+
Aa
-
like
comment

Nhật Bản lên tiếng chuyện ông Trump đòi 8 tỷ USD cho quân Mỹ đồn trú

23/06/2020 18:37

Nhật Bản lên tiếng sau khi cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tiết lộ trong hồi ký rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu Tokyo trả 8 tỷ USD mỗi năm cho các hoạt động quân sự của Washington.

Nhật Bản lên tiếng chuyện ông Trump đòi 8 tỷ USD cho quân Mỹ đồn trú - 1
Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe (phải) chơi golf tại Nhật Bản. (Ảnh: TNS)

“Các cuộc đàm phán về chi phí đồn trú (của quân đội Mỹ) vẫn chưa bắt đầu. Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị nào từ Mỹ liên quan tới vấn đề này”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 23/6.

Thỏa thuận hiện tại liên quan tới hoạt động của 54.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Nhật Bản dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 3/2021. Tokyo và Washington dự kiến sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán về Thỏa thuận Các Biện pháp Đặc biệt song phương về việc đồn trú của quân đội Mỹ tại Nhật Bản.

Phát biểu của Bộ trưởng Kono được đưa ra sau khi báo Kyodo News dẫn thông tin từ cuốn sách sắp xuất bản của cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton, đề cập tới yêu cầu gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Nhật Bản.

Theo cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Shotaro Yachi vào tháng 7 năm ngoái để giải thích “tại sao Tổng thống Trump muốn Nhật Bản trả 8 tỷ USD mỗi năm” cho chi phí liên quan tới việc đồn trú của các binh sĩ Mỹ tại Nhật Bản.

Ông Trump được cho là muốn Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ tại châu Á, bắt đầu trả số tiền trên từ năm tới, “so với số tiền gần 2,5 tỷ USD Nhật Bản đang chi trả”.

Theo ông Bolton, yêu cầu trên là một phần trong chiến lược đàm phán được Tổng thống Trump gọi là “cộng thêm 50%” – số tiền mà Mỹ muốn các đồng minh phải chi trả khi tiếp nhận quân đội Mỹ đồn trú.

Ông Bolton dẫn lời Tổng thống Trump nói rằng, cách tốt nhất để buộc các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc chi trả phần chi phí tăng lên đáng kể “là dọa rút toàn bộ lực lượng quân sự Mỹ” khỏi các nước này.

“Lời đe dọa đó sẽ đặt ông vào vị thế mặc cả rất mạnh”, ông Bolton dẫn lời ông chủ Nhà Trắng cho biết.

Nhật Bản lên tiếng chuyện ông Trump đòi 8 tỷ USD cho quân Mỹ đồn trú - 2
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton bắt tay Tổng thống Trump tại Nhà Trắng năm 2018. (Ảnh: AFP)

Thông tin được tiết lộ trong cuốn sách của cựu cố vấn an ninh Nhà Trắng trùng khớp với một báo cáo của tạp chí Foreign Policy năm ngoái rằng, Tổng thống Trump đang tìm cách tăng gấp 4 lần chi phí, lên khoảng 8 tỷ USD, nhằm hối thúc các đồng minh tăng ngân sách cho quốc phòng.

Khi được hỏi liệu ông có cho rằng chi phí hiện tại cho việc đồn trú của quân đội Mỹ tại Nhật Bản là phù hợp hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Kono nói: “Liên minh Nhật – Mỹ là tài sản chung đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực. Một sự dàn xếp nếu chỉ mang lại lợi ích cho một bên sẽ không thể kéo dài”.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 22/6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối bình luận về thông tin do ông Bolton tiết lộ. Tuy nhiên, ông Suga bác bỏ thông tin Mỹ yêu cầu Nhật Bản gánh thêm chi phí phòng vệ, đồng thời cho biết các cuộc đàm phán giữa hai nước vẫn chưa diễn ra.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức, trong khi Tổng thống Trump nói cuốn sách của ông Bolton là “tập hợp của những lời dối trá”.

Tổng thống Trump, người vẫn tự hào về khả năng đàm phán của mình, từ lâu đã kêu gọi các đồng minh trên toàn thế giới chia sẻ chi phí phòng vệ với Mỹ. Tokyo cũng không phải là ngoại lệ, bất chấp mối quan hệ khăng khít giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Khi còn là ứng viên tranh cử tổng thống vào năm 2016, ông Trump đã từng nhiều lần phàn nàn về việc Nhật Bản không chi trả đủ cho chi phí đồn trú của quân đội Mỹ. Tháng 6/2019, tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Tổng thống Trump tiếp tục kêu gọi xem xét lại hiệp ước an ninh kéo dài hàng thập niên với Nhật Bản mà ông mô tả là “không công bằng”.

Hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật Bản đóng vai trò quan trọng với cả hai nước, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động cứng rắn trên biển và Triều Tiên vẫn tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

Thành Đạt/DT

Bài mới
Đọc nhiều