Nhật Bản chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam
Vabiotech cùng Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản, đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Thông tin được tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, chia sẻ với PV ngày 27/7. Công nghệ vaccine được chuyển giao là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System), tức công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp. Hiện các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vaccine và công nghệ.
Công nghệ BaculovirusExpression Vector System đã được Shionogi ứng dụng vào nghiên cứu và sản xuất một loại vaccine Covid-19 ở Nhật Bản, theo NHK. Họ sản xuất nhân tạo các phần protein nCoV thông qua tái tổ hợp gene virrus, từ đó tạo ra vaccine và kích thích tạo kháng thể trên người.
Japan Times ngày 7/7 dẫn lời một lãnh đạo công ty, cho biết vaccine Covid-19 của Shionogi có thể là vaccine nội địa Nhật đầu tiên được sản xuất. Hiện, vaccine vẫn thử nghiệm lâm sàng, công ty đang lên kế hoạch mở rộng các thử nghiệm, xem xét tiến hành tại các vùng có dịch ở Đông Nam Á và châu Phi.
Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), trực thuộc Bộ Y tế, là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn và lâu đời tại Việt Nam.
Trước đó, Vabiotech và Công ty DS-Bio đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDFI), bắt đầu đóng ống vaccine Sputnik-V từ bán thành phẩm từ tháng 7. Lô vaccine đầu tiên khoảng 30.000 liều, đã được gửi sang Nga để kiểm định chất lượng, dự kiến đến ngày 10/8 có kết quả. Sau đó, công ty sẽ đóng ống Sputnik V với quy mô 5 triệu liều một tháng, có thể bắt đầu ngay trong tháng 8 với tối thiểu 500.000 liều, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều một năm.
Mỹ cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA cho Tập đoàn VinGroup vào hồi tháng 5. Bộ Y tế đang hướng dẫn để tiến hành thử nghiệm vào tháng 8. Nhà máy do Vingroup đầu tư dựa trên tiêu chí của nhà sản xuất tại Mỹ, công suất 100-200 triệu liều một năm.
Chi Lê