+
Aa
-
like
comment

Nhật Bản “hậu Shinzo Abe”: Đối diện nguy cơ bất ổn chính trị?

Bảo Trâm - 17/08/2022 14:28

Theo Nikkei Asia Review, những nhân tố bất ổn như phe bảo thủ mất đi đầu tàu, kinh tế Nhật Bản gặp nhiều thách thức và tương lai bất định của Thủ tướng Kishida… đang dần hiện ra. Điều này liệu có khiến Nhật Bản đối diện với nguy cơ bất ổn chính trị?

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Lúc sinh thời, Abe có lẽ là nhân vật chính trị thành công nhất mà Nhật Bản từng chứng kiến trong thế kỷ 21. Ông là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản với 3.188 ngày cùng một bề dày kỷ lục thành tích như chính sách kinh tế với tên gọi “Abenomics” hay hoạt động chuẩn bị cho việc Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Tokyo 2020 trong bối cảnh cả thế giới bị “phủ bóng” bởi đại dịch COVID-19.

Nhưng vụ ám sát Abe là một sự kiện to lớn đến mức có thể làm lu mờ cả di sản của ông, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản trong thời hậu chiến hầu như chưa từng xảy ra vụ ám sát thủ tướng và tội phạm liên quan súng đạn cũng vô cùng hiếm thấy. Vụ việc gây choáng váng không chỉ đối với một Nhật Bản theo chủ nghĩa hòa bình, mà còn gây ra những “làn sóng” chấn động trên toàn cầu vào thời điểm thế giới đang vô cùng bất ổn.

Cuộc bầu cử Thượng viện được tổ chức ngay sau khi Thủ tướng Abe qua đời đã kết thúc với chiến thắng nghiêng về LDP cầm quyền (hiện do Thủ tướng Fumio Kishida đứng đầu). Trong thời kỳ “hậu Shinzo Abe”, Kishida có trách nhiệm lớn hơn bao giờ hết trong việc đảm bảo rằng các quyền tự do ngôn luận và dân chủ của Nhật Bản không bị đàn áp bởi bạo lực.

Ông Shinzo Abe và Thủ tướng Fumio Kishida

Tuy nhiên, Thủ tướng Fumio Kishida đối mặt với nhiều thách thức. Bởi khi ông Abe có ảnh hưởng đến mức ngay cả sau khi từ chức thủ tướng, ông vẫn là một nhân vật được coi trọng và là một hình ảnh không thể thiếu khi nhắc đến Quốc hội Nhật Bản. Nhiều người coi các quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Kishida là một nỗ lực để duy trì sự ủng hộ của Abe và phe của ông. Việc Kishida đề nghị bổ nhiệm một số vị trí trong LDP và nội các Nhật Bản cho Takaichi – một đồng minh thân cận của Abe và Nobuo Kishi – em trai Abe, cho thấy Kishida không có lựa chọn nào khác ngoài việc lôi kéo ông Shinzo Abe.

Không có ông Abe, Thủ tướng Kishida cũng có thể tự do hơn trong việc điều hành chính phủ của mình. Ông Cucek nói với Nikkei Asia rằng việc Abe qua đời “sẽ trút bỏ gánh nặng trên vai Kishida, ông sẽ không phải chịu các rắc rối từ ông Abe và một “bè phái thống nhất”. Vì vậy, Ông Kishida sẽ có nhiều không gian hơn để thể hiện dấu ấn cá nhân.

Tuy nhiên, việc ông Shinzo Abe qua đời cũng đưa đến cho Kishida những gánh nặng đáng kể trên phương diện chính trị. Kishida sẽ không còn cơ hội để sử dụng Abe – người có ảnh hưởng lớn trong đảng làm “cái cớ” để theo đuổi các chính sách gây chia rẽ trong LDP nói riêng và cả xã hội nói chung, đặc biệt là đối với vấn đề sửa đổi hiến pháp của Nhật Bản.

Thế giới đã thay đổi mạnh mẽ với sự xuất hiện của COVID-19 và cuộc chiến Nga-Ukraine. Nhiều người lo ngại rằng hiến pháp và khuôn khổ pháp lý hiện tại của Nhật Bản không còn đủ sức để chống lại các cuộc tấn công trong không gian mạng và các lĩnh vực phi truyền thống khác.

Trong khi đó, Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản nhấn mạnh việc Nhật Bản từ bỏ việc sử dụng vũ lực và nói rằng sẽ không bao giờ duy trì lực lượng quân sự. Do đó, ông Shinzo Abe đã nêu rõ mong muốn trên khía cạnh ý thức hệ của ông là thay đổi Điều 9 Hiến pháp và củng cố an ninh của Nhật Bản. Năm 2015, ông Abe đã thúc đẩy Quốc hội thông qua luật an ninh toàn diện mới – cho phép Nhật Bản có quyền “tự vệ tập thể”.

Michael Green – Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney và là cựu Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC)

Michael Green – Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Đại học Sydney và là cựu Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) – cho rằng luật an ninh toàn diện này là đạo luật tham vọng nhất kể từ năm 1954 – thời điểm Cơ quan Quốc phòng Nhật Bản (hiện nay là Bộ Quốc phòng) và Lực lượng Phòng vệ được thành lập.

Ông Michael Green nhận định động lực chính của luật an ninh chính là tư duy chiến lược mạnh mẽ của Shinzo Abe, chứ không phải là ý thức hệ của ông liên quan đến hiến pháp. Bên cạnh đó, nhìn vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc Trung Quốc đẩy mạnh gây hấn và chèn ép, ông Abe đã kết luận rằng Nhật Bản cần củng cố liên minh và tăng cường khả năng răn đe.

Trong suốt 9 tháng nắm quyền, Thủ tướng Kishida đã khẳng định sự nhất trí với ông Abe về nhu cầu tăng cường an ninh của Nhật Bản, thúc đẩy chính sách ngoại giao theo chủ nghĩa hiện thực và cam kết tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản.

Nhưng cải cách hiến pháp là một vấn đề gây tranh cãi ở Nhật Bản nếu xem xét trên khía cạnh quan điểm của người dân về chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến. Nếu ông Abe còn sống, Thủ tướng Kishida có thể tận dụng và dựa vào chủ trương mạnh mẽ của Abe về việc sửa đổi Điều 9 hiến pháp.

Rõ ràng, ông Shinzo Abe là một nhân vật có khả năng tập hợp lực lượng, và Thủ tướng Kishida có thể sử dụng ông như một lá chắn khi vấp phải sự chỉ trích từ những người phản đối việc thay đổi hiến pháp. Khi Abe không còn, những lời chỉ trích đối với Chính quyền Kishida sẽ đến từ mọi phía. Ngoài các đảng đối lập, Thủ tướng Kishida còn có thể đối mặt với sự bất mãn của những người bảo thủ mà
ông Abe chắc hẳn sẽ xoa dịu được.

Ông Michael Cucek kết luận phe cánh hữu đã mất nhà vô địch khi Abe qua đời; việc thiếu vắng Abe có mang lại cơ hội cho Kishida hay không vẫn cần phải quan sát.

Bảo Trâm (Theo Nikkei Asia Review)

Bài mới
Đọc nhiều