Nhật Bản đứng trước nguy cơ “biến mất” khỏi thế giới
Theo một cố vấn của Thủ tướng Kishida Fumio, Nhật Bản sẽ không còn tồn tại nếu không ngăn chặn được đà giảm của tỉ lệ sinh hiện nay.
Bà Masako Mori nói trong một cuộc phỏng vấn ở Tokyo: “Nếu chúng ta cứ tiếp tục như thế này, đất nước sẽ biến mất”. Nhật Bản hôm 28-2 công bố số trẻ sơ sinh năm ngoái giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Bà nói thêm: “Chính những người phải sống trong tiến trình đất nước biến mất sẽ đối mặt với tác hại to lớn. Đó là một căn bệnh khủng khiếp sẽ ảnh hưởng đến những đứa trẻ đó”.
Theo Bloomberg, năm ngoái, số người tử vong ở Nhật Bản cao gấp đôi số trẻ sơ sinh, cụ thể là dưới 800.000 ca sinh và khoảng 1,58 triệu ca tử vong. Dân số giảm xuống còn 124,6 triệu người kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2008 với hơn 128 triệu người. Tốc độ giảm đang gia tăng. Trong khi đó, tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 29% trong dân số vào năm ngoái.
Bà Mori, cố vấn của Thủ tướng Kishida về các vấn đề tỉ lệ sinh và LGBTQ, cho rằng: “Đó không còn là giảm dần mà đang lao dốc. Lao dốc có nghĩa là trẻ em sinh ra sẽ bị đưa vào một xã hội trở nên méo mó, sụt giảm và mất đi khả năng hoạt động”.
Nếu không sớm hành động, hệ thống an sinh xã hội sẽ sụp đổ, sức mạnh công nghiệp, kinh tế sẽ giảm và không còn đủ tân binh gia nhập Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản để bảo vệ đất nước.
Bà Mori cũng cho rằng nỗ lực đảo ngược đà giảm sẽ vô cùng khó khăn do số phụ nữ ở độ tuổi sinh con giảm, chính phủ phải làm mọi cách có thể để làm chậm lại xu hướng lao dốc và giảm thiểu mức độ thiệt hại.
Thủ tướng Kishida vẫn chưa công bố nội dung gói chi tiêu ngân sách mới nhưng nói rằng sẽ khác so với những chính sách trước đó. Cho đến nay, ông đề cập đến việc tăng trợ cấp cho trẻ em, cải thiện lĩnh vực chăm sóc trẻ và thay đổi phong cách làm việc.
Tuy nhiên, một số người chỉ trích cho rằng hỗ trợ tiền để các gia đình sinh con chưa đủ để giải quyết vấn đề. Một báo cáo từ hội đồng chính phủ về bình đẳng giới cho rằng cần có những thay đổi toàn diện, bao gồm giảm gánh nặng nuôi con cho phụ nữ và giúp họ dễ dàng tham gia lực lượng lao động hơn sau khi sinh.
Bảo Trâm