Nhật Bản – Mỹ mạnh mẽ phản đối yêu sách của TQ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Mỹ Mark Esper trong cuộc hội đàm tại Guam hôm 29-8 đã mạnh mẽ phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến sau cuộc gặp với ông Mark Esper tại Căn cứ Không quân Andersen, ông Taro Koro nói: “Đối với vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông, chúng tôi khẳng định Nhật Bản và Mỹ phản đối mạnh mẽ việc các nước đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.
Bắc Kinh có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Tokyo và một số nước láng giềng châu Á khác trong những vùng biển này. Trong cuộc gặp, hai bên cũng đề cập đến việc Trung Quốc đã bắn 4 tên lửa đạn đạo vào Biển Đông hôm thứ tư tuần trước – một động thái nhằm đưa ra những cảnh báo rõ ràng đối với các máy bay do thám của Mỹ bay gần các khu vực mà Bắc Kinh đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân. Ông Kono nói với người đồng cấp Esper rằng, vụ phóng tên lửa có thể gây mất ổn định khu vực và ông sẽ theo dõi tình hình một cách sát sao.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông. “Chúng tôi kiên quyết phản đối các hoạt động gây bất ổn của Bắc Kinh trong khu vực này” – ông Esper nhấn mạnh. Đáp lại, người đồng cấp Kono bày tỏ: “Tôi nghĩ thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Không chỉ vì Covid-19, mà vì có một số nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và cưỡng ép”.
Liên quan đến những tranh cấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết ông và người đồng cấp Esper tái khẳng định rằng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ áp dụng cho quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư.
Điều 5 quy định cam kết của Washington trong việc bảo vệ Tokyo. Căng thẳng trên các hòn đảo ngày càng gia tăng, với việc các tàu Trung Quốc được phát hiện gần chúng trong 111 ngày liên tục trong tháng này, chuỗi dài nhất kể từ khi Nhật Bản mua lại hòn đảo từ một chủ sở hữu tư nhân và đặt chúng dưới sự kiểm soát của nhà nước vào năm 2012.
Cũng trong cuộc hội đàm, hai bên nhất trí thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa mới, sau khi Nhật Bản quyết định ngừng kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản đang xem xét các lựa chọn thay thế và Tokyo sẽ đưa ra chính sách về hệ thống phòng thủ tên lửa mới vào tháng 9.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã có những phát ngôn phê phán hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Văn phòng Nội các Nhật Bản cho rằng, đây không chỉ là hành động nhằm phản kháng lại Mỹ mà còn được xem là có ý đồ tăng cường công nghệ tên lửa của Bắc Kinh.
Những vấn đề xung quanh Biển Đông có liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định của khu vực, là vấn đề đáng quan tâm của cả cộng đồng quốc tế bao gồm Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản phản đối tất cả những hành vi nói chung làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông. Nhật Bản kêu gọi giải quyết vấn đề một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Nguyễn Hà/ANTĐ