Nhật ký cách ly du học sinh 17 tuổi: Trưởng thành hơn từ trải nghiệm với nhịp sống thư thả
Trước sự lo lắng của gia đình, thầy cô và hơn hết là niềm tin tưởng vào hệ thống y tế của nước nhà, nữ du học sinh 17 tuổi quyết định xách va-li trở về ngay khi kỳ thi kết thúc năm học đang đến gần. Kết thúc chuỗi ngày cách ly, cô gái chia sẻ, thấy mình trưởng thành hơn từ những trải nghiệm mới, với nhịp sống chậm rãi, thư thả, “giống như được tận hưởng”.
Những hiệp sĩ áo xanh – “Xì Trum” đáng yêu
Những ngày giữa tháng 3/2020, trước sự bùng phát và lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, hàng nghìn du học sinh và Việt kiều hối hả về nước. Giữa lúc vẫn còn những “đứa con hư” lên tiếng chê bai điều kiện cách ly hay tìm kế trốn cách ly, thì cũng có rất nhiều du học sinh ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, thậm chí, coi 14 ngày cách ly như một dịp tận hưởng nhịp sống chậm rãi, một dịp để trải nghiệm và trưởng thành.
Có một nữ du học sinh, dù chỉ mới 17 tuổi, nhưng đã khiến không ít người phải trầm trồ về cách đón nhận chuỗi ngày cách ly thật thoải mái và ý nghĩa. Đó là câu chuyện của Bùi Hà Linh (SN 2003), nữ sinh được nhiều bạn bè ngưỡng mộ, khi từng đỗ 5 trường chuyên nổi tiếng tại Hà Nội (THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, THPT chuyên trường đại học Sư phạm, THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, THPT chuyên Ngoại ngữ và THPT Chu Văn An). Linh hiện đang là du học sinh tại trường Concord College, Anh.
Cũng như bao du học sinh xa quê khác, Hà Linh quyết định về nước khi cảm nhận rõ nỗi lo lắng, sự ngóng trông của bố mẹ và dự đoán được diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng ở Anh và hơn hết tin tưởng vào hệ thống y tế nước nhà.
Vừa xuống sân bay, trong lúc chờ kết quả kiểm tra, bố mẹ Linh gọi điện hỏi thăm tình hình, cô nàng tuy khá mệt mỏi nhưng vẫn trả lời với giọng hào hứng đầy năng lượng, và báo trước sẽ có chuyến “tận hưởng” xa nhà 14 ngày.
Hà Linh khẽ nhún vai: “Tuy rằng rất muốn về nhà, muốn được ăn cơm mẹ nấu, nhưng những du học sinh với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết như chúng tôi, tin tưởng rằng, điều quan trọng nhất là hoàn thành trách nhiệm với gia đình, bản thân và cộng đồng, thực hiện cách ly tập trung là cần thiết. “Có những người muốn cách ly còn không được!”, tôi thầm nghĩ như vậy và thầm biết ơn với biện pháp xử lý dịch bệnh của Việt Nam”.
“Sau đó, tôi nhanh nhảu dắt chiếc va-li to cồng kềnh, loay hoay í ới đứa bạn đi cùng và theo chân những hiệp sĩ áo xanh xuống tầng hầm, đợi nghe đến tên mình để được lên xe.
Nhấn mạnh với mọi người, “xanh” ở đây không phải xanh lá cây, mà là màu xanh da trời của bộ đồ bảo hộ.
Các chú đọc tên từng người một, có chút khó nghe vì khẩu trang, có chút nhầm lẫn giữa những người tên Linh, nhưng trên hết, đáng yêu vô cùng! Tôi nghĩ, đáng yêu vì mặc cho trời nóng, mặc cho trán ướt đẫm mồ hôi; các chú chiến sĩ luôn hết mình với người dân. Bước lên xe, tôi tự nhủ trải nghiệm ở đây sẽ vui và mới mẻ biết bao…”, nữ sinh 17 tuổi đã thầm nhủ như vậy ngay khoảnh khắc bắt gặp những hiệp sĩ áo xanh.
“Vừa đến nơi, hiện ra trước tầm mắt chúng tôi là một doanh trại quân sự của các chú bộ đội. Tôi và các bạn đưa những món đồ mang theo ra một chỗ để được khử trùng; còn bản thân thì ngồi xuống để chờ xếp số phòng.
Một điều vô cùng may mắn là các chú “hiệp sĩ” chăm sóc mọi người vô cùng chu đáo, đưa mỗi người một túi nhỏ gồm bàn chải đánh răng, cốc, khăn mặt, giấy vệ sinh và gói dầu gội/sữa tắm. Mỗi người đều có dép để đi lại cho thoải mái nữa. Với cái bụng đói meo, đã vậy, lại còn được ăn cơm hộp siêu ngon và bổ dưỡng do các chú ấy tự làm, tôi vừa ăn vừa tấm tắc: “Thích thế này thì còn gì bằng!”…”, ngày đầu tiên trong khu cách ly của Hà Linh bắt đầu như thế.
Học cách trưởng thành, tự chăm bản thân hơn
Đó là một trong những điều đáng quý nhất mà nữ sinh Bùi Hà Linh có thể cảm nhận rõ rệt sau chuỗi ngày cách ly tập trung.
Tối đầu tiên, khi nhận túi đồ dùng do mẹ gửi vào, với những vật dụng và rất nhiều thuốc, thực phẩm chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tăng sức đề kháng, cô gái trẻ còn nghĩ sẽ chẳng dùng tới vì “lười”.
Tuy nhiên, nhận ra đang trong đại dịch, lại đang cách ly, có thể sẽ tiếp xúc với mầm bệnh hàng ngày nên Linh theo sự chỉ dẫn được ghi lại của mẹ. Đối mặt với những thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, cô nàng mới chợt nhận ra: “Tôi chẳng thể làm gì ngoài việc tự chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt!”.
Một ngày của Hà Linh trong khu cách ly thường bắt đầu từ 6h sáng, sau khi thức dậy và vệ sinh cá nhân, sẽ đến “chuyên mục” ăn sáng. Với rất nhiều món khác nhau thì cô nàng ấn tượng nhất với món xôi xéo. “Còn cơm trưa và tối thì chắc là tôi ấn tượng với những món chả, nem, tôm rang,… nói chung là khá nhiều món ngon”, Linh bật mí.
Thời gian học online của Linh thường diễn ra từ 16h-23h hàng ngày, do chênh lệch múi giờ; còn lại, thời gian rảnh, cô nàng cũng thường xuống sân đi dạo hoặc tham gia những trò chơi dân gian vui nhộn. Đó là những khoảnh khắc mà rất lâu rồi Linh mới được cảm nhận lại, cảm giác của một “tuổi thơ dữ dội” chợt ùa về…
Nữ du học sinh cũng học được nhiều điều từ cuộc sống trong khu cách ly: “Tôi thực sự thích cuộc sống ở đây. Không hề như mơ, có khó khăn, có thiếu thốn nhưng nhìn những hình ảnh của các chú bộ đội dậy sớm nấu cơm cho hàng trăm người, tận tình bê vác cơm lên từng tầng, ngày thì khử trùng từng phòng, đêm thì chợp mắt ở rừng để mọi người có chỗ ngủ mà vẫn lạc quan, vẫn hết lòng vì đồng bào… chúng tôi như thêm tin yêu với đất nước có hình nước non thắm đượm tình người này, hăng hái thích nghi với cuộc sống cách ly và giúp đỡ các chú phần nào bằng cách giữ vệ sinh thật sạch sẽ và quyên góp một số nhu yếu phẩm, cổ vũ tinh thần các chú”.
“Nói thực chứ cách ly vui lắm! Có nhiều khía cạnh của cuộc sống cách ly mà bạn có thể thích. Cũng là tùy duyên, tùy hoàn cảnh, tùy trại cách ly, tùy các chú hiệp sĩ mà bạn gặp, tùy những người bạn cùng phòng mà bạn sống chung.
Có thể nó không được vui như người mẫu nổi tiếng Châu Bùi, có thể nó không được như “lâu đài” của bạn, không được tự do tự tại như chỉ có một mình; nhưng cũng chính vì thế, mà nó vui… Vui vì tôi học được những bài học mà bản thân chưa từng được biết, trải nghiệm được những điều mà bản thân chưa từng được hiểu”, cô chia sẻ.
Với Linh, kỷ niệm cứ đầy ăm ắp trong suốt 14 ngày đáng nhớ đã giúp cô xây dựng thói quen lành mạnh. Cô tâm sự: “Kỷ niệm cơ hội được dành trọn vẹn 14 ngày với những người mình chưa từng quen biết, cả những người bạn thân thiết với mình. Tôi hiểu thế nào là cảm giác được “ăn ké” xôi chim, bánh gối, gà rán…, hiểu thế nào là cảm giác nói các kiểu chuyện “trên trời dưới bể” của phái nữ, hiểu thế nào là việc sống chung, chia sẻ một căn phòng, một buồng vệ sinh. Tôi học được cách sống chung của một tập thể!
Cũng có không ít chuyện đáng nhớ: cái quang cảnh nhộn nhịp buổi tối, mọi người trò chuyện rôm rả, hát karaoke, không khí không bao giờ hết náo nhiệt. Sống chúng, nhiều cái chung nhưng mà vui… Có cái móc quần áo, dây chun, đèn học, mì tôm, nước uống, túi rác đều cho nhau mượn; mà cả chuyện bồn cầu bị kẹt thì cả 9 người cũng cùng chịu trách nhiệm…”.
Những ngày cuối cùng, khi mọi người bắt đầu dọn dẹp đồ đạc, chuẩn bị ra về, Linh nhớ lại: “Cái cảm giác chuẩn bị về nhà này, chuẩn bị rời xa khu cách ly, đúng là có chút không nỡ! Cuộc sống những ngày qua đối với tôi, nhìn chung không quá khác biệt, có chăng, chính là chậm rãi hơn, thư thả hơn và được tận hưởng cuộc sống nhiều hơn”.
Tự hào về những “thiên thần không cánh”
Ngày cuối cùng, như tất cả mọi người, Linh dậy sớm hơn thường lệ, vệ sinh cá nhân rồi dọn dẹp hành lý, mang xuống sân chờ được “gọi tên”. Cầm tờ giấy báo hoàn thành cách ly 14 ngày trên tay, chụp kiểu ảnh lưu niệm cùng những người bạn trong khu cách ly, Linh thầm biết ơn vì đã có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống nơi đây.
Cô gái chia sẻ: “Với tư cách là một du học sinh, tôi tự hào về Việt Nam lắm! Tự hào vì Chính phủ Việt Nam đã có biện pháp xử lý bệnh dịch kịp thời và hiệu quả, tự hào về những “thiên thần không cánh” của lĩnh vực y tế đã làm không thể nào tốt hơn với tư cách là những người ở tuyến đầu chống dịch: đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên, dược sĩ,…
Thực ra, ngay từ những ngày còn đang ở Anh nghe ngóng tin tức về dịch bệnh, tôi đã cực kỳ hãnh diện về tài năng và sự tận tâm với nghề của các cô chú, anh chị. Bệnh dịch tuy đem lại cho chúng ta một cuộc chiến tranh không hơn không kém, nhưng chính nhờ Covid-19 mà không chỉ bản thân một đứa học sinh có ước mơ được làm dược sĩ như tôi, mà rất nhiều người khác nữa, được một lần khắc ghi và chiêm nghiệm sâu sắc sự cao quý và ý nghĩa lớn lao của ngành nghề chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà họ theo đuổi”.
“Và cuối cùng nhưng cũng quan trọng không kém, tôi cũng tự hào cả về những người anh hùng quả cảm khoác lên mình chiếc áo bộ đội đã không ngại khó, ngại khổ chăm sóc cho nhân dân trong tình hình bệnh dịch căng thẳng như thế này. Tôi thầm cảm ơn các chú rất nhiều, vì các chú đã chứng minh cho tôi thấy Việt Nam có lực lượng chiến sĩ vô cùng dũng cảm, sẵn sàng đối diện với nguy hiểm để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho nhân dân”, Hà Linh nở một nụ cười rạng rỡ.
Cô nữ sinh cũng không quên nhắn nhủ tới những “thiên thần không cánh”, những “hiệp sĩ áo xanh”: “Các cô chú hãy cố gắng lên! Bọn cháu luôn đồng lòng ủng hộ các cô chú!”.
Cẩm Mịch