+
Aa
-
like
comment

Nhật ký bác sĩ: Lương 4,9 triệu đồng, nam y sĩ vẫn chạy từ Tiền Giang lên TP.HCM chống dịch mỗi ngày

07/12/2021 16:28

Anh Vũ Tiền Giang (40 tuổi, quê Tiền Giang), y sĩ hạng 4, đang làm việc tại Trạm Y tế phường Nguyễn Thái Bình (quận 1). 8 năm cống hiến cho ngành y tế quận trung tâm TPHCM, lương hiện tại của anh Giang chỉ vỏn vẹn 4.9 triệu đồng/tháng.

Y sĩ Vũ Tiền Giang (đầu tiên, từ trái sang) cùng các đồng nghiệp ở Trạm Y tế Nguyễn Thái Bình, quận 1

Theo anh Giang, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng y tế, anh lên TPHCM với mong muốn được nối nghiệp y như người anh ruột. Xin vào Trung tâm Y tế quận 1 một thời gian, anh được phân bổ xuống Trạm Y tế Nguyễn Thái Bình.

Vì gia đình ở tận thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang), mỗi ngày từ 5h30 sáng, anh Giang xuất phát từ quê bằng xe máy, đến chỗ làm đã 7h sáng. Đến chiều cũng mốc thời gian này, anh chạy xe về nhà. Tiền xăng mỗi lượt đi, về tốn hơn 30.000 đồng. Cộng thêm tiền ăn uống mỗi ngày, nam y sĩ buộc lòng phải chọn về nhà, vì không thuê nổi phòng trọ để ở lại.

Trước thắc mắc với mức lương như vậy làm sao sống nổi trong một thời gian dài như vậy, anh Giang cười, nói rằng chắc mình vì… đam mê.

“Lương thấp, vợ tôi cứ bắt về quê hoài, nhưng tôi nói với cô ấy và gia đình ráng cho mình theo. Vợ tôi làm nhân viên tiệm vàng, thu nhập ổn. Thật lòng mà nói, tôi sống được là nhờ vợ” – y sĩ tâm sự.

Anh Giang kể tiếp, khi nào công việc mệt quá thì ngủ lại trạm, 2-3 ngày về một lần. Nhưng trong mùa dịch căng thẳng, xuyên suốt mấy tháng trời, anh phải túc trực tại trạm để làm tất cả công việc, từ truy vết F0, lấy mẫu xét nghiệm đến đưa bệnh nhân vào khu cách ly điều trị, hỗ trợ cấp cứu tại nhà…

Động lực lớn nhất níu giữ anh Giang gắn bó với công việc hiện tại, là khi chứng kiến người dân bất ngờ mắc Covid-19 trở nặng. Thời điểm căng thẳng, các bệnh viện hầu hết đều quá tải, nên gần như tuyến y tế phường là địa chỉ duy nhất để họ bám víu.

“Ai cũng nghỉ hết thì lấy ai làm”

Mấy tháng chống dịch của anh Giang là hàng tá kỷ niệm khó quên. Thời điểm giữa tháng 8, trạm y tế Nguyễn Thái Bình tiếp nhận một trường hợp cụ bà 90 tuổi, thể trạng nặng cân, mắc Covid-19 nặng, lại bị tai biến không thể di chuyển. Anh cùng đồng đội không quản nguy hiểm, lao vào sơ cứu rồi tự mình ôm bệnh nhân từ trên lầu cao xuống, đưa đi cách ly.
“Hai anh em vác băng ca leo lên lầu, khiêng bà xuống xe. Nhờ vậy mà cụ bà đã giữ được tính mạng” – anh kể.

Anh Vũ Tiền Giang cùng đồng đội những ngày xuyên đêm đi chống dịch

Lại có trường hợp F0 sống tại căn nhà trên đường Võ Văn Kiệt, dù cao tuổi và bệnh nền nhưng khi y tế phường đến thăm khám, thẩm định và đề nghị đưa đi BV điều trị, cụ ông nhất quyết không chịu. Khi được gặng hỏi nguyên nhân, bệnh nhân cho biết, vì sợ mình có chuyện gì thì chỉ còn… tro cốt trong hũ. Nếu có mất, cũng mong được mất tại nhà.

“Tang thương của dịch bệnh khiến người dân quá ám ảnh, đến nỗi cố chấp như vậy. Rất thương” – nhân viên y tế phường tâm sự.

Mỗi ngày khi đường dây nóng báo có ca F0, y sĩ Vũ Tiền Giang cùng đồng đội sẽ đến tận nhà kiểm tra tình hình. Nếu F0 có khả năng cách ly tại chỗ thì được căn dặn theo dõi sức khỏe và cấp túi thuốc, không đủ điều kiện sẽ làm hồ sơ chuyển đi khu thu dung, bệnh viện dã chiến.

Nhiều trường hợp không có bệnh nền nhưng chưa được tiêm ngừa, đến khi nhiễm bệnh thì trở nặng. Anh Giang ước tính, có khoảng 5 trường hợp ở phường Nguyễn Thái Bình đã vĩnh viễn ra đi trong sự bất lực của các y bác sĩ. Lúc cao điểm, nam y sĩ phải làm việc từ 7h sáng đến tận nửa đêm vì số lượng F0 cần chăm sóc quá nhiều.

Cũng theo anh Giang, áp lực của y tế phường là ngoài chống dịch Covid-19, họ cũng phải đảm bảo chăm sóc sức khỏe đại trà cho người dân, từ tư vấn sức khỏe, các bệnh cảm cúm thông thường đến thay băng, khâu rửa vết thương. Trong mùa dịch nguy cơ lây nhiễm là rất lớn, nên anh em cố bảo nhau luân phiên phối hợp tốt nhất có thể.

Những ngày gần đây, phường Nguyễn Thái Bình bắt đầu triển khai việc tiêm chủng mở rộng, phòng ngừa các bệnh như uốn ván, bạch hầu, ho gà…

“Covid-19 khiến mọi nguồn lực phải tập trung vào, các bệnh mùa như sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ bùng lên. Dù vậy, người dân sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh đã có ý thức rất nhiều” – anh Giang nhận định.

Thời điểm trước tháng 7, khi dịch tại địa phương chưa bùng phát mạnh, trạm của anh Giang có 7 người, bao gồm một bác sĩ và 6 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Tuy nhiên trong quá trình chống dịch đã “rơi rụng” một người. Cả trạm đã có đến 5 thành viên mắc Covid-19, khiến nơi này thường xuyên rơi vào cảnh phong tỏa tạm.

Thấy cha ở mãi trong “tâm dịch”, con gái anh Giang gọi lên khóc, đòi anh bỏ việc. Nhưng anh tâm niệm, mình không thể bỏ các đồng đội đi giữa lúc “sống chết” được, như vậy là sai, là không đảm bảo y đức.

Hơn nữa theo nam y sĩ, anh thấy mình vẫn còn may mắn hơn một số nhân viên y tế khác trong trạm.

Thầm lặng những hy sinh

“Có chị Hồng, lương cũng như tôi mà phải nuôi nấng 2 con nhỏ, mỗi ngày phải chạy 20 km từ huyện Nhà Bè sang đây. Mấy ngày trước, chồng con chị ấy đã thành F0. Còn chị Châu, con mới 1-2 tuổi, nhà tại quận Bình Tân cũng phải lao vào tâm dịch suốt mấy tháng qua” – anh Giang dẫn chứng.

Thừa nhận mình rất yêu nghề, nam y sĩ cho biết có chút buồn, khi nghe thông tin có gần 1.000 đồng nghiệp đã không chịu nổi khó khăn mà xin nghỉ.

“Mọi người đều có lý do riêng. Nhưng ai cũng vì lương thấp, áp lực cao mà bỏ việc hết thì còn trạm y tế nào hoạt động nữa. Ai cũng nghỉ hết thì lấy ai làm” – anh Giang nhận định.

Từ thực trạng trên, anh Giang mong muốn các Trung tâm y tế, lãnh đạo thành phố có thêm chính sách hỗ trợ, “càng nhiều càng tốt” để mọi người yên tâm làm việc. Riêng bản thân nam y sĩ, dù có khó khăn thế nào, anh cũng không nghĩ đến chuyện bỏ việc.

“Vợ nói hoài đến mức càu nhàu, bảo nghỉ đi, đừng làm nữa. Mình chỉ biết thuyết phục cô ấy, thôi để cho anh làm đi, tiền không có nhưng có thể giúp đỡ cho bản thân, gia đình và mọi người” – nam y sĩ chia sẻ.

Thu Thủy

Bài mới
Đọc nhiều