Nhật Bản hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt nhất trong vòng 150 năm
Theo Japan Times, đã 1 tuần liên tiếp Nhật Bản hứng chịu cái nóng thiêu đốt, khiến một số người tử vong. Đặc biệt, thủ đô Tokyo thậm chí phải đối mặt với nhiệt độ khắc nghiệt nhất trong vòng 150 năm qua.
Suốt 4 ngày liên tục, nhiệt độ tại Tokyo ở mức 35 – 36 độ, đánh dấu đợt nắng nóng tháng 6 tồi tệ nhất kể từ năm 1875. Giới chức thủ đô Tokyo đã ban hành các cảnh báo say nắng, sốc nhiệt ở một số khu vực vào ngày 28/6.
Theo Japan Times, đã có ít nhất 13 người đã được đưa đến bệnh viện nghi bị say nắng. Các phương tiện truyền thông đưa tin ít nhất 2 người đã tử vong vì nguyên nhân này.
Chính phủ Nhật Bản cảnh báo, công suất điện dự trữ có thể giảm xuống dưới 5% vào chiều nay, gần với mức tối thiểu 3% để đảm bảo nguồn cung ổn định ở Tokyo và 8 quận xung quanh. Công suất dự trữ dưới 3% có nguy cơ gây ra thiếu điện và mất điện. Một số cơ quan văn phòng chính phủ ngừng sử dụng 25% thang máy.
Đối mặt với cái nóng gay gắt, nhưng để hưởng ứng lời kêu gọi tiết kiệm của Chính phủ Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô Tokyo và các khu vực lân cận đã triển khai nhiều biện pháp nhằm cắt giảm lượng điện năng tiêu thụ. Trong đó có việc giảm sử dụng điều hòa.
Từ ngày 30/6, các viên chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã tắt một phần bóng đèn tại văn phòng làm việc của mình. 40% số thang máy được cho ngừng hoạt động vào buổi chiều để giảm lượng điện tiêu thụ.
Các doanh nghiệp tư nhân cũng đang triển khai những biện pháp tiết kiệm năng lượng trong khả năng của mình. Tại sàn chứng khoán Tokyo, một số bảng điện tử đã được tắt bớt. Ở các siêu thị, trung tâm bán lẻ, hoạt động cũng được điều chỉnh lại, bao gồm việc giảm số lượng bóng đèn chiếu sáng, biển quảng cáo điện tử, hay tắt bớt các tivi trưng bày.
Nhiều người lao động đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các biện pháp tiết kiệm điện, nhưng đồng thời cũng lo ngại về tình hình hiện tại.
Anh Daiki Hayashi, nhân viên văn phòng, nói: “Người ta nói rằng 28°C là mức nhiệt độ thích hợp trong văn phòng. Vì vậy, chúng tôi đã bật điều hòa nhiệt độ ở mức này, đồng thời tắt một phần đèn chiếu sáng”.
Ông Nobuki Kato cho biết: “Tôi rất lo lắng về tình trạng thiếu điện. Nếu tháng 6 tình hình đã tệ như thế này rồi, không thể tưởng tượng mọi thứ sẽ thế nào trong tháng 7 và tháng 8”.
Các doanh nghiệp sản xuất lớn tại Nhật Bản như Mitsubishi, Nissan hay Hitachi cũng đều đã áp dụng biện pháp tiết kiệm điện tại các cơ sở sản xuất, bao gồm việc tạm dừng các hoạt động không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng. Các nỗ lực này được kỳ vọng sẽ giúp làm dịu đáng kể nhu cầu tiêu thụ điện tại Nhật Bản trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kỷ lục được dự báo sẽ kéo dài tới ngày 5/7.
Bảo Trâm (Theo Japan Times)