mình không? Vì ngày thường họ cũng có ô sin chăm sóc.
Sau khi liên lạc qua WeChat, được biết con trai và con dâu đều về nhà đón tết, nên giờ ở nhà với ông, có thể chăm sóc cho ông. Bạn học tôi Lão Đạo bố mẹ đều đã 96 tuổi, bị cách ly trong khu phố, con cái không đến chăm sóc được. May mắn là 2 cụ vẫn khỏe, vẫn còn tự chăm sóc cho nhau. Không làm phiền cộng đồng, cũng cố không để con cái lo lắng, còn rất lạc quan, cũng như mọi người dân khác cùng chờ đợi dịch bệnh kết thúc.
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ khác: Những người già này tự đi ứng phó với chuyện vặt vãnh, họ cần phải tốn bao nhiêu công sức mới có thể có cuộc sống bình thường? E rằng họ phải dốc toàn sức lực. Vì chúng ta đều đã từng làm qua việc nhà, đi chợ nấu cơm, giặt giũ dọn dẹp, chuyện lặt vặt khác, cũng không phải việc đơn giản. Không biết trong khu phố có nhân viên chuyên trách đi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình những người già sống một mình không, phải cố sắp xếp cho người đến giúp đỡ họ.
Bóng ma tử thần vẫn còn đang lảng vảng trên bầu trời Tam Trấn, Vũ Hán. Hôm nay đập vào mắt tôi là thông tin: Gia đình 4 người một bình luận viên Hồ Bắc nhật báo đều lây bệnh COVID-19. Nửa tháng trước họ đã xin nhập viện, nhưng mãi chưa được. Đến khi vào viện thì bệnh đã trở nặng và bản thân bình luận viên đó đã từ trần vào hôm nay. Trên thế gian này lại thêm một gia đình tan nát.
Nhà văn Phương Phương, tên thật Uông Phướng, quê quán Bành Trạch Giang Tây, sinh năm 1955 tại thành phố Nam Kinh Giang Tô, nay sống ở Vũ Hán. Năm 1978 thi đậu Khoa trung văn Đại học Vũ Hán. Bà là nhà văn đương đại Trung Quốc. Từng giữ chức Chủ tịch hội nhà văn Hồ Bắc, Chủ nhiệm Ủy ban đánh giá cao cấp sáng tác văn học Hồ Bắc, Ủy viên Ủy ban Hội nhà văn Trung Quốc.
Tác phẩm tiêu biểu như Vạn tiễn xuyên tâm, Phong cảnh; tác phẩm mới nhất là tiểu thuyết Thị vô đẳng đẳng.
Thời gian gần đây, bà viết nhật ký ghi lại những ngày tháng “phong thành” ở Vũ Hán thu hút khá nhiều người quan tâm. Nhật ký ngày 18-2, bà kể về nỗi khổ của người dân trong thời kỳ dịch bệnh, người dân đi chợ mua sắm ra sao. Ngoài ra còn kể về nỗi cơ cực của đội ngũ y bác sĩ, những nỗi nguy hiểm mà họ phải đối diện.
Nhật ký ngày 19-2, bà nói về những tia hi vọng của Vũ Hán, dịch bệnh có chuyển biến tốt, bệnh nhân được thu nhận, mọi người làm tình nguyện viên, quyên góp chung tay chống dịch, người dân quên dần cuộc sống mùa dịch.
CẢNH CHÁNH/TPO